Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực phục vụ nhân dân

11:04, 29/04/2015

Qua 40 năm hình thành và phát triển, ngành văn hóa đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện sức khỏe của người dân.

Sau Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), tỉnh Đồng Nai thành lập Ty Văn hóa - thông tin và Ty Thể dục thể thao (nay là Sở Văn hóa - thể thao và du lịch). Qua 40 năm hình thành và phát triển, ngành văn hóa đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện sức khỏe của người dân.

Ca sĩ, diễn viên Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai biểu diễn phục vụ nhân dân huyện Định Quán.
Ca sĩ, diễn viên Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai biểu diễn phục vụ nhân dân huyện Định Quán.

Bên cạnh công tác quảng bá, giới thiệu, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đi đối với xây dựng nếp sống văn hóa mới, cơ sở vật chất của ngành văn hóa cũng có nhiều bước tiến đáng kể.

Những kết quả tích cực…

Ông Nguyễn Nam Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - thông tin (nay là Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), nhận xét: “Số lượng, khối lượng các chương trình, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được ngành văn hóa tổ chức thực hiện để đáp ứng nhu cầu của người dân là rất lớn và ngày càng tăng”.

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được trên 400 thiết chế văn hóa. Trong đó, có 1 trung tâm văn hóa cấp tỉnh; 11 trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện, thị và thành phố; 110/171 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng; 292/1.007 ấp, khu phố có nhà văn hóa… Những thiết chế văn hóa này đã và đang đáp ứng khá tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân.

Bên cạnh các thiết chế văn hóa ở cơ sở, hàng năm các đơn vị sự nghiệp của ngành văn hóa đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa của người dân. Trong đó, thông qua các cuộc triển lãm, chương trình thư viện lưu động đến các trường học, trao tặng sách cho cộng đồng... Thư viện Đồng Nai và Bảo tàng Đồng Nai đã đáp ứng nhu cầu đọc sách, tìm hiểu giá trị văn hóa lịch sử cho trên 364 ngàn lượt người. 2 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh (Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai và Đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai) thực hiện 304 buổi biểu diễn phục vụ các tầng lớp nhân dân, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh.

 Đồng Nai còn được cả nước biết đến là đơn vị đi đầu về chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân với việc thành lập đội chiếu phim số 8 chuyên phục vụ cho công nhân tại các khu công nghiệp vào tháng 9-2009. Hiện, 7 đội chiếu phim chuyên phục vụ cho nhân dân vùng sâu, vùng xa và đội số 8 chuyên phục vụ cho công nhân thực hiện mỗi năm trên 2.200 buổi chiếu phim cho trên 620 ngàn lượt người xem.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, cho biết: “Nhờ có chương trình chiếu phim lưu động mà bà con nơi đây được xem những bộ phim mới mà không phải cất công đi hơn 40km để đến rạp chiếu phim nên ai cũng vui và cố gắng sắp xếp thời gian đi xem”.

Cần thêm sự nỗ lực

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động của ngành văn hóa hiện đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, tỷ lệ nhà văn hóa ấp, khu phố hiện nay còn thấp, mới chỉ đạt 292/1.007 ấp, khu phố. Cộng thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động tại thiết chế văn hóa này luôn trong cảnh thiếu thốn. Bên cạnh đó, một số trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng hiện đang thiếu diện tích hoặc diện tích đất dành cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa ngày càng bị thu hẹp. Không ít thiết chế văn hóa lại được xây dựng tại những vị trí thiếu thuận lợi để tổ chức và thu hút người dân đến tham gia.

Dù là một tỉnh công nghiệp phát triển, có số dân đông nhưng Đồng Nai vẫn đang thiếu những thiết chế văn hóa xứng tầm và cần thiết, như: nhà hát, nhà văn hóa công nhân, trung tâm chiếu phim, tổ chức biểu diễn... Do đó, cần thiết phải có sự nghiên cứu, khảo sát và xây dựng kịp thời các  thiết chế văn hóa nhằm  đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.    

Văn Truyên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều