Báo Đồng Nai điện tử
En

Phức tạp bệnh mùa mưa

09:08, 05/08/2014

Thời tiết diễn biến phức tạp, những ngày nắng nóng xen lẫn với ngày mưa kéo dài làm cơ thể của nhiều trẻ không kịp thích ứng, gây ra phản ứng tiêu cực đối với sức khỏe. Đây cũng là thời điểm thuận lợi cho vi trùng, vi khuẩn phát triển… Vì thế, phụ huynh cần có kiến thức phòng bệnh cho con.

Thời tiết diễn biến phức tạp, những ngày nắng nóng xen lẫn với ngày mưa kéo dài làm cơ thể của nhiều trẻ không kịp thích ứng, gây ra phản ứng tiêu cực đối với sức khỏe. Đây cũng là thời điểm thuận lợi cho vi trùng, vi khuẩn phát triển… Vì thế, phụ huynh cần có kiến thức phòng bệnh cho con.

Ghi nhận tại bệnh viện nhi và một số phòng khám chuyên khoa nhi cho thấy, trong số trẻ đến khám bệnh, nhiều nhất vẫn là tình trạng sốt siêu vi, viêm phổi và những bệnh nhiễm.

* Gia tăng bệnh nhiễm

Chị Mai Thị Quế Hương (phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa) cùng chồng đưa cả 2 con gái 5 tuổi và 3 tuổi đến khu dịch vụ của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai để khám bệnh.  Chị cho biết, đã một tuần qua 2 con của chị bị sốt, ho, chảy mũi kéo dài. Dù đã đi  khám bệnh, uống thuốc nhưng tình trạng bệnh của 2 bé vẫn chưa cải thiện nhiều.

Trẻ bị viêm phổi đang điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Trẻ bị viêm phổi đang điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Hiện tại, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai mỗi ngày tiếp nhận khoảng 1.500 lượt trẻ khám bệnh ngoại trú. Theo thống kê của bệnh viện, có đến hơn 60% lượt trẻ đến khám có triệu chứng sốt, ho do viêm đường hô hấp, viêm phổi…

Theo bác sĩ Lê Văn Giai,  Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, mùa mưa là điều kiện thuận lợi để các virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh, đặc biệt là bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy và một số bệnh nhiễm khác, như: sốt xuất huyết, thủy đậu, tay chân miệng, viêm não…Nguyên nhân là do các vi khuẩn này “đột nhập” qua mũi, họng vào cơ thể của trẻ. Hiện một số loại virus đang có những biến thể nguy hiểm, nếu trẻ không được chăm sóc tốt, không có sức đề kháng cao thì rất dễ mắc bệnh, tình trạng bệnh cũng trở nên nặng, dễ biến chứng hơn.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm (Bệnh viện nhi đồng 1, TP.Hồ Chí Minh), cho biết: “Khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều… là điều kiện dễ phát sinh dịch bệnh ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các bệnh theo mùa ở trẻ nhỏ thường là bệnh đơn giản, hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Qua công tác khám và điều trị bệnh cho trẻ, tôi rất lo ngại khi thấy còn nhiều cha mẹ thiếu kiến thức phòng bệnh cho con, dẫn đến trẻ bị mắc bệnh và trở nặng một cách không đáng”.

Điều đáng lo ngại là tình trạng nhiều phụ huynh tự mua kháng sinh về điều trị cho con. Điều này rất nguy hiểm. Có những trường hợp trẻ vào bệnh viện điều trị cả tuần nhưng không thuyên giảm do bị kháng kháng sinh. Cũng theo bác sĩ Giai, tự điều trị bằng kháng sinh và điều trị kéo dài sẽ không chỉ làm cho bệnh nặng lên, thời gian khỏi bệnh lâu hơn mà còn làm tăng men gan, ảnh hưởng đường tiêu hóa của trẻ.

* Cần kiến thức chăm sóc trẻ

Trong các bệnh về mùa mưa,  bệnh về đường hô hấp dễ lây lan vì chỉ cần một người nhiễm ho, hắt hơi, khạc đờm… sẽ phát tán rất nhiều vi khuẩn ra ngoài không khí và có thể dễ dàng xâm nhập vào người khác qua đường thở. Ở trẻ em, do sức đề kháng còn yếu, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh là đối tượng dễ “hít” phải không khí đã nhiễm khuẩn này và mắc bệnh. Do đó, các phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ và thực hành đúng các biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa sự mắc bệnh cho trẻ.

Theo bác sĩ Lê Văn Giai, để phòng bệnh, cần tránh cho trẻ bị ướt mưa, giữ ấm cho trẻ; cung cấp cho trẻ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý; cho trẻ vận động dưới trời mát, đặc biệt là hướng dẫn và tập cho trẻ có thói quen rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn... Ngoài ra, phụ huynh cũng cần rửa tay khi nấu ăn cho trẻ, chăm sóc và cho trẻ ăn; giữ nhà ở khô ráo, thoáng mát. Nên chú ý việc thường xuyên rửa đồ chơi cho trẻ để tránh tình trạng ngậm mút đồ chơi nhiễm bẩn, đưa vi trùng, vi khuẩn vào cơ thể trẻ và gây bệnh.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, phụ huynh nên dọn dẹp bụi rậm, các chai lọ chứa nước tù đọng để diệt lăng quăng, cho trẻ ngủ mùng để tránh muỗi. Khi  trẻ có các biểu hiện bất thường, như: ho, khò khè, sốt kéo dài, nôn ói, chảy máu mũi, lờ đờ,  ăn ngủ kém… phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không được tự ý mua thuốc về nhà tự điều trị.

Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều