Báo Đồng Nai điện tử
En

Sáng mãi ánh hoa đăng: Mượn chuyện xưa, nói chuyện nay

08:04, 25/04/2023

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đang tổ chức đợt công diễn vở cải lương Sáng mãi ánh hoa đăng phục vụ các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đang tổ chức đợt công diễn vở cải lương Sáng mãi ánh hoa đăng phục vụ các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Một cảnh trong vở cải lương Sáng mãi ánh hoa đăng, tác giả Nguyễn Tấn Đạt, đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà. Ảnh: L.NA
Một cảnh trong vở cải lương Sáng mãi ánh hoa đăng, tác giả Nguyễn Tấn Đạt, đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà. Ảnh: L.NA

Vở cải lương thuộc đề tài xã hội, phản ánh những vấn đề “nóng” đang được cộng đồng quan tâm, trong đó có phòng, chống tham nhũng.

* Đậm hơi thở hiện đại

Sáng mãi ánh hoa đăng, tác giả Nguyễn Tấn Đạt, chuyển thể Nguyễn Lưu Thanh, đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà. Mặc dù được dàn dựng là một vở cải lương mang hơi hướng cổ trang, nhưng Sáng mãi ánh hoa đăng thực chất lại thể hiện những vấn đề nóng của xã hội, đậm hơi thở hiện đại. Bằng thủ pháp trào lộng, châm biếm, đạo diễn đã khéo léo lột tả những thói hư tật xấu của xã hội hiện đại thông qua hình tượng các nhân vật.

Vở diễn lấy bối cảnh cuộc sống của các tầng lớp nhân dân trong xã hội xưa. Nhân vật chính là Tráng (nghệ sĩ Đông Nguyên vào vai) lương thiện, thật thà nhưng gia cảnh khó khăn phải đi “ở đợ” cho nhà Tổng đốc đại nhân. Mặc dù làm nô bộc nhưng Tráng luôn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và rồi chính lòng tốt ấy lại khiến anh bị quan nghi ngờ là kẻ trộm, bị quan xử phạt.

Từ đây, Tráng phát hiện ra gia đình quan Tổng đốc lấy gạo mốc làm thiện nguyện, lợi dụng việc đầu tư xây chùa để trục lợi cá nhân. Để bảo vệ công lý, anh đã gửi tâm thư lên quan trên nhưng không có kết quả và anh bị truy đuổi, dồn vào chỗ chết.

Từ ngày 21-4 đến 1-5, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai tổ chức các buổi diễn về cơ sở, đưa vở cải lương Sáng mãi ánh hoa đăng về phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nhà hát chú trọng các suất diễn tại những xã tái định cư, vùng có đông công nhân lao động và đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Sống trong cảnh đồng tiền chi phối cán cân công lý, các tầng lớp nhân dân trong xã hội xưa đã cùng nhau hợp sức, lên tiếng. Tiếng khóc của người dân vì những khốn khổ, oan khuất mà họ phải gánh chịu bởi nạn tham nhũng, án oan sai đã được giải quyết khi nhà vua đi vi hành… Đặc biệt, để thu hút nhân tài, phục vụ cho đất nước, nhà vua ban hành các chính sách thi tuyển mở rộng, công khai để tất cả mọi người dân đều được tham gia.

Cốt truyện dung dị, những thông điệp gửi gắm qua vở cải lương Sáng mãi ánh hoa đăng được chuyển tải hài hước, dí dỏm. Bằng những chi tiết, những câu chuyện được thể hiện sống động, vở diễn thấm đẫm giá trị nhân văn, hướng đến giáo dục nhân cách, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng trật tự, kỷ cương. Không đao to búa lớn nhưng những câu chuyện trong vở diễn đã răn dạy mọi người cùng nhau sống trong sạch, nghĩa tình, biết yêu thương và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.

NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cho biết, Sáng mãi ánh hoa đăng là vở cải lương có nội dung, thông điệp bám sát đời sống thực tế và có tính phản biện xã hội cao. Vở diễn được đầu tư công phu, từ kịch bản, đạo diễn, đến yếu tố âm nhạc, ánh sáng, lời thoại để tạo cao trào, đẩy cảm xúc của người xem. Bên cạnh những nghệ sĩ, diễn viên quen thuộc của nhà hát như: Đông Nguyên, Thành Vinh, Hồng Gấm, Hoài Minh, Băng Châu… vở diễn xuất hiện nhiều gương mặt nghệ sĩ mới, với chất giọng tốt như: Ngọc Vy, Trần Thanh Thảo, Thái Qúy.

* Đưa sân khấu về với nhân dân

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, chúng ta đang “thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người”. Sân khấu Đồng Nai hôm nay đã và đang xây dựng nhiều vở diễn phản ánh đúng, trúng vấn đề mà công chúng quan tâm. Từ đời sống nông thôn, gia đình, dịch bệnh, đến những vấn đề nóng bỏng trong xã hội như: tham nhũng, phòng, chống ma túy, suy thoái đạo đức...

Đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho biết, sân khấu là một trong những loại hình nghệ thuật xung kích, phản ánh các vấn đề nóng mà xã hội quan tâm. Vở cải lương Sáng mãi ánh hoa đăng sử dụng thủ pháp “mượn chuyện xưa, nói chuyện nay”, thổi vào đó tinh thần của thời đại. Các cảnh, lời thoại mềm mại, không lên gân hay hô khẩu hiệu mà được chuyển tải một cách gần gũi, tự nhiên, vừa thấm sâu vừa mang tính giải trí cao. Vở diễn phù hợp để công diễn, phục vụ các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đưa sân khấu cải lương đến với nhân dân là cách mà thời gian qua Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã và đang thực hiện. Nhà hát đã đưa vở Sáng mãi ánh hoa đăng phục vụ bà con TT.Long Thành (H.Long Thành) tại công viên Vườn Dầu ngày 21-4 vừa qua.

Theo Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan, việc đưa sân khấu truyền thống về cơ sở không chỉ lan tỏa về giá trị tư tưởng của vở diễn mà còn góp phần truyền lửa, giữ gìn văn hóa dân tộc. Với những thông điệp và những bài học rút ra từ các câu chuyện, vở cải lương Sáng mãi ánh hoa đăng hứa hẹn sẽ là vở diễn thu hút đông khán giả trong và ngoài tỉnh quan tâm, đón nhận.               

Ly Na

Tin xem nhiều