Báo Đồng Nai điện tử
Hotline: 0915.73.44.73 Quảng cáo: 0919118616 - 0912174545
Thứ 3, 22/07/2025, 22:59 En

Di tích lịch sử thành Biên Hòa: Nét lạ mà quen

09:11, 20/11/2009

Triển lãm "Thành Biên Hòa - thành cổ Việt Nam và Biên Hòa xưa" do Ban quản lý di tích danh thắng Đồng Nai tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 23-11 đến 3-12 ngay tại khuôn viên thành cổ Biên Hòa. Một triển lãm hứa hẹn nhiều thú vị với người dân Biên Hòa vì những nét lạ mà quen ở một vùng đất hơn 300 năm tuổi.

Triển lãm "Thành Biên Hòa - thành cổ Việt Nam và Biên Hòa xưa" do Ban quản lý di tích danh  thắng Đồng Nai tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 23-11 đến 3-12 ngay tại khuôn viên thành cổ Biên Hòa. Một triển lãm hứa hẹn nhiều thú vị với người dân Biên Hòa vì những nét lạ mà quen ở một vùng đất  hơn 300 năm tuổi.

 

Dấu vết thành cổ Biên Hòa còn lại phủ rêu cùng năm tháng.

* Dấu vết thành cổ...

 

Nằm ở đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa hiện vẫn còn một phần của thành Biên Hòa xưa. Vết tích còn lại là một vòng thành được xây dựng bằng đá ong, bên trong có ngôi biệt thự kiến trúc lầu của Pháp. 

 

Thành cổ Biên Hòa được xây dựng từ năm nào? Theo thư tịch cổ, từ thế kỷ 14-15, thành do dân Lạp Man xây đắp bằng đất với tên gọi "Thành Cựu". Thời nhà Nguyễn, thành được xây dựng lại trên nền Thành Cựu, có mở rộng hơn, với tên gọi thành Biên Hòa. Theo tác giả Lương Văn Lựu viết trong Biên Hòa sử lược, thì "Thành được xây dựng vào năm Gia Long thứ 15 (tức 1816) tại địa hạt thôn Bàn Lân (thôn Tân Lân) huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa cũng với tên gọi là "Thành Cựu" do dân Lạp Man xây đắp bằng đất. Chu vi thành dài 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng. Hào xung quanh rộng 4 trượng, sâu 6 thước. Thành có 4 cửa và một kỳ đài (phía chánh điện). Mỗi cửa ngõ có bắc một cầu đá ngang qua hào để làm lối lưu thông ra vào". Thành được xây theo hình cánh cung, đến năm Minh Mạng thứ 18 (tức 1837), Thành Cựu được xây dựng lại bằng đá ong và đổi tên thành Thành Biên Hòa.

 

Khi Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam bộ, Thành Biên Hòa trở thành nơi phòng ngự, phản công địch của quan quân nhà Nguyễn. Tháng 12-1861, Thành Biên Hòa rơi vào tay thực dân Pháp. Trong thời gian chiếm đóng, quân đội Pháp tiến hành xây dựng lại, thu gọn chu vị thành còn 1/8 so với trước và gọi là thành "Xăng đá", phiên âm từ tiếng Pháp Soldat - nghĩa là "Thành Lính".  Hào phía đông được lấp đất lại xây cất phố xá và một số doanh trại, biệt thự, nhà thương... trong nội thành cho sĩ quan cao cấp và quân đội Pháp ở. Buổi sáng lính thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng nên dân địa phương còn gọi là Thành Kèn.

 

Những tài liệu nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước đều cho biết, Thành Biên Hòa có một vị trí rất quan trọng trên nhiều mặt. Đây là ngôi thành cổ duy nhất ở Đồng Nai còn sót lại trên đất Nam bộ. Nơi đây đã ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong cuộc khai phá đất Đàng Trong thời chúa Nguyễn, cũng như giai đoạn chống Pháp và Mỹ sau này.

 

* Biên Hòa xưa trong hôm nay...

 

 "Không phải là một công trình nghiên cứu sâu nhưng sẽ phần nào giới thiệu những nét xưa của Biên Hòa được lưu giữ qua những tấm ảnh, di vật mà tự thân nó đã là những chứng nhân lịch sử. Biên Hòa xưa, xa mà gần, lạ mà quen. Những hình ảnh ít nhiều thay đổi, hoặc còn tồn tại hoặc là biến mất ở một con đường, một tòa nhà, một công trình hay góc phố nào đó... sẽ vẫn giữ lại những nét hình trong ký ức của người dân Biên Hòa" - Giám đốc Ban quản lý di tích danh thắng Lê Trí Dũng nói về triển lãm như thế. Đặc biệt, ông nhấn mạnh, được khai mạc ngay đúng ngày di sản văn hóa Việt Nam (23-11) và công bố quyết định công nhận di tích lịch sử Thành Biên Hòa, triển lãm giới thiệu một số hình ảnh tiêu biểu về di tích lịch sử Thành Biên Hòa, Thành cổ Việt Nam và Biên Hòa xưa đến nhân dân địa phương và du khách với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc khai thác và bảo quản các giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

 

Trở lại câu chuyện triển lãm Thành cổ Biên Hòa, cùng với những thăng trầm của lịch sử, Thành Biên Hòa tuy không còn nguyên vẹn như lúc ban đầu, song những gì còn sót lại của một thành trì (vị trí tọa lạc, hình dáng, chất liệu xây dựng, lô cốt, biệt thự...) phần nào phản ảnh được trình độ kỹ thuật, kiến trúc quân sự, tư tưởng chiến thuật của cha ông ngày xưa. Đặc biệt, Thành Biên Hòa tọa lạc vào vị trí trung tâm của TP.Biên Hòa, rất gần với các di tích như đình Tân Lân, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đền thờ Nguyễn Tri Phương, lăng mộ Trịnh Hoài Đức, đền liệt sĩ, di tích cách mạng Nhà Xanh, di tích cách mạng nhà lao Tân Hiệp và khu danh thắng Bửu Long. Vì thế, Thành Biên Hòa trong tương lai trở thành một trong những điểm tham quan du khảo về nguồn của học sinh, sinh viên và du khách...

Bùi Trang