Báo Đồng Nai điện tử
En

Huỳnh Văn Nghệ - như một giấc mơ

11:02, 14/02/2014

Hàng năm, vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, tại xã Thường Lang, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, luôn có hàng trăm đồng bào, chiến sĩ ở miền Đông tụ hội về để đốt nén nhang thơm tưởng nhớ đến Huỳnh Văn Nghệ - người anh hùng của quê hương, đất nước, Thi tướng của Chiến khu Xanh.

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ ở Chiến khu Đ.
Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ ở Chiến khu Đ.

Hàng năm, vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, tại xã Thường Lang, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, luôn có hàng trăm đồng bào, chiến sĩ ở miền Đông tụ hội về để đốt nén nhang thơm tưởng nhớ đến Huỳnh Văn Nghệ - người anh hùng của quê hương, đất nước, Thi tướng của Chiến khu Xanh.

Ở miền Nam, không như miền Bắc, có rất ít lễ hội. Đám giỗ của một anh hùng, một nhà thơ đã trở thành lễ hội. Một lễ hội của nhân dân, của những người lính cũ ở Chi đội 10, của những bà con nông dân Tân Tịch, Mỹ Lộc, Biên Hòa, Vĩnh Cửu...

Năm nay, lễ hội này đông đảo bội phần, vì cách đấy mấy ngày, 100 năm trước, Huỳnh Văn Nghệ ra đời (ngày 2-2-1914, nhằm ngày mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Dần) tại làng Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Thường Tân, huyện Tân Uyên). Và, đúng ngày này, cách đây 37 năm (1977), quê hương rừng thẳm sông dài đã mất đi Huỳnh Văn Nghệ.

Ba mươi sáu lễ giỗ đã qua, lần nào cũng vậy, đông đảo người đến thắp nhang viếng ông. Khi gia đình tổ chức giỗ nhà thơ ở căn nhà nhỏ nằm trên đường Hai Bà Trưng, TP.Hồ Chí Minh, số người đến viếng đã lên đến vài chục. Hàng chục năm nay, lễ giỗ được tổ chức tại chính nơi ông ra đời và cũng là nơi yên nghỉ, số người về dự ngót nghét cả ngàn. Đám giỗ trở thành lễ hội, thật là hiếm có. Trừ những bậc cán bộ lão thành hay đương chức cấp cao, còn có hàng trăm người là những cư dân bình thường của Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh,… Họ không là thân thích nhưng từ lâu xem ông là ruột thịt. Họ đua nhau kể những huyền thoại, huyền tích về ông. Huyền thoại nào cũng đẹp, huyền tích nào cũng hấp dẫn, như thể họ là người trong cuộc.

Ngẫm lại, Huỳnh Văn Nghệ như một giấc mơ. Mà đó là giấc mơ đẹp và hình như chỉ đến một lần nên người đời luôn nhớ lại và khát khao.

Trước năm 1945, dân ta một cổ hai tròng, làm thân nô lệ. Sau năm 1945, dân ta một lòng quyết tranh đấu cho độc lập, thống nhất nước nhà và sự toàn vẹn của non sông. Huỳnh Văn Nghệ sinh ra để thực hiện khát vọng giải phóng và ý chí của nhân dân ở một vùng đất của tự do và phóng khoáng. Và, ông đã thỏa mãn khát vọng và ý chí ấy đẹp đến độ hoàn mỹ. Xin lấy vài ví dụ ở năm 1945, từ bản lý lịch tự khai của Huỳnh Văn Nghệ, viết vào dịp kỷ niệm 11 năm ngày Nam bộ kháng chiến:

- Trong Cách mạng tháng Tám: “Trực tiếp chỉ huy cướp chính quyền ở Biên Hòa, tự tay bắt tên cò Phước, tỉnh trưởng Quý, tòa Nhan ở Biên Hòa, mở khám Biên Hòa giải phóng cho anh em bị bọn chính quyền bù nhìn Nhật giam giữ. Mọi việc Đảng giao phó đều làm tròn”.

