Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự hào truyền thống 40 năm...

11:12, 14/12/2016

Từ mô hình hoạt động với tên gọi Cung Văn hóa thiếu nhi, đến nay sau 40 năm hình thành và phát triển, Nhà thiếu nhi Đồng Nai đã trở thành trung tâm sinh hoạt, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho các thế hệ thiếu nhi của tỉnh.

Từ mô hình hoạt động với tên gọi Cung Văn hóa thiếu nhi, đến nay sau 40 năm hình thành và phát triển, Nhà thiếu nhi Đồng Nai đã trở thành trung tâm sinh hoạt, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho các thế hệ thiếu nhi của tỉnh.

Các thế hệ cán bộ, viên chức Nhà thiếu nhi Đồng Nai qua các thời kỳ ôn lại những kỷ niệm trong ngày họp mặt. Ảnh: N.Sơn
Các thế hệ cán bộ, viên chức Nhà thiếu nhi Đồng Nai qua các thời kỳ ôn lại những kỷ niệm trong ngày họp mặt. Ảnh: N.Sơn

Với những người từng gắn bó, góp sức gầy dựng nên mái nhà chung của thiếu nhi Đồng Nai, những khó khăn, vất vả của những ngày đầu thành lập và từng bước khẳng định mãi mãi trở thành ký ức đẹp khó quên.

Đi lên từ gian khó

 Bà Ngô Thị Hoàng Oanh, Giám đốc Nhà thiếu nhi Đồng Nai, cho biết thời gian tới, hoạt động của đơn vị tiếp tục tập trung giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống và đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho thiếu nhi. Ngoài ra, Nhà thiếu nhi Đồng Nai chú trọng phát triển các câu lạc bộ đội nhóm, hướng về cơ sở. Bên cạnh việc duy trì, phát triển tốt các lớp, các câu lạc bộ, đội nhóm, Nhà thiếu nhi Đồng Nai sẽ trang bị thêm khu vui chơi ngoài trời dành cho các em, nâng cấp các thiết bị dạy và học theo hướng hiện đại.

Sau khi tiếp quản dinh của Tướng Tư lệnh vùng III (chế độ Sài Gòn) từ Khu đoàn vào ngày
30-4-1975, nơi đây được dành làm địa điểm tập hợp thiếu nhi đến vui chơi, học tập và phát triển năng khiếu với tên gọi Cung Văn hóa thiếu nhi. Ngày 22-12-1976, tỉnh đã quyết định hình thành Câu lạc bộ thiếu nhi tỉnh - thuộc Ban Thiếu niên - nhi đồng của Tỉnh đoàn.

Trở về sau kháng chiến, bà Nguyễn Thị Thanh (tên thường gọi là Mười Thanh) được giao làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiếu nhi tỉnh. Mặc dù chỉ gắn bó với Câu lạc bộ thiếu nhi tỉnh trong khoảng thời gian rất ngắn, nhưng cũng đủ để bà cảm thấy rưng rưng khi kể về khoảnh khắc ngắn ngủi ấy. Bà Mười Thanh kể, cơ sở vật chất hoạt động của Câu lạc bộ thiếu nhi thời điểm ấy dường như không có gì ngoài căn nhà truyền thống. Ngoài việc là địa điểm sinh hoạt, tập huấn nghiệp vụ công tác Đội của các liên đội của
TP. Biên Hòa, Câu lạc bộ thiếu nhi cũng tổ chức được vài lớp đàn, múa, hát, cầu lông, bóng bàn, bơi lội... với số lượng thiếu nhi chỉ vài trăm em. Kết quả hoạt động chỉ có vậy nhưng đó là sự nỗ lực, hết lòng với công tác thiếu nhi của tập thể 20 cán bộ, viên chức, cộng tác viên lúc bấy giờ.

