Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm mới câu chuyện cũ

07:12, 16/12/2017

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai vừa cho ra mắt vở diễn về vụ án oan Lệ Chi Viên trong lịch sử dân tộc, có tên Sống mãi với non sông­.

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai vừa cho ra mắt vở diễn về vụ án oan Lệ Chi Viên trong lịch sử dân tộc, có tên Sống mãi với non sông­.

NSND Ngân Vương vai Nguyễn Trãi (giữa), nghệ sĩ Khánh Dư vai Lê Thái Tông (bên trái) và nghệ sĩ Xuân Chúc vai Nguyễn Thị Lộ (bên phải) trong vở diễn Sống mãi với non sông.
NSND Ngân Vương vai Nguyễn Trãi (giữa), nghệ sĩ Khánh Dư vai Lê Thái Tông (bên trái) và nghệ sĩ Xuân Chúc vai Nguyễn Thị Lộ (bên phải) trong vở diễn Sống mãi với non sông.

Vẫn giữ nguyên câu chuyện về án tru di tam tộc của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi cũng như những nhân vật được lịch sử đề cập đến trong thời điểm diễn ra vụ việc, song Sống mãi với non sông của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai vẫn có những điểm hút người xem.

* Điểm mới tạo khác biệt

NSND, đạo diễn Giang Mạnh Hà thêm vào diễn biến câu chuyện phân cảnh mà lịch sử không đề cập: Nguyễn Thị Lộ (nghệ sĩ Xuân Chúc) bị triều đình bắt, tra tấn trong ngục ngay sau cái chết của vua Lê Thái Tông (nghệ sĩ Khánh Dư). Mục đích của phe đối lập với trung thần Nguyễn Trãi (NSND Ngân Vương) là muốn Nguyễn Thị Lộ nhận tội giết vua. Sau nhiều lần tra tấn mà không đạt được mục đích, bọn gian thần gài bẫy Nguyễn Thị Lộ: nếu chịu nhận tội một mình giết vua thì sẽ tha cho chồng. Vì tình nghĩa vợ chồng, Nguyễn Thị Lộ đã chấp nhận mang án oan vào mình. Nhưng việc làm của Nguyễn Thị Lộ đã bị gian thần vin vào để tru di tam tộc cả nhà Nguyễn Trãi.

Vở diễn Sống mãi với non sông, tác giả kịch bản và chuyển thể cải lương: Đăng Minh, đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà, họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu: Nguyễn Hồng Long, biên đạo múa: Việt Bắc.

Chi tiết đắt giá thứ 2 vừa đề cao hình tượng người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, vừa lý giải vì sao Nguyễn Trãi sống cùng non sông, được người đời sau ghi nhớ, ngưỡng vọng: trước khi đến giờ thụ án hành hình tru di tam tộc, Nguyễn Trãi uống 9 chum rượu của người dân Đại Việt đưa tiễn vị công thần của đất nước, vị quan gần gũi, hết lòng vì dân vì nước. Mỗi khi uống một chum rượu, Nguyễn Trãi lại đúc kết một giai đoạn của cuộc đời mình.

Những câu nói của vị trung thần không đi sâu vào đề cao vai trò, công lao cá nhân mà thể hiện tầm nhìn của một người tài về thời cuộc, về những đồng chí, đồng đội, nhân dân đã cùng đứng lên chống giặc: chính lúc bị giam cầm cùng cha giữa thành Đông Quan giá rét đã nhắc nhở về họa mất nước để về sau viết lên Bình Ngô Sách. Lúc nguy nan nhất, vua tôi, tướng sĩ, nhân dân đồng lòng chống giặc. Khi nước nhà giành độc lập, ta cùng các quần thần dốc sức phò vua giúp nước, mưu cầu cuộc sống ấm no cho người dân...

Xem vở diễn, TS.Nguyễn Văn Quyết, thành viên Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cho hay: “Tôi có dịp xem nhiều vở diễn của các đoàn nghệ thuật trong cả nước về án oan Lệ Chi Viên, nhưng đây là lần đầu tiên những chi tiết này được khai thác, làm mới và đưa vào vở diễn. Tuy là lần đầu xuất hiện nhưng 2 chi tiết mới không làm thay đổi câu chuyện lịch sử mà góp phần đề cao tấm lòng trung của Nguyễn Trãi, tình cảm vợ chồng của Nguyễn Thị Lộ, đồng thời lý giải vì sao trải qua hàng trăm năm lịch sử tên tuổi của Nguyễn Trãi vẫn được nhân dân ca ngợi”.

* Nỗ lực của nghệ sĩ

Bên cạnh những điểm nhấn, điểm mới của vở diễn không thể không nhắc đến diễn xuất của các nghệ sĩ tham gia. 3 nhân vật chính của vở diễn là Nguyễn Trãi, Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ lần lượt được giao cho 3 nghệ sĩ tuy có tuổi đời, tuổi nghề khác nhau là: NSND Ngân Vương, Khánh Dư và Xuân Chúc, song đều thể hiện tốt trên sân khấu.

Đầu tiên và nổi bật nhất là NSND Ngân Vương với phần ca diễn xuất sắc đã góp phần làm sống lại hình ảnh của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Cũng dễ hiểu vì đây là nghệ sĩ có tuổi nghề, tuổi đời và kinh nghiệm sân khấu thuộc tốp đầu của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai hiện nay. Với kinh nghiệm và tài năng, NSND Ngân Vương còn đóng vai trò nâng đỡ cho các tuyến nhân vật khác trên sân khấu.

2 nghệ sĩ khác tuy có trẻ hơn về tuổi đời, tuổi nghề song khi hóa thân vào nhân vật trong vở diễn vẫn không hề lép vế. Đơn cử, khi diễn đến đoạn Nguyễn Thị Lộ bị tra tấn để bắt nhận tội giết vua, nghệ sĩ Xuân Chúc - người vừa đoạt huy chương vàng cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017, do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức cách đây hơn 1 tháng - đã gây được xúc động mạnh với khán giả khi diễn nhập tâm và khóc thật với nhân vật. Hay với sắc vóc đẹp, sáng sân khấu cùng chất giọng cao, nghệ sĩ Khánh Dư đã hoàn thành tốt vai diễn Lê Thái Tông khi được tạo cơ hội tham gia vào vở diễn.

Đặc biệt, tuy có ít đất diễn nhưng mỗi khi xuất hiện với cái liếc mắt, nụ cười hiểm, những câu thoại cùng bàn mưu đồ bất chính với đám gian thần của Thần phi Nguyễn Thị Anh đã được nghệ sĩ Mỹ Vân thể hiện rất có hồn, làm cho người xem có cảm giác kinh sợ trong cuộc mưu đồ quyền lực của người phụ nữ thời phong kiến.

Vở diễn sẽ được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai giới thiệu đến khán giả trong thời gian tới.

Sông Thao

Tin xem nhiều