Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháng chay Ramadan - tháng gắn kết cộng đồng

Sông Thao
07:50, 01/04/2024

Cùng với cộng đồng Hồi giáo thế giới, gần 800 đồng bào dân tộc Chăm theo Hồi giáo Islam tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành đang bước vào Tháng chay Ramadan - tháng linh thiêng của người Hồi giáo.

Bữa ăn tập thể tại Thánh đường Hồi giáo Bình Sơn (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) trong Tháng chay Ramadan vào tối 29-3.
Bữa ăn tập thể tại Thánh đường Hồi giáo Bình Sơn (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) trong Tháng chay Ramadan vào tối 29-3. Ảnh: Sông Thao

Tháng chay Ramadan năm nay bắt đầu từ ngày 12-3 và kết thúc vào ngày 10-4.

Tháng cộng đồng

Theo giáo cả Thánh đường Hồi giáo Bình Sơn (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) Đô Hô Sên, Tháng chay Ramadan là một trong 5 trụ cột của đạo Hồi, gồm: tuyên thệ; hành lễ 1 ngày 5 lần; Tháng chay Ramadan; bố thí; hành hương đến thánh địa Mecca (Arab Saudi). Gọi là tháng chay nhưng bà con không phải kiêng thịt mà chủ yếu là nhịn ăn trong một thời gian nhất định với ý nghĩa cảm thông với người nghèo đói.

Trong thời gian diễn ra tháng chay, bà con dậy sớm vệ sinh cá nhân, chuẩn bị thức ăn và ăn tại nhà cùng người thân. 4h30, mọi người có mặt tại thánh đường để chuẩn bị hành lễ và trước khi vào thánh đường phải thực hiện nghi thức tẩy uế bằng cách rửa tay chân, rửa mặt, súc miệng. Từ 5h đến 5h15, mọi người tập trung đọc kinh Koran. Sau lễ chung là đến phần lễ riêng cá nhân tại thánh đường.

Đồng Nai hiện là nơi sinh sống của gần 4 ngàn người Chăm theo Hồi giáo Islam. Bà con sống tập trung chủ yếu tại 2 xã là Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) và Bình Sơn (huyện Long Thành).

Với những cá nhân làm việc theo giờ hành chính tại các công ty, sau lễ sáng, mọi người bắt đầu công việc hàng ngày ở nơi làm việc. Riêng những người cao tuổi, lao động tự do tại nhà thì thời gian trong ngày còn đến thánh đường 4 lần để hành lễ.

Sau khi hành lễ sáng xong, mọi người không ăn uống. Đến 18h, mọi người tập trung tại thánh đường để đọc kinh và xả chay cùng ăn bữa tối. Thức ăn thường là cháo gà, súp rau củ do bếp ăn thánh đường chuẩn bị. Ngoài ra, mỗi gia đình còn chuẩn bị thêm một số món bánh, trái cây để mang đến cùng sử dụng trong bữa ăn chung.

Theo giáo cả Đô Hô Sên, trong tháng chay cũng có những ngoại lệ. Trong đó, người già, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, người đang bị ốm, trẻ con… có thể ăn uống bình thường trong ngày vì lý do đảm bảo cho sức khỏe. Riêng những người đi làm ở các công ty thì tuân thủ theo quy định sinh hoạt ở nơi làm việc nên vẫn ăn uống theo chế độ chung. Hay trong tháng chay có một số trường hợp không nhịn chay được liên tục thì số ngày bỏ chay có thể bù vào một ngày khác, miễn sao đủ một tháng.

Ngoài ra, theo anh A Min (xã Bình Sơn) nếu trong ngày đi làm không nhịn được vì phải ăn đủ bữa mới đảm bảo sức khỏe cho công việc thì ngày nào được nghỉ làm (thường là chủ nhật) có thể nhịn ăn bù. Đây là cách mà những người đi làm ở các công ty như anh A Min lựa chọn để thực hiện trong tháng chay.

