Báo Đồng Nai điện tử
En

Một công trình mang nhiều ý nghĩa

09:03, 30/03/2012

Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, chiến thắng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc 30 năm (1945- 1975) là một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, chiến thắng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc 30 năm (1945- 1975) là một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh “Gian lao mà anh dũng” ấy, quân và dân miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ đã vượt qua bao khó khăn, thử thách lập nên những chiến công hiển hách, góp phần xứng đáng vào thắng lợi huy hoàng của dân tộc.

“Lịch sử miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ kháng chiến (1945-1975)” là công trình nghiên cứu công phu, có hệ thống, cung cấp cho bạn đọc một nguồn sử liệu phong phú và toàn diện về cuộc đấu tranh giải phóng trên vùng đất miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ. Cuốn sách được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7.

Cuốn sách gồm 2 phần, 8 chương. Phần một gồm 3 chương viết về lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1945 đến năm 1975, gồm các nội dung: Miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (9-1945 - 12-1945); xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, phát triển chiến tranh du kích, góp phần đánh bại chính sách “bình định” (1947-1950); đẩy mạnh kháng chiến toàn diện, phối hợp chiến trường cả nước giành thắng lợi quyết định (1951-1954).

Phần thứ hai của cuốn sách gồm 5 chương viết về lịch sử cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược từ năm 1954 đến năm 1975, bao gồm các nội dung: Từ đấu tranh chính trị tiến tới đồng khởi toàn miền, làm chủ phần lớn nông thôn (1954-1960); phát triển lực lượng, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1961-1965); góp phần đánh thắng “chiến tranh cục bộ” của Mỹ (1965-1968); bước đầu đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” trên chiến trường Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ (cuối 1968 - 27-1-1973); tiến lên cùng cả nước giải phóng Sài Gòn - Gia Định và toàn miền Nam.

Đây là một công trình lớn và mang nhiều ý nghĩa, góp phần lưu giữ tư liệu, tôn vinh công lao của hàng triệu cán bộ, chiến sĩ, đồng bào từng chiến đấu hy sinh trên chiến trường miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ. Từ nội dung của cuốn sách đã toát lên những bài học lịch sử, giá trị đạo đức, nhân văn và giáo dục sâu sắc...

Vũ Trung Kiên

 

 

Tin xem nhiều