Báo Đồng Nai điện tử
En

310 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai
Văn hóa cồng chiêng của dân tộc Cơ Ho

08:11, 03/11/2008

Ở Đồng Nai, các dân tộc Chơ Ro, Mạ, STiêng, Cơ Ho đều có cồng chiêng. Những bộ cồng chiêng của các dân tộc này rất phong phú, đa dạng. Cồng chiêng của người Chơ Ro sử dụng vào dịp lễ Sa Yangva, người Mạ phục vụ trong lễ đâm trâu, người STiêng sử dụng trong lễ cúng thần lúa...

Ở Đồng Nai, các dân tộc Chơ Ro, Mạ, STiêng, Cơ Ho đều có cồng chiêng. Những bộ cồng chiêng của các dân tộc này rất phong phú, đa dạng. Cồng chiêng của người Chơ Ro sử dụng vào dịp lễ Sa Yangva, người Mạ phục vụ trong lễ đâm trâu, người STiêng sử dụng trong lễ cúng thần lúa...

 

Bộ cồng chiêng của dân tộc Cơ Ho.

Người Cơ Ho sử dụng cồng chiêng vào những dịp lễ tết của cộng đồng và gia đình. Trước đây, mỗi gia đình người Cơ Ho đều có một bộ chiêng. Chiêng được sử dụng vào những lễ hội lớn hoặc cúng thần lúa. Bộ chiêng của người Cơ Ho bao gồm 6 - 8 chiếc, có kích thước từ lớn đến nhỏ và có âm thanh với các sắc độ trầm bổng khác nhau. Khi sử dụng, người ta dùng cả bộ và gõ vào mặt chiêng để tạo ra âm thanh. Chiêng của người Cơ Ho thường là bộ chiêng bằng đồng, không núm.

Chiêng có vai trò quan trọng trong nghi lễ của gia đình cũng như cộng đồng của người Cơ Ho. Tuy nhiên, cuộc sống thay đổi, nhiều người đã không còn giữ được bộ chiêng quý giá cho gia đình mình và cộng đồng.

 

Bộ chiêng duy nhất còn lại của người Cơ Ho được gia đình ông KTiếu, ở ấp Phú Ngọc, xã Phú Trung, huyện Tân Phú lưu giữ gồm 5 chiếc với kích thước cụ thể:  chiêng lớn có đường kính khoảng 34cm, cao vành 5,5cm có hai lỗ nhỏ để xỏ dây, dày 0,3cm, bề mặt khuyết lõm như tổ ong, là dấu vết của việc chiêng đã được sử dụng lâu năm; chiêng lớn có đường kính khoảng 32,5cm, vành cao 5cm, có hai lỗ nhỏ để xỏ dây, dày 0,3cm, bề mặt cũng có nhiều vết lõm như tổ ong; chiêng lớn có đường kính 30,2cm, cao vành 5cm, có hai lỗ nhỏ để xỏ dây, dày 1cm, chiêng bị nứt hình chữ T dài 1,5cm cách cạnh đáy 3cm, đáy bị thủng lỗ nhỏ; chiêng nhỏ có đường kính 29,3cm, cao vành 5cm, có hai lỗ nhỏ để xỏ dây, dày 2cm, mặt chiêng khuyết lõm như tổ ong; chiêng nhỏ có đường kính khoảng 27,5cm, vành cao 6cm, cạnh có 4 lỗ để xỏ dây, dày 0,1cm, bề mặt chiêng cũ, màu đồng xám.

 

Bộ chiêng này trước đây gồm có khoảng 7,8 chiếc. Những chiếc chiêng lớn đã được gia đình chia làm của cho bà nội và đã được chôn theo khi bà qua đời. Những đồ vật có giá trị như ché, chiêng, chà gạt, nồi đồng... vẫn là những của cải được người sống chia cho những thành viên lớn tuổi trong gia đình để khi họ mất đi thì được chôn theo. Đây chính là tục tùy táng truyền thống không chỉ người Cơ Ho mà còn là phong tục của các dân tộc bản địa ở vùng đất này.

 

Gia đình ông KTiếu sử dụng bộ chiêng vào mỗi dịp lễ cúng lúa mới của gia đình hoặc đem ra gõ khi làng tổ chức lễ trọng thể như lễ lúa mới hay lễ đâm trâu. Vào những dịp lễ hội, người Cơ Ho có tục dựng cây nêu (thường được làm bằng cây bông lang chặt trong rừng Cát Tiên, đem về chuốt ngọn thành hình bông lúa có nhiều tầng, gắn những bông gòn và hình thú lên để cúng). Cây nêu được dựng giữa sân lễ, cũng là trung tâm diễn ra các hoạt động lễ hội của cộng đồng. Chuẩn bị lễ, người ta đem cồng chiêng ra đánh tạo nên không khí nhộn nhịp, âm thanh dồn dập báo hiệu để mọi người tụ tập về đông đủ, cũng như báo hiệu để thần linh về chứng giám và phù hộ cho buổi lễ  và nghe lời cầu khấn của họ.

 

Những người được phân công đánh chiêng (cả nam và nữ) thường là người lớn tuổi, biết gõ chiêng. Họ vừa đi vừa làm động tác nhảy múa rất điệu nghệ và đều đặn. Mỗi một cộng đồng dân tộc thiểu số lại có kỹ thuật đánh chiêng khác nhau, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho văn hóa cồng chiêng của các dân tộc bản địa ở Nam bộ. Người Cơ Ho có kỹ thuật đánh chiêng bằng cách đi vòng tròn, người hơi cúi khom xuống, tay trái đặt bên trong đỡ lấy chiêng, tay phải nắm lại, dùng nắm tay gõ vào mặt chiêng. Động tác đánh được gõ đều một nhịp với nhau tạo nên âm thanh trầm hùng và sâu lắng.

 

Tiếng cồng chiêng bày tỏ tâm nguyện của dân làng đến với thần linh, đến với núi rừng, mơ ước cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, mùa vụ được thuận lợi, dân làng được yên ổn, làm ăn sung túc hơn...

Nguyên Thơ

 

Tin xem nhiều