Báo Đồng Nai điện tử
En

Vui với chuyện nghệ danh

11:01, 16/01/2020

Nghệ sĩ nào cũng muốn chọn cho mình cái tên đẹp, dễ nhớ, và… hên nữa. Có khi nhờ cái tên mà vinh quang kéo đến. Tất nhiên phải có tài năng, nhưng cái tên cũng là một chọn lựa để cộng hưởng với tài năng.

Nghệ sĩ nào cũng muốn chọn cho mình cái tên đẹp, dễ nhớ, và… hên nữa. Có khi nhờ cái tên mà vinh quang kéo đến. Tất nhiên phải có tài năng, nhưng cái tên cũng là một chọn lựa để cộng hưởng với tài năng.

NSƯT Thanh Nga và NSƯT Thanh Sang trong vở Tiếng trống Mê Linh. Ảnh: tư liệu
NSƯT Thanh Nga NSƯT Thanh Sang trong vở Tiếng trống Mê Linh. Ảnh: tư liệu

* Minh là bật sáng

NSND Minh Vương tên thật là Nguyễn Văn Vưng, theo học ca vọng cổ cải lương với thầy Bảy Trạch, và chỉ sau 2 năm thầy Bảy chọn cậu học trò này đi thi Khôi nguyên Vọng cổ, đoạt giải luôn khi mới 14 tuổi. Nhưng nghệ danh Minh Vương là do ông bầu Long của đoàn Kim Chung đặt cho khi Nguyễn Văn Vưng về đầu quân cho ông. Ông nói: “Tao đặt cho mày có chữ Vương để mày làm vua luôn đó”. Quả thật, lời tiên tri của ông bầu Long thành sự thật, Minh Vương rực sáng trên bầu trời Kim Chung và sáng luôn cho mãi tới bây giờ. Bên cạnh chữ Vương còn có chữ Minh, vừa làm vua vừa tỏa sáng.

NSND Minh Vương bày tỏ: “Cái tên là cái duyên của mình. Ông Tổ cho mình cái tên để làm nghề, nhưng mình phải tử tế với nghề, nếu không thì dù có gọi là “vua” đi nữa khán giả cũng quay lưng”.

Mà xem lại hình như nghệ sĩ nào có chữ Minh đều rất sáng. Minh Phụng được mệnh danh “Hoàng tử cải lương” vì ông quá đẹp trai, bước lên sân khấu là người ta mê mẩn.

Minh Cảnh là ngôi sao của cải lương với giọng ca trong veo cao vút, ảnh hưởng rất nhiều tới các nghệ sĩ đàn em. Nhiều người ca “lấy hơi” Minh Cảnh và đặt nghệ danh cũng ăn theo luôn, như Minh Minh Cảnh, Minh Tiểu Cảnh, Minh Minh Tâm, Minh Long Cảnh, Tuấn Cảnh, Cảnh Minh, Cảnh Thăng, Minh Cảnh Hưng…

Bên kịch có một nghệ sĩ nổi tiếng là Minh Nhí. Hồi vô Trường sân khấu điện ảnh TP.Hồ Chí Minh, với vóc dáng nhỏ con nên bị bạn bè kêu Nhí, Nhí, anh rất ghét. Khi ra trường đi hát, lấy tên thật là Hùng Minh thì bị trùng với NSƯT Hùng Minh lừng lẫy với vai Mã Tắc trong Tiếng trống Mê Linh, anh bèn đổi tên khác. Nhưng tên gì cũng lận đận, thế là kêu luôn Minh Nhí, ai ngờ sự nghiệp lên như diều gặp gió.

Minh Hoàng cũng là nghệ sĩ giỏi cùng thời với Ái Như - Thành Hội, từng là trụ cột ở 5B và sau này về Sân khấu Phú Nhuận. Minh Hải là đạo diễn rất có cá tính, dựng nhiều vở đầy tính thể nghiệm ở 5B, nay đang là Trưởng phòng Sân khấu của HTV. Ấn tượng mãi vở Đèn không hắt bóng của Minh Hải, dựng táo bạo và độc đáo trong hoàn cảnh rất hạn chế của khán phòng 5B. Đạo diễn nữ thì có Minh Nguyệt dựng Tiếng chim vườn ngọc lan và Cánh đồng bất tận hấp dẫn vô cùng. Chị không làm nhiều vở, mà hễ làm thì đều tạo dấu ấn sâu sắc.

