Báo Đồng Nai điện tử
En

Dinh dưỡng an toàn mùa nắng nóng

10:04, 05/04/2014

Mùa nắng nóng, ăn uống kém ngon miệng, cơ thể lại mất nhiều nước do đổ mồ hôi. Thời tiết này cũng là điều kiện khiến các vi khuẩn phát sinh nhiều, làm cho thực phẩm mau ôi thiu, tạo nguy cơ gây ngộ độc. Vì thế, an toàn và dinh dưỡng trong mùa nắng nóng cần được quan tâm.

Mùa nắng nóng, ăn uống kém ngon miệng, cơ thể lại mất nhiều nước do đổ mồ hôi. Thời tiết này cũng là điều kiện khiến các vi khuẩn phát sinh nhiều, làm cho thực phẩm mau ôi thiu, tạo nguy cơ gây ngộ độc. Vì thế, an toàn và dinh dưỡng trong mùa nắng nóng cần được quan tâm.

* Không ăn thức ăn đường phố

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Bình, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thời tiết nắng nóng, thức ăn rất nhanh bị ôi thiu. Do đó, nguy cơ ngộ độc thức ăn trong thời gian này rất cao. Vì thế, nên hạn chế sử dụng thức ăn chế biến sẵn bán trên đường phố.

Riêng với loại thực phẩm sơ chế có đóng gói bao bì, dù thời hạn sử dụng được ghi trên bao bì, nhưng đòi hỏi được bảo quản trong điều kiện lạnh tốt nhất. Vì thế, khi chọn lựa thực phẩm này cũng nên quan tâm đến chất lượng, vệ sinh và vấn đề bảo quản của thực phẩm. Nên hạn chế ăn thức ăn nấu sẵn được chế biến đã quá 4 giờ đồng hồ. Thực hành ăn chín uống sôi, vệ sinh sạch sẽ nơi chế biến. Những thức ăn thừa nên nấu sôi lại, bao kín để trong tủ lạnh, nhưng không quá 1-2 ngày.

* Dinh dưỡng mùa nắng nóng

Cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể (từ 1,5 - 2 lít nước/ngày) là việc cần thiết nhất trong mùa nắng nóng. Việc cung cấp đủ nước và muối giúp cơ thể điều hòa lại quá trình mất nước, giúp máu lưu thông tốt.

Ngoài ra, cơ thể cũng cần một số vi chất khác để duy trì sức bền của cơ thể, chống chọi với đổi thay của nhiệt độ trong cơ thể và môi trường, tăng cường uống các loại nước ép trái cây để bổ sung những vitamin cần thiết cho cơ thể là một trong những biện pháp dinh dưỡng tốt nhất, làm tăng sức đề kháng, giúp chống lại bệnh tật.

Mùa nắng nóng, cũng nên hạn chế ăn các món chiên, xào, nướng vì dễ gây cảm giác ngấy dầu mỡ. Tăng cường ăn các loại cá, đậu hũ và các loại rau xanh. Trời nắng nóng cũng dễ gây chán ăn, vì thế có thể chia bữa ăn thành những bữa nhỏ, ăn làm nhiều lần, nhất là người già và trẻ em. Lưu ý cũng cần hạn chế ăn các thứ cay nhiệt, dễ kích thích, như: hạt tiêu, ớt, gừng. Giảm ăn mỡ động vật hay các loại hoa quả gây nóng, như: xoài, mít, nhãn…

Ngoài việc lựa chọn thực phẩm an toàn, cần giữ vệ sinh sạch sẽ trước và trong khi chế biến, bảo quản thức ăn để tránh lây nhiễm vi khuẩn từ các dụng cụ chế biến sang thực phẩm, gây ngộ độc.

Phương Liễu (ghi)

 

 

 

 

Tin xem nhiều