Báo Đồng Nai điện tử
En

Truyền hình thực tế: Chơi giả, hậu quả thật

10:08, 30/08/2013

Khi các chương trình truyền hình thực tế về ca hát, nhảy múa đã đến độ bão hòa, các nhà sản xuất đang mạo hiểm nhập về một trò chơi khai thác... tính xấu của con người!

Khi các chương trình truyền hình thực tế về ca hát, nhảy múa đã đến độ bão hòa, các nhà sản xuất đang mạo hiểm nhập về một trò chơi khai thác... tính xấu của con người!

Hình ảnh trong chương trình Big Brother của Anh. (ảnh do BTC cung cấp)
Hình ảnh trong chương trình Big Brother của Anh. (ảnh do BTC cung cấp)

Dù phải đến giữa tháng 11 tới mới xuất hiện trên sóng VTV6, nhưng ngay từ lúc này Big Brother (tựa Việt: Người giấu mặt) đã gây ồn ào qua cách mời gọi thí sinh đến đăng ký để có cơ hội giành được giải thưởng “khủng” trị giá đến 2 tỷ đồng.

Cuộc loại trừ phát lộ... xấu tính

Dù sao người chơi cũng cần hiểu, giải thưởng càng cao thì thử thách càng lớn, không đơn giản là nếu bị loại thì trở về với đời thường. Chơi là giả, nhưng tác động của nó đối với cuộc sống đều là thật.

Ra đời lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1997, Big Brother bày ra một luật chơi khiến người ta có cảm giác đó là một xã hội thu nhỏ, nhưng đầy nghiệt ngã khi con người phải loại trừ nhau bằng cách này hay cách khác. Theo đó, 12 người chơi với những tính cách và điều kiện sống khác biệt được yêu cầu sống chung trong một ngôi nhà, cắt đứt toàn bộ liên hệ với thế giới bên ngoài. Mục đích của chương trình là buộc người chơi phải tương tác với nhau để bộc lộ bản thân một cách rõ nét nhất. Sau mỗi tuần, chính các thành viên trong nhà sẽ chọn ra hai người có khả năng bị loại cao nhất để khán giả bình chọn giữ lại 1 người. Cứ như vậy, người nào ở lại ngôi nhà cuối cùng sẽ là người chiến thắng.

Nổi bật nhất là thái độ kỳ thị của những người trong cuộc đối với người đồng tính và chủng tộc. Chuyện này từng xảy ra ở các mùa thứ 8, 11, 13 của Big Brother phiên bản Mỹ khi một số người đã tỏ rõ thái độ miệt thị bạn chơi. Gần đây nhất, trong mùa thứ 15, người mẫu nữ Aaryn Gries đã có những phát ngôn xúc phạm người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Á và người đồng tính - đều là những người sống trong ngôi nhà chung cùng với cô. Cụ thể, Gries đã nhại giọng khi quát một anh chàng châu Á “im mồm và đi nấu cơm đi”. Trong cuộc thảo luận để bầu chọn mỗi tuần, cô nói: “Chẳng ai thèm bầu cho bọn đồng tính đâu”. Gries cũng từng nói với Zimmerman, một bạn chơi cùng nhà, về một bạn chơi da đen: “Trong bóng tối thì phải cẩn thận, vì có thể sẽ không nhìn thấy con mụ đó đâu”. Một số người khác cũng tỏ thái độ kỳ thị người đồng tính đến nỗi nhà sản xuất phải cắt bỏ lời nói của họ trước khi phát sóng vì quá phản cảm.

Bạo lực là vấn đề lớn nữa mà chương trình phải đối mặt. Ở mùa thứ 2, anh chàng Justin Sebik đã bị trục xuất khỏi căn nhà chung vào ngày thứ 10, sau khi đã có nhiều hành vi bạo lực, như: hủy hoại tài sản của ngôi nhà và đỉnh cao là đe dọa tính mạng người cùng chơi. Sự việc diễn ra trong nhà bếp khi anh ta cầm một chiếc gậy sắt đến cô bạn Krista và hỏi: “Em có giận nếu tôi đập vỡ đầu em không?”, rồi bước tới, bỏ gậy xuống và họ hôn nhau. Sau đó anh ta đi ra khỏi nhà bếp, trở lại với một con dao lớn và hỏi: “Em có giận nếu tôi giết em không”, rồi vừa kề dao vào cổ, vừa hôn Krista. Khi nụ hôn chấm dứt thì anh ta bỏ dao xuống. Còn mùa thứ 14, thí sinh Willie Hantz tìm mọi cách để bị trục xuất trước khi bị chính những người trong nhà loại ra. Để làm được điều này, anh ta đã ném thức ăn vào người bạn cùng chơi, nhạo báng các bạn nữ trong nhà và húc đầu vào một người khác. Ngoài ra, Big Brother còn vướng phải sự cố phát sóng những ngôn từ không đẹp. Ở mùa thứ 10, chương trình bị chỉ trích vì để lọt một cuộc tranh cãi trong đó các thí sinh đã văng tục với nhau.

Hậu quả thật

Với giải thưởng quá lớn, lại không cần phải có năng lực gì đặc biệt, Big Brother có một sức hút đặc biệt. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nơi những quan niệm về tình dục, ứng xử giữa con người với con người vẫn giữ được những lễ nghi truyền thống, thì cuộc thi rất dễ gặp những rào cản văn hóa. Nói về điều này, bà Fotini Paraskakis, Giám đốc đơn vị giữ bản quyền của chương trình, cho biết: “Chương trình từng được tổ chức ở Pakistan, nước có những quan niệm văn hóa còn khắt khe hơn nhiều so với Việt Nam”.

Dàn thí sinh của Big Brother Canada.  (ảnh do BTC cung cấp)
Dàn thí sinh của Big Brother Canada. (ảnh do BTC cung cấp)

Dù sao người chơi cũng cần hiểu, giải thưởng càng cao thì thử thách càng lớn, không đơn giản là nếu bị loại thì trở về với đời thường. Chơi là giả, nhưng tác động của nó đối với cuộc sống đều là thật. Bước ra khỏi cuộc chơi, Aaryn Gries đã bị cắt hợp đồng làm gương mặt đại diện cho một hãng thời trang, còn Zimmerman bị sa thải khỏi vị trí điều phối viên của một cuộc thi sắc đẹp. “Chúng tôi cảm ơn chương trình đã cho thấy con người thật của Zimmerman. Chúng tôi không muốn cô ta trở thành hình mẫu cho các thí sinh”, hãng đã thuê cô cho biết. Ở Việt Nam, mọi việc có thể còn trầm trọng hơn bởi chỉ cần một hành vi sai lầm trong lối sống có thể sẽ phải trả giá bằng cả sự nghiệp đã gầy dựng trước đó. Thế nên, không khó để thấy trước các nhà sản xuất đang ôm “bom hẹn giờ” chờ phát nổ các xì-căng-đan đầy bê bối.

Minh Khôi

 
 

 

Tin xem nhiều