* Nghệ danh có chữ Thanh nhiều nhất

Chữ Thanh là chữ được nghệ sĩ chọn nhiều nhất. Chắc do liên quan đến tiêu chuẩn Thanh và Sắc của nghệ sĩ. Chọn chữ Thanh để hy vọng mình ca hay, chinh phục khán giả. Và đầu tiên người ta nhớ đến là NSƯT Thanh Nga. Bà là nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, có khi hàng trăm năm không tìm ra một người như thế. Bên cạnh bà là NSƯT Thanh Sang, làm nên đôi bạn diễn tuyệt vời khắc sâu vào ký ức khán giả. Thanh Nga và Thanh Sang đã để lại hai tác phẩm bất hủ là Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa.

NSUT Thanh Điền và Thanh Hằng vai ông bà phủ Trần trong vở Lan và Điệp (ảnh: H.K)
NSUT Thanh ĐiềnThanh Hằng vai ông bà phủ Trần trong vở Lan và Điệp. Ảnh: H.K

Mà nhớ Thanh Sang trong vai Trần Minh “khố chuối” thì nhớ luôn Thanh Tú, người đóng vai Nhuận Điền cao to lực lưỡng với giọng ca trầm mộc mạc và đầy nam tính trong tuồng Bên cầu dệt lụa. Đôi bằng hữu Trần Minh - Nhuận Điền đã khắc họa một tình bạn cao đẹp nhân nghĩa. Thanh Tú hồi trẻ rất đẹp trai nên đóng phim rất nhiều, sau này ông đi hát sô chỉ cần ca mấy câu vọng cổ của Nhuận Điền là khán giả thấy mãn nguyện.

NSND Thanh Tuấn cũng là một ngôi sao sáng chói, cho đến nay dù đã hơn 70 tuổi nhưng sức khỏe vẫn sung mãn để đi hát khắp nơi. Tỉnh nào cũng thấy có mặt ông, lại còn làm giám khảo cho rất nhiều cuộc thi như Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ, hoặc các cuộc thi ở tỉnh. Một đêm xem live show, nghe ông hát trong Nhà hát Lớn với dàn âm thanh tốt, giọng ngân như chuông, trầm mà vang, rung động, luyến láy tuyệt vời. Thanh Tuấn đã tạo ra một kiểu luyến láy đặc biệt, đến nỗi nhiều người quá mê nên mô phỏng theo.

NSND Thanh Tòng là “tướng soái” của bộ môn tuồng cổ, ông có công lớn trong việc chuyển hóa cải lương hồ quảng thành cải lương tuồng cổ và viết lẫn dựng nhiều kịch bản lịch sử. Nghệ sĩ Tuấn Thanh lại rất đặc biệt vì là một ông thầu xây dựng có tiếng, giỏi nghề lẫn giàu có, nhưng lại rẽ sang cải lương và nổi bật với những vai đầy nam tính trong Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn hào hoa, và các nhân vật lịch sử oai phong như: Nguyễn Huệ, Nguyễn Trung Trực… Còn NSƯT Thanh Hoàng là người đã viết vở kịch Dạ cổ hoài lang diễn tại Sân khấu 5B hơn 20 năm trời vẫn còn khán giả, và anh mất sớm để lại hàng trăm vai diễn trên sân khấu lẫn phim ảnh.

Nghệ sĩ nữ thì có NSƯT Thanh Kim Huệ cùng với NSƯT Thanh Điền là đôi vợ chồng hát hay, diễn giỏi, viết kịch bản, dàn dựng đều “biết tuốt”. Cho đến giờ ông bà vẫn còn tung tăng đi diễn vì rất khỏe mạnh. NSƯT Thanh Thanh Tâm từng là cô đào đẹp bên cạnh Vũ Linh, nay đã định cư nước ngoài. NSƯT Thanh Thanh Hiền là cô đào đất Bắc có gương mặt và vóc dáng xinh đẹp, hát cải lương cực hay, đặc biệt có thể hát giọng Nam không ai ngờ được vì hát y chang không sai một âm. Thanh Thanh Hiền thường vào Nam diễn theo lời mời của các ông bầu miền Nam. Thanh Hằng lại ở tuốt bên Úc, nhưng có mặt thường xuyên ở Việt Nam trong các vở lớn như: Lan và Điệp, Dương Quý Phi, Tiếng trống Mê Linh…

Thanh Thủy là “nữ quái” của kịch nói, vì chị có thể diễn bi, hài, độc, lẳng gì cũng được. Chị nổi tiếng cùng thời với Hồng Vân, Thành Lộc, và dù học khoa đạo diễn nhưng rốt cuộc lại thành diễn viên nổi tiếng. Còn Ốc Thanh Vân là gương mặt trẻ sáng giá của Sân khấu Phú Nhuận, diễn kịch, đóng phim, làm MC rất năng động.          

            Hoàng Kim

Tin xem nhiều