Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy giá trị Văn miếu Trấn Biên

03:03, 21/03/2015

Kể từ khi được xây dựng lại vào năm 1998 nhân kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, Văn miếu Trấn Biên ngày càng được hoàn chỉnh "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"...

Kể từ khi được xây dựng lại vào năm 1998 nhân kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, Văn miếu Trấn Biên ngày càng được hoàn chỉnh “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, không chỉ là nơi thờ phụng mang ý nghĩa tâm linh, mà đã trở thành thiết chế văn hóa, điểm sinh hoạt chung thân thiện, gần gũi với mọi người.

Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu viết vào sổ lưu niệm tại Văn miếu Trấn Biên.
Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu viết vào sổ lưu niệm tại Văn miếu Trấn Biên.

[links()]Để thực sự trở thành biểu trưng về giá trị văn hóa, tinh thần của cả vùng đất Đồng Nai, Văn miếu Trấn Biên cần được quan tâm chăm chút hơn nữa về nhiều mặt để phát huy toàn diện các giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục, kiến trúc, mỹ thuật...

* Giữ gìn tính “thiêng” văn miếu

Trên thực tế, sự tồn tại của văn miếu có sự đứt gãy từ năm 1861 khi bị đốt phá, sau 137 năm dù được tôn tạo lại nhưng “chiếc áo mới” chưa bù đắp nổi những giá trị tinh thần chỉ có được do thời gian vun đắp. Vì vậy, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Đỗ Trung Tiến cho rằng rất cần làm nổi bật được tính “thiêng” của văn miếu, đặc biệt trong nhà Bái đường. Các nghi thức tế lễ nơi đây cần được nghiên cứu thực hiện đúng “bài bản” để nhấn mạnh ý nghĩa thiêng liêng. ThS. Trần Quang Toại (Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai) cũng đề nghị phục dựng một số nghi lễ thời chúa Nguyễn, vừa mang ý nghĩa bảo tồn vừa giữ gìn tính thiêng của văn miếu.

PGS.TS Huỳnh Văn Tới nhận định, đến nay Văn miếu Trấn Biên có nhiều hoạt động phong phú, đúng định hướng, thu hút các tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Tuy nhiên, cần chú trọng đào tạo đội ngũ thuyết minh viên chuyên nghiệp, đa năng; xây dựng nội dung thuyết minh phong phú, phù hợp với từng đối tượng tham quan để nâng cao hiệu quả giáo dục tuyên truyền. Lãnh đạo Trung tâm Văn miếu Trấn Biên cũng nên nghiên cứu thêm về cách thức tổ chức các lễ hội, lễ hội dân gian tại văn miếu theo hướng đảm bảo tính thiêng, tính cộng đồng; nghiên cứu về lễ phục, chú trọng thêm về phần hội.

Sắp tới, cũng cần nghiên cứu thực hiện thêm hình thức đề danh, tôn vinh những người có công đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Tiêu chuẩn đề danh sẽ được bàn bạc, quy định cụ thể.

Về mặt kiến trúc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng nhà Bái đường cần được chăm chút hơn về tổng thể đường nét trang trí giữa tường, cột và trần; giữa các thành phần nội thất và tổng thể kiến trúc công trình để tăng hiệu quả cảm xúc của du khách khi tiếp cận với các nội dung trưng bày và giá trị ý nghĩa vật phẩm cần chuyển tải. Phần không gian từ Văn miếu môn đến Khuê Văn các cũng cần thiết kế bổ sung các cây xanh lớn tạo độ phủ tán rộng, không chỉ tăng thêm nét trầm mặc và uy nghi cho kiến trúc tổng thể mà còn tạo cảm xúc thị giác mạnh mẽ khi bước chân vào văn miếu.

Tương tự, kiến trúc sư Hà Thạch (Hội Kiến trúc sư Đồng Nai) nhận định đường chính vào văn miếu (đường Võ Trường Toản) hiện nay lại đi vòng từ sau lưng, chưa tạo cảm giác “chính đạo”, trong khi đó đường ngang trước Văn miếu môn làm cắt ngang quần thể kiến trúc Văn miếu Trấn Biên với công viên bên ngoài, phá vỡ sự hài hòa trong tổng thể kiến trúc, lượng xe lưu thông nhiều gây khó khăn cho khách khi đến tham quan. Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Trần Đăng Ninh cũng đề nghị cần quy hoạch lại đường chính vào văn miếu theo hướng chọn đường Nguyễn Du làm trục chính, đường trước Văn miếu môn thành đường nội bộ.

* Tăng cường các hoạt động văn hóa, tôn vinh

ThS. Phan Đình Dũng (Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh) đánh giá hiện nay tư liệu và cách trưng bày tại Văn miếu Trấn Biên vẫn còn đơn điệu, thiếu thu hút. Để tăng cường tính hấp dẫn, nhất là đối với giới trẻ, cần xây dựng thêm hình thức thư viện điện tử, các vật phẩm trưng bày tại Văn vật khố và Thư khố cần số hóa, ứng dụng công nghệ để xem được sách trưng bày bên trong, đồng thời có sự chỉnh lý bổ sung hồ sơ lý lịch hiện vật cho phong phú hơn.

Hoa đăng ở Văn miếu Trấn Biên.
Hoa đăng ở Văn miếu Trấn Biên.

Bà Võ Thị Thu Trang (cán bộ hưu trí) nhận xét, nhiều người dân và du khách ở những khu vực xa TP.Biên Hòa vẫn chưa thực sự biết rõ về Văn miếu Trấn Biên, nên cần có chương trình quảng bá rộng rãi hơn dưới nhiều hình thức, như: lập trang web, liên kết với những hãng du lịch, lữ hành hoạt động tại Đồng Nai, kết nối tour với các điểm du lịch gần kề (Khu du lịch Bửu Long, làng nghề đá, nhà cổ Trần Ngọc Du, nhà cổ ông giáo Hảo, làng bưởi Tân Triều)… Ngoài ra, cần xây dựng chương trình tour đặc thù để thu hút (như tour du lịch theo kiểu trên bến dưới thuyền, city tour có xe điện đưa đón khách đến văn miếu). Văn miếu cũng cần có thêm những dịch vụ hỗ trợ: quà tặng khi khách đến tham quan, thiết kế quà lưu niệm “không đụng hàng”, bán thức ăn cho cá nuôi ở các hồ, dịch vụ cho du khách thuê quần áo học trò xưa để chụp hình... Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng tuyến xe bus đến văn miếu, có bảng hướng dẫn chỉ đường vào văn miếu, có hệ thống wifi cho từng khu vực: văn miếu, hội quán.

Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh Lê Trí Dũng thì cho rằng Văn miếu Trấn Biên cần phải được xếp hạng di tích, ít nhất là cấp tỉnh để tạo tính pháp lý trong việc bảo tồn và gắn kết với các di sản chung của tỉnh. “Danh có chính, ngôn mới thuận”, Văn miếu Trấn Biên với bề dày 300 năm cùng với các di tích gắn liền với quá trình hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đã trở thành niềm tự hào cho người dân địa phương, thế nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận di tích là một điều thiếu sót lớn và không công bằng” - ông Dũng lưu ý.

Hà Lam

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều