Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay giải quyết các vấn đề xã hội

Sông Thao
08:27, 26/02/2024

Thời gian qua, Phật giáo Đồng Nai đã tích cực tham gia vào công tác giảm nghèo, phổ biến pháp luật, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tái tạo nguồn lợi thủy sản…

Đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Biên Hòa và Ban Chỉ huy quân sự TP.Biên Hòa ký kết chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2024-2029. Ảnh: S.Thao
Đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Biên Hòa và Ban Chỉ huy quân sự TP.Biên Hòa ký kết chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2024-2029. Ảnh: S.Thao

Điều này cho thấy ngoài thực hiện công tác Phật sự đúng theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quy định của pháp luật, Phật giáo Đồng Nai đã và đang đóng vai trò tích cực trong giải quyết các vấn đề xã hội, chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước trong chăm lo đời sống nhân dân.

* Chú trọng hỗ trợ người khó khăn

Theo Thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, chỉ tính riêng năm 2023, Phật giáo Đồng Nai đã huy động được gần 155 tỷ đồng để cùng chính quyền địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội thông qua việc trao tặng quà, xây dựng nhà ở, khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân…

Bước sang năm 2024, những hoạt động này sẽ tiếp tục được Phật giáo Đồng Nai thực hiện nhằm góp phần cùng chính quyền chăm lo, hỗ trợ người dân. Trong đó có duy trì tổ chức 4 đợt trao tặng quà cho người nghèo, hộ khó khăn, người già neo đơn, người mù, người khuyết tật nhân dịp lễ Vu lan, Phật đản, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán; trợ giúp nhân đạo hàng tháng bằng tiền và quà cho gia đình đặc biệt khó khăn thông qua địa chỉ do chính quyền địa phương giới thiệu; duy trì các bếp cơm miễn phí dành cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện…

Đồng Nai hiện có khoảng 600 chức sắc hàng giáo phẩm cùng trên 7,3 ngàn tăng, ni và gần 1 triệu phật tử.

Bà Nguyễn Thị Thu (người mù tại TP.Biên Hòa) cho hay, trong năm bà nhiều lần được nhận quà trực tiếp tại chùa hoặc các tăng, ni gửi đến bà lương thực, thực phẩm thông qua các cơ quan, đơn vị. Mỗi phần quà đã góp phần san sẻ khó khăn với gia đình bà.

Bên cạnh đó, thông qua sự chấp thuận của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, nhiều cơ sở Phật giáo còn tổ chức tiếp nhận, chăm sóc cho những hoàn cảnh kém may mắn không nơi nương tựa. Như tại thiền tự Phước Quang (H.Long Thành) đang chăm sóc và tạo điều kiện cho gần 20 trẻ đến trường. Cơ sở Bảo trợ xã hội dân lập Hoa Sen Trắng (chùa Bửu Sơn, H.Định Quán) đang chăm sóc, nuôi dưỡng 40 trẻ em cùng 28 người già neo đơn và người khuyết tật. Trung tâm Nhân đạo Làng Tre (xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ) đã trở thành mái nhà chung của 700 trường hợp kém may mắn... Nhờ vậy mà nhiều người già neo đơn không nơi nương tựa đã có nơi ở cố định; người khuyết tật được chăm sóc miễn phí và chu đáo; trẻ em mồ côi được chăm sóc, giáo dục.

Ngoài ra, việc duy trì 15 phòng khám Đông y miễn phí chuyên khám bệnh, bốc thuốc và thực hiện các phương pháp trị liệu dành cho người dân của Phật giáo Đồng Nai tại các huyện, thành phố đã góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhờ đó, mỗi năm có hàng chục ngàn lượt người được thụ hưởng các dịch vụ y tế miễn phí.

* Xây dựng chương trình mới

Bước sang năm 2024, song song với tiếp tục duy trì các hoạt động thường niên, Phật giáo Đồng Nai triển khai, phối hợp thực hiện nhiều hoạt động, chương trình xã hội mới.