Có sự linh động và ngoại lệ này là bởi theo giáo cả Đô Hô Sên, trước đây bà con chủ yếu làm nghề tự do (làm rẫy, buôn bán) nên trong tháng chay bà con chủ động giảm bớt công việc để thực hành nghi lễ tôn giáo. Thêm vào đó, 11 tháng trong năm, mọi người tập trung lao động để tích góp chi phí dành cho tháng chay.

Nhiều năm trở lại đây, ngoài những người buôn bán tự do, làm việc tại nhà thì rất nhiều nam nữ thanh niên đồng bào Chăm làm việc trong các cơ quan, đơn vị nên phải tuân thủ theo quy định về giờ giấc, sinh hoạt chung. Do yêu cầu công việc nên không thể nghỉ nguyên một tháng… nhưng quan trọng là đức tin, tấm lòng của đồng bào đối với tôn giáo vẫn vẹn nguyên.    

Quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn

Ngoài thực hiện nghi thức tôn giáo, Tháng chay Ramadan còn là thời điểm cộng đồng Hồi giáo thể hiện sự quan tâm, chia sẻ lẫn nhau.

Tín đồ Hồi giáo thực hiện thánh lễ tại Thánh đường Hồi giáo Bình Sơn (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) trong Tháng chay Ramadan vào tối 29-3.
Tín đồ Hồi giáo thực hiện thánh lễ tại Thánh đường Hồi giáo Bình Sơn (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) trong Tháng chay Ramadan vào tối 29-3. Ảnh: Sông Thao

Theo ông Đô Hô Sên, năm 1976, Thánh đường Hồi giáo Bình Sơn được xây dựng để bà con thực hành tôn giáo. Ban đầu, thánh đường chỉ được dựng bằng cột gỗ, mái lá và bà con đốt đèn dầu sinh hoạt. Theo thời gian, được sự quan tâm của chính quyền các cấp nên thánh đường ngày càng khang trang hơn, nhiều hạng mục được hỗ trợ kinh phí xây dựng, trong đó có phòng thư viện, phòng học…

Riêng trong đời sống, đồng bào nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Trẻ em đến tuổi đều ra lớp. Hiện không còn gia đình nào trong số 124 hộ đồng bào Chăm nằm trong diện hộ nghèo. Gia đình nào cũng có xe gắn máy, ti vi, điện thoại…

Nhân dịp đồng bào dân tộc Chăm theo Hồi giáo Islam tại Đồng Nai bước vào Tháng chay Ramadan, ngày 29-3, Ban Tôn giáo tỉnh tổ chức đoàn đến thăm, động viên đồng bào Hồi giáo tại 2 xã Xuân Hưng và Bình Sơn.

Em A Dim (học sinh lớp 4, Trường tiểu học Bình Sơn) cho hay: “Em rất vui vì ở thánh đường có phòng thư viện để em tự do đọc truyện tranh mà mình yêu thích. Gia đình em cũng thường xuyên được nhận quà hỗ trợ từ cộng đồng”.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên số trường hợp khó khăn cần trợ giúp trong đồng bào vẫn còn nhiều. Do vậy, trong Tháng chay Ramadan này, cộng đồng Hồi giáo đã dành sự quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, theo quy định, mỗi người sẽ làm từ thiện bằng cách tặng 4kg gạo cho một hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.

Riêng bếp ăn thánh đường sẽ chuẩn bị một số phần ăn đưa đến nhà những người già yếu, người bệnh, người ở xa thánh đường… để bà con dùng tại nhà. Kinh phí để nấu ăn ban đầu trích từ quỹ của thánh đường và có thêm sự đóng góp của nhà hảo tâm, các hội nhóm từ thiện trong tôn giáo, một số gia đình khá giả phát tâm đóng góp để san sẻ với mọi người, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn trong tháng chay.

Theo ông Đô Hô Sên, tháng chay còn là thời điểm cộng đồng cùng đoàn kết trong sinh hoạt tôn giáo, dành thời gian quan tâm đến người còn khó khăn trong cộng đồng…

Sông Thao 

Tin xem nhiều