- Khi Pháp núp bóng liên minh Anh - Ấn tái chiếm Việt Nam: “Một mình với một khẩu súng lục, dùng lý lẽ thuyết phục được một đại đội sắp ra đầu địch, kéo đại đội này trở về với ta và dùng ngay lực lượng ấy xông vào bắt tên Dương Văn Giáo (Thủ tướng Chính phủ Việt gian đầu tiên ở Nam bộ) và Lê Quang Kim nạp cho chánh phủ xử tội, kết quả giải tán ngay trong trứng chính phủ bù nhìn đầu tiên của địch ở Nam bộ, làm địch rất lúng túng trong việc tìm người để thành lập chính phủ bù nhìn khác”.

- Tại Biên Hòa, khi “bộ đội, cơ quan bị địch (Nhật) hăm dọa, bắt buộc đều rút khỏi thị xã hai đêm một ngày trước khi bọn Anh - Ấn đến, phần lớn đi về Xuân Lộc để ra Bắc. Mặc dù Ủy ban Kháng chiến miền Đông ra lịnh tôi phải rút theo về hướng đó, nhưng tôi vẫn ở lại một mình với hai đội viên, xin chỉ thị của đồng chí Dương Bạch Mai, Thanh tra chính trị miền Đông, tổ chức đốt phá tòa bố, sở cò, nhà bưu điện, trấn tĩnh tinh thần đồng bào trong thị xã, gom góp tàn binh, vũ khí của các lực lượng bỏ rơi rớt lại lúc rút lui. Kết quả thu được 23 khẩu súng trường đem về Tân Uyên xây dựng lực lượng”.

“Với số súng nói trên đem về Tân Uyên, xây dựng bộ đội đầu tiên của tỉnh lấy tên là Giải phóng quân Biên Hòa. Liên lạc, tổ chức chỉ huy thống nhất các lực lượng rải rác trong tỉnh. Được Thanh tra chính trị miền Đông Dương Bạch Mai chỉ định làm Chỉ huy trưởng Giải phóng quân trong tỉnh. Bố trí phòng ngự căn cứ Tân Uyên. Vận động nuôi ăn cho đơn vị tỉnh và bộ đội các tỉnh bạn kéo về đây theo Khu trưởng Nguyễn Bình, bảo vệ Khu bộ, tiếp liệu cho các Binh công xưởng Khu. Tham gia tích cực xây dựng các cơ quan quân dân chính Đảng của tỉnh. Không bao lâu Tân Uyên trở thành căn cứ vững mạnh nhứt ở Nam bộ”.

Người xưa có câu: “Thắng bại là chuyện thường tình của kẻ cầm quân”. Huỳnh Văn Nghệ thực sự cầm quân từ lúc lập Chiến khu Đ năm 1945 đến khi là Tư lệnh Khu bộ VII (1948 - 1953). Trong tám năm ấy, Huỳnh Văn Nghệ đã trực tiếp chỉ huy bộ đội chống càn vào chiến khu hay chủ động tấn công địch hàng chục lần, nhưng lịch sử quân sự cũng như lịch sử Đảng miền Đông chưa thấy ghi lần nào ông thất bại. Đầu năm 1946, với lực lượng quân sự còn non trẻ, Huỳnh Văn Nghệ đã tổ chức “trận phản công lớn nhất đầu tiên ở Nam bộ” vào chỉ huy sở của liên quân Anh - Ấn tại TX.Biên Hòa. Đến tháng 2-1946, ông lại “Trực tiếp chỉ huy mặt trận Tân Tịch - Lạc An, vừa chỉ đạo việc tiếp tế lương thực đạn dược cho toàn mặt trận, gồm hơn 5 ngàn người đánh suốt hai ngày đêm. Kết quả, đánh lui thủy lục không quân địch làm chúng không chiếm được Tân Uyên mà phải bỏ lại rất nhiều xác chết và hai tàu chìm”.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 1946, Huỳnh Văn Nghệ đã chỉ huy “8 trận tấn công lớn của địch vào Chiến khu Tân Uyên - Lạc An trong 6 tháng đầu 1946”.  Chiếc máy bay do tên quan năm Barrlier lái bị bắn rơi ở Chiến khu Đ là chiếc máy bay đầu tiên của giặc Pháp bị hạ ở chiến trường Nam bộ. Sau trận này, quân Pháp mới chịu ngồi vào hội nghị bàn việc thi hành Hiệp ước 6/3 ở miền Nam. Tiếp đến là hàng loạt các trận đánh, như: Đồng Xoài, Trảng Táo, Bàu Cá,… Nơi nào Vệ quốc quân do Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy cũng đều thắng trận. Đặc biệt, trận La Ngà ngày 1-3-1948, “trận giao thông chiến lớn nhất ở Nam bộ đến ngày ấy, tiêu diệt hai C địch, 63 xe camions và thiết giáp, giết hai tên quan năm De Sérigné và Barute, bắt sống một số sĩ quan địch. Chống địch truy kích và tấn công Chiến khu Đ suốt 7 ngày có thủy lục không quân phối hợp, kết quả tốt”. Lúc này, ông đã là Khu phó Khu 7 kiêm Trung đoàn trưởng 310. Ngay cả chiến thuật De La Tour với hàng chục tháp canh giặc dựng lên khắp nơi, trong một đêm, du kích Biên Hòa đã phá sạch trên 30 chiếc. Người du kích trực tiếp chỉ huy là anh hùng Hai Cà - Trần Công An, nhưng sẽ chỉ là những trận đánh nhỏ lẻ nếu không có sự nghiên cứu, mang tầm vóc chiến lược của Huỳnh Văn Nghệ. Từ kinh nghiệm ở Biên Hòa, không chỉ miền Nam mà khắp cả nước, quân và dân Việt Nam đã làm phá sản hoàn toàn chiến thuật quân sự này.