Cụ thể, vào tháng 2-2024, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Biên Hòa và Ban Chỉ huy Quân sự TP.Biên Hòa đã tiến hành ký kết chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2024-2029.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Biên Hòa thả cá xuống sông Đồng Nai đoạn chảy qua khu vực Tổ đình Long Thiền (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa)
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Biên Hòa thả cá xuống sông Đồng Nai đoạn chảy qua khu vực Tổ đình Long Thiền (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa)

Theo thượng tá Dương Thanh Bình, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự TP.Biên Hòa, 2 bên sẽ phối hợp thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm, như: bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho chức sắc, chức việc, tín đồ; tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, truyền thống vẻ vang của quân đội nhân dân Việt Nam; phối hợp thực hiện công tác bảo vệ môi trường; xây tặng mỗi năm từ 1-2 căn nhà “Tình nghĩa quân - dân”; tổ chức giao lưu văn hóa, thể thao… Trong đó, việc vận động con em trong gia đình phật tử chấp hành lệnh gọi nhập ngũ được chú trọng, bởi thành phố tập trung đông gia đình phật tử. Việc phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần đưa công tác gọi công dân nhập ngũ thêm thuận lợi.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố thông qua Ban Chỉ huy quân sự TP.Biên Hòa cũng sẽ có những hoạt động quan tâm đến đời sống cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ có hoàn cảnh khó khăn.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai hiện có 11 đơn vị Phật giáo cấp huyện, thành phố trực thuộc. Về cơ cấu hệ phái và pháp môn, tỉnh hiện có các hệ phái, pháp môn, gồm: Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. Riêng về sơn môn, pháp phái có: Cổ truyền, Thiên Thai, Lâm Tế Chánh tông, Lâm Tế Nguyên Thiều, Lâm Tế Liễu Quán, Lâm Tế Tây Thiên, Thiền Trúc Lâm, Tịnh Độ, Linh sơn Nghiên cứu Phật học và Vĩnh Nghiêm.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, quy mô chăm sóc sức khỏe nhân dân, mới đây Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã thực hiện tiếp nhận Cơ sở Khám chữa bệnh Tuệ Tĩnh Đường (tại chùa Đức Quang, TP.Biên Hòa). Nơi đây hiện có sức chứa 50 giường bệnh dành cho tăng, ni lưu trú điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe bằng các phương pháp châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, châm laser cho bệnh nhân. Ngoài ra, mỗi đợt khám bệnh có từ 30-100 trường hợp được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe…

Sau khi tiếp nhận, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh sẽ có sự điều chỉnh và sắp xếp phù hợp, hỗ trợ tốt công tác điều trị cho các bệnh nhân. Điều này nhằm phát huy hết tinh thần khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Đồng thời, xây dựng, bố trí lại các phòng khám nhằm đạt được tiêu chuẩn tốt nhất để điều trị và chăm sóc sức khỏe cho chư tăng, ni và phật tử.

Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động hiến máu tình nguyện; hiến mô, hiến xác cho y học sau khi qua đời sẽ tiếp tục được nhân rộng trong chức sắc, chức việc, phật tử. Thượng tọa Thích Minh Trí, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Biên Hòa cho hay, thông qua sự phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh, nhiều đợt tiếp nhận hiến máu tình nguyện ngay tại các tự viện đã được thực hiện và nhận được sự chung tay, tham gia tích cực của mọi người. Ngày càng có nhiều tăng, ni tự nguyện đăng ký trở thành thành viên của mạng lưới hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học sau khi qua đời. Đây là những việc làm hết sức ý nghĩa và sẽ được Phật giáo tỉnh, Phật giáo Biên Hòa mở rộng trong thời gian tới.

Cùng với đó, năm 2024, các cơ sở Phật giáo trong tỉnh sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mở rộng việc thả cá phóng sinh tại nhiều địa điểm trên sông Đồng Nai, các hồ chứa nước, dòng suối lớn. Thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho hay, thời gian qua, các hoạt động thả cá phóng sinh đã được Phật giáo tỉnh, các huyện, thành phố thực hiện tùy vào điều kiện thực tế tại địa phương, khả năng đóng góp của phật tử.

Như vừa qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và TP.Biên Hòa đã tổ chức phóng sanh cá trên dòng Đồng Nai khu vực TP.Biên Hòa. Nhiều tự viện tại các huyện có các dòng suối lượng nước chảy quanh năm đã cùng phật tử phóng sanh cá, trồng cây chống sạt lở.

Sông Thao

 

Tin xem nhiều