Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần lắm người mài giũa ngọc

07:11, 11/11/2017

Đạo diễn Lê Trung Thảo, đến từ Phòng Nghệ thuật Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.Hồ Chí Minh), chia sẻ: "Không hiểu sao, cá nhân tôi rất thích tham gia các cuộc thi tài năng. Những lần thi như thế, mình được học hỏi nhiều lắm.

1. Đạo diễn Lê Trung Thảo, đến từ Phòng Nghệ thuật Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Không hiểu sao, cá nhân tôi rất thích tham gia các cuộc thi tài năng. Những lần thi như thế, mình được học hỏi nhiều lắm. Mình được tiếp xúc với những tác phẩm có giá trị, có chiều sâu. Thời gian tập cũng là thời gian mình học được những kinh nghiệm quý giá. Một quãng thời gian rèn luyện, nâng cao nghề nghiệp mà trong thời buổi thiếu sàn diễn như hiện nay, diễn viên - đặc biệt là diễn viên nghệ thuật truyền thống trẻ hãy xem như đó là cơ hội. Thắng thua không quan trọng, quan trọng là mình đã có thêm hành trang cho con đường nghề”.

Diễn viên Nguyễn Thị Sang Sang của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai dự thi tiết mục Hồi xuân dược. Ảnh: Trí Trọng
Diễn viên Nguyễn Thị Sang Sang của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai dự thi tiết mục Hồi xuân dược. Ảnh: Trí Trọng

Hầu như cuộc thi nào cũng thế, cũng có lời ra tiếng vào về giám khảo, về giải thưởng. Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2017 cũng không ngoại lệ. Thế nhưng gạt bỏ đi những nghi ngại, nếu ai nhìn thấy sự tích cực về mặt nghề nghiệp sẽ bước qua được những sân si, hơn thua để tỉ mẩn gom góp từng chút một “ngọc nghề”.

2. Gọi là thi tài năng thì năng lực tự thân của người diễn viên phải là số một, là yếu tố quyết định. Thế nhưng, với những nghệ sĩ trẻ còn ít tuổi nghề, đặc biệt là những người có triển vọng về giọng ca, diễn xuất, cần lắm những đạo diễn, người dàn dựng có sự am hiểu, có khả năng, tư duy, nhìn thấy được điểm mạnh, điểm yếu của nghệ sĩ để khắc phục nhược điểm và phát huy tốt nhất những tố chất đang tiềm ẩn.

Mỗi thời đại, quan niệm về nghệ thuật cũng có sự thay đổi, không thể cứ giữ mãi cách thể hiện cũ. Ở cuộc thi này, có thể nói hơn 90% kịch bản dự thi là kịch bản cũ. Từ bao nhiêu năm nay, những trích đoạn như: Trời Nam, Độc thoại đêm, Người con gái đất đỏ, Đời luận anh hùng, Khát vọng Đát Kỷ... thường xuyên được nhắc đi nhắc lại. Không phủ nhận rằng đây là những kịch bản hay, có giá trị, có đất để diễn viên đào sâu thể hiện tâm lý, thể hiện khả năng ca diễn. Thế nhưng, khi đã không có sự lựa chọn mới thì cái mới của chúng ta là gì? Đó là sự trăn trở đi tìm một cách thể hiện ít ra là có nét riêng của mình. Để làm được điều đó, ý thức làm nghề của nghệ sĩ là rất lớn, bên cạnh đó sự hỗ trợ của người dàn dựng hết sức quan trọng.

Đạo diễn giỏi sẽ như người thầy, dạy cho diễn viên hướng đi đúng đắn. Biết nhận ra đâu là thế mạnh của mình để phát huy. Với những dịp như các cuộc thi tài năng, một đợt làm việc với người dàn dựng tài năng có khi bằng cả một năm học nghề của diễn viên. Đạo diễn giỏi chính là người mài giũa, để cho những viên ngọc thô tỏa sáng.

3. Ở cuộc thi năm nay, không có quá nhiều đạo diễn biết cách giúp diễn viên tỏa sáng. Thực tế là bộ môn cải lương và dân ca kịch đang quá thiếu những đạo diễn giỏi nghề. Xem một số trích đoạn, chợt thấy buồn khi đạo diễn “bỏ” diễn viên tự bơi trong những khuôn thước cũ. Mà với năng lực còn non của nghệ sĩ trẻ, cứ diễn như bản sao vụng về của người đi trước, những người đã định hình “chuẩn mực” từ mấy chục năm trước thì khác nào “giết chết” các em.

Với những trường hợp này có thể là đạo diễn cẩu thả, cũng có thể là tư duy đã lỗi thời. Chúng ta đang muốn đưa nghệ thuật truyền thống đến với người trẻ thì những lối mòn này rõ ràng là trở ngại lớn. Tiếp cận người trẻ không hẳn phải là những kịch bản xã hội. Những kịch bản lịch sử vẫn rất hấp dẫn, quan trọng là diễn viên, đạo diễn có biết cách làm cho nó trở nên lôi cuốn, mang hơi thở mới và chạm đến trái tim con người hôm nay.

Không ít kịch bản cũ, khi dựng lại cho các bạn dự thi, đạo diễn vẫn giữ y nguyên những lời thoại sáo rỗng, lên gân. Cần lắm sự mạnh dạn của đạo diễn trong việc trao đổi kịch bản với tác giả, thêm thắt hoặc chỉnh sửa những câu thoại, hành động không phù hợp. Sự tỉ mẩn chăm chút trong từng tình tiết để đẩy tâm lý nhân vật, khiến nhân vật gần gũi và thuyết phục hơn trong suy nghĩ của con người hiện đại.

Nghệ thuật chắc chắn không thể rập khuôn. Và nghệ thuật truyền thống muốn tồn tại cũng phải mang hơi thở của thời đại mới!

Trí Trọng

Tin xem nhiều