Báo Đồng Nai điện tử
En

Đau mắt đỏ đang vào đỉnh dịch

11:09, 22/09/2013

Bà Nguyễn Thị Kim Châu, ở xã Phước Tân (TP. Biên Hòa) đến khám mắt tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong tình trạng mắt sưng mọng, nhói buốt và có xung huyết dù mới mắc bệnh 2 ngày.

Bà Nguyễn Thị Kim Châu, ở xã Phước Tân (TP. Biên Hòa) đến khám mắt tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong tình trạng mắt sưng mọng, nhói buốt và có xung huyết dù mới mắc bệnh 2 ngày. Bà Kim Châu cho biết: “Cả 6 người  trong nhà tôi đều lần lượt bị đau mắt đỏ”.

Khám bệnh đau mắt đỏ cho một bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu
Khám bệnh đau mắt đỏ cho một bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu

Nhưng không chỉ riêng gia đình bà Kim Châu, hơn nửa tháng nay, bệnh đau mắt đỏ lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Ghi nhận của ngành y tế trong vòng 10 năm trở lại đây, đây là đợt bùng phát bệnh đau mắt đỏ rộng nhất với số người mắc bệnh nhiều nhất.

Bùng phát bệnh đau mắt đỏ

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai), bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp do nhiễm virus và có khả năng lây lan nhanh. Dấu hiệu sớm là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt, có thể bị sốt nhẹ. Bệnh thường sẽ khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, điều trị đúng chỉ định có thể gây nhiều biến chứng như viêm giác mạc, dẫn tới suy giảm thị lực sau này.

Người bệnh cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt. Bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua các giao tiếp thông thường, vì thế không nên dùng chung đồ vật, tránh tiếp xúc gần hoặc nói chuyện đối diện với người bệnh. Nên giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, rửa tay với xà phòng nhiều lần trong ngày.

Bác sĩ Huỳnh Xuân Nhị, Trưởng khoa mắt Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết từ tháng 8 trở về trước, mỗi ngày khoa chỉ tiếp nhận 50-70 ca khám mắt, trong số này có khoảng 10 ca đau mắt đỏ. Nhưng từ đầu tháng 9 đến nay, số người bị đau mắt đỏ tăng đột biến. Mỗi ngày có 80-200 ca khám mắt, trong đó số ca đau mắt đỏ chiếm trên 70%. Điều đáng nói là có rất nhiều công nhân ở các nhà trọ bị đau mắt đỏ ở thể nặng phải xin giấy nghỉ phép.

Chị Nguyễn Thị Định, công nhân Công ty TNHH Pouchen (xã Hóa An, TP.Biên Hòa), cho hay: “Khu nhà trọ tôi ở gần công ty có 20 phòng trọ thì đến 17 phòng có người bị đau mắt đỏ”. Ban đầu, cậu con trai 4 tuổi của chị sang nhà hàng xóm chơi và bị lây bệnh. Chị tưởng bệnh đơn giản nhưng không ngờ một người trong nhà bị đau mắt đã lần lượt lây bệnh cho cả gia đình. Vợ chồng chị cũng như cháu bé đã phải nghỉ làm, nghỉ học cả tuần nay.

Tại khoa mắt Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, số ca trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ chờ khám cũng rất đông. Anh Trần Văn Bảo, ở xã Thường Tân, huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), đưa con gái Trần Bảo Thiên Kim đến đây khám. Anh Bảo cho biết, cả nhà 3 người đều lần lượt bị đau mắt đỏ. Bé Kim vừa vào lớp 1 cũng phải nghỉ học hơn một tuần. “Lúc mắt phải của cháu hơi đỏ, vợ tôi đã mua thuốc nhỏ mắt nhưng chẳng ngăn được bệnh. Chỉ ngay hôm sau, mắt cháu đỏ rực, cộm, ngứa, bé dụi mắt thường xuyên, làm cho mắt sưng húp” - anh Bảo cho biết.

Lây lan nhanh, dễ biến chứng

Ghi nhận của Sở Y tế,  trong 20 ngày đầu tháng 9, toàn tỉnh có trên 10 ngàn ca đau mắt đỏ. Các địa bàn, như: TP. Biên Hòa, TX. Long Khánh và các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom có số ca mắc bệnh đau mắt đỏ khá cao.

Bệnh đau mắt đỏ đang “tấn công” các trường học. Cô Nguyễn Thị Diệp Ánh, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hướng Dương (TP.Biên Hòa), cho biết: “Thời điểm đầu năm học mới, chúng tôi thường lo bùng phát bệnh tay chân miệng. Nhưng năm nay, bệnh này rất yên ắng, còn bệnh đau mắt đỏ lại bùng phát dữ dội. Cả 14 lớp của trường đều có cháu bị đau mắt đỏ. Tính đến nay, đã có 83 cháu bị đau mắt đỏ, hiện còn 3 cháu vẫn đang điều trị tại nhà. Lúc cao điểm, có cùng lúc 30 cháu mắc bệnh. Chẳng hạn như ở lớp chồi 3, có 45 cháu nhưng đã có đến 2/3 số cháu bị đau mắt phải nghỉ học. Những trường hợp phát hiện mắt bé bị đỏ, chúng tôi đều khuyến cáo phụ huynh cho cháu nghỉ học để tránh lây cho các cháu khác”.

Nhiều trường mẫu giáo và tiểu học hiện đã liên hệ với  trạm y tế để nhận các tờ rơi, tờ bướm về cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ. Đồng thời các trường  thực hiện khử trùng bằng nước sôi đồ dùng vệ sinh cá nhân của trẻ mầm non, như: ly uống nước, khăn mặt từ 1-2 lần/ngày.

Theo nhận định của ngành y tế, khí hậu ẩm ướt sau những cơn mưa dài là điều kiện thuận lợi cho virus lây lan. Bệnh đau mắt đỏ thường xảy ra vào những tháng mưa nhiều như tháng 7-8, nhưng số ca đau mắt đỏ cũng chỉ rải rác. Năm nay dịch bệnh tuy đến muộn hơn (đầu tháng 9) nhưng mức độ lây lan rất nhanh. Điều đáng nói là đã xuất hiện không ít ca biến chứng viêm giác mạc bởi tình trạng tự sử dụng thuốc nhỏ mắt có chất corticoid.

Phương Liễu

Phòng khám mắt Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán thời gian gần đây đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám bệnh đau mắt đỏ. Ban đầu, mỗi ngày chỉ vài ba ca đến khám, nhưng đến nay, mỗi ngày phòng khám đã tiếp nhận từ 25 - 30 bệnh nhân khám bệnh đau mắt đỏ. Sự gia tăng số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ này được xem là đột biến, vì cùng kỳ năm trước trên địa bàn huyện hiếm gặp bệnh nhân đau mắt đỏ. Tuy nhiên, theo các bác sĩ của bệnh viện, số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện chưa nói lên được thực trạng, diễn biến của bệnh đau mắt đỏ tại Định Quán, vì đa số người dân còn xem nhẹ bệnh này và thường mua thuốc tự điều trị.

Điểm Thơi

 

 

 

Tin xem nhiều