Chính thức tiếp quản vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiếu nhi tỉnh từ năm 1977 nên bà Huỳnh Lang Anh có điều kiện được đồng hành cùng với sự thay đổi của Câu lạc bộ thiếu nhi, nhất là từ năm 1978 khi UBND tỉnh đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu nhà 3 tầng để mở rộng các lớp năng khiếu và địa điểm sinh hoạt cho các đội, nhóm... Bà Huỳnh Lang Anh cho biết, trước những yêu cầu học tập của thiếu nhi cũng như nhu cầu hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ đã nghiên cứu và tìm mô hình hoạt động, từ đó các lớp học năng khiếu được hình thành rồi đến các đội văn nghệ, đội nghi thức... Hoạt động của Câu lạc bộ thiếu nhi ngày càng sôi nổi, các em thiếu nhi hăng hái tham gia vào hoạt động múa hát tập thể, tập bài hát mới, điệu múa mới, tham gia các hoạt động xã hội. Từ 500 em tham gia sinh hoạt (năm 1976) đã tăng lên trên 4 ngàn em (năm 1980) theo học ở 16 bộ môn thuộc 3 khoa: chính trị tư tưởng, thẩm mỹ nghệ thuật và thể dục - thể thao.

Năm 1981, sau khi khánh thành khu nhà 3 tầng, Câu lạc bộ thiếu nhi được đổi tên thành Nhà văn hóa thiếu nhi Đồng Nai. Từ năm 1983, Nhà văn hóa thiếu nhi Đồng Nai được đổi tên thành Nhà thiếu nhi Đồng Nai, tách ra khỏi Tỉnh đoàn, trở thành đơn vị độc lập trực thuộc UBND tỉnh đã đánh dấu bước phát triển mới của Nhà thiếu nhi Đồng Nai.

Tiếp tục giữ “lửa” nghề

40 năm hình thành và phát triển, Nhà thiếu nhi Đồng Nai lớn mạnh về mọi mặt. Là đơn vị dẫn đầu cụm miền Đông về thu hút số lượng học sinh đến học các lớp năng khiếu và là nhà thiếu nhi duy nhất của cụm, tiêu biểu của khu vực có tổ chức các lớp năng khiếu hoạt động xuyên suốt từ thứ hai đến chủ nhật hàng tuần (bình quân trên 1,2 ngàn em tham gia/ngày).

Trong đó, công tác giáo dục truyền thống, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thiếu nhi tiếp tục được đầu tư để mỗi hoạt động đạt được hiệu quả giáo dục sâu rộng và sát với thực tế bằng nhiều hình thức phù hợp với thiếu nhi. Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào Thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, Nhà thiếu nhi Đồng Nai còn quan tâm chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt về vật chất và tinh thần. Các lớp năng khiếu bán trú được đầu tư xây dựng theo hướng trang bị và rèn luyện kỹ năng sống cho các em nên ngày càng tạo được uy tín với các bậc phụ huynh. Các đội, nhóm chuyên tiếp tục khẳng định mình qua thành công từ các liên hoan, hội thi, hội diễn... Hoạt động phương pháp - công tác Đội đã tổ chức tập huấn kỹ năng nghi thức, trống đội, vai trò chỉ huy, phụ trách sao, kỹ năng làm lớp trưởng - chi đội trưởng cho hơn 7 ngàn em trong ban chỉ huy các liên đội, chi đội của 11 huyện, thị, thành phố...

Bà Lê Trần Thiên Lý, nguyên Giám đốc Nhà thiếu nhi Đồng Nai (giai đoạn 1992-2008), cho rằng đội ngũ cán bộ, viên chức Nhà thiếu nhi Đồng Nai hiện nay mà trong tương lai cần tiếp tục giữ ‘’lửa’’ nghề, góp phần phát huy những thành tích mà các thế hệ cán bộ, viên chức dày công vun đắp trong suốt 40 năm qua, để Nhà thiếu nhi Đồng Nai luôn xứng đáng là trung tâm sinh hoạt, vui chơi, học tập và rèn luyện của thiếu niên nhi đồng, vườn ươm nguồn nhân lực cho tương lai”.     

Nga Sơn

Tin xem nhiều