Trong giấc mơ chiến trận của những người dân chân đất, đầu trần khát khao tự do, độc lập, có giấc mơ nào đẹp hơn sự thật đã diễn ra ở miền Đông Nam bộ những năm tháng ấy?

Vậy mà, người đem đến giấc mơ ấy cho nhân dân lại là một nhà thơ. Thuở trời đất còn tối tăm, nhà thơ của họ đã đưa ra một mẫu hình lý tưởng:

Ta đi, gót nhịp vang đường đá,

Mắt phóng nhìn xa qua lớp mây

Ngực nở thấm nhuần trăm thứ gió

Rượu đời cạn chén chẳng hề say.

(Thanh niên, 1940)

Khi bao lớp thanh niên có thể sẽ đắm mình trong lãng quên và mê muội, nhà thơ của họ nhắc nhở:

Ai đi về Bắc, ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

(Nhớ Bắc, 1940)

Lúc “từng đoàn chiến sĩ đi ra trận”, nhà thơ cũng là “vị tướng” của họ đã ra lời  “tuyên ngôn”:

Tôi là người lăn lóc giữa đường trần

Không phân biệt lúc mài gươm múa bút…

Trên lưng ngựa, múa gươm vừa ca hát

Thì lòng say chiến trận cũng là thơ!

(Bên bờ sông xanh, 1948)

Huỳnh Văn Nghệ đã thỏa mãn “giấc mơ” của những người thợ, của những dân cày ở đất miền Đông trên nhiều phương diện: Hiện thực và lý tưởng, ý chí và tâm hồn, phóng khoáng và dũng mãnh, gan dạ và thông minh,… Từ người “nông dân - tướng cướp” Chín Quỳ đến bậc “trưởng lão” Trần Văn Giàu, người khuyên Huỳnh Văn Nghệ đi lập Chiến khu Đ đều tìm thấy ở ông một phần giấc mơ đã thành sự thật. Vì thế, người ta không ngạc nhiên khi mãi đến năm 2010, Huỳnh Văn Nghệ mới được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng từ lâu ông đã là người anh hùng trong lòng dân. Và, vì sao, gần bốn mươi năm trôi qua, nhưng ngày giỗ nhà thơ cứ mỗi năm lại đông hơn, mà nhiều nhất vẫn là những người dân thường.

Huỳnh Văn Nghệ - như một giấc mơ. Giấc mơ đôi khi chỉ có một lần, song khát vọng của người đời thì mãi mãi…

Nguyên tiêu Giáp Ngọ

Bùi Quang Huy

(Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

 

Tin xem nhiều