Báo Đồng Nai điện tử
En

“Teo tóp” trường nghề (Bài 1)

09:11, 05/11/2013

Đồng Nai là một trong những tỉnh được đánh giá có hệ thống trường dạy nghề phát triển mạnh của cả nước. Từ môi trường này, hàng ngàn lao động có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao đã được tuyển dụng vào làm trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của trường nghề đang gặp  không ít khó khăn.

Đồng Nai là một trong những tỉnh được đánh giá có hệ thống trường dạy nghề phát triển mạnh của cả nước. Từ môi trường này, hàng ngàn lao động có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao đã được tuyển dụng vào làm trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của trường nghề đang gặp  không ít khó khăn.

Trường trung cấp nghề Tri Thức ở thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) sắp trở thành Trường tiểu học Tri Thức.
Trường trung cấp nghề Tri Thức ở thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) sắp trở thành Trường tiểu học Tri Thức.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 49 trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề (gọi chung là trường nghề) có đào tạo nghề. Hiện phần lớn các trường này đang rơi vào tình trạng thưa thớt người học, thậm chí sẽ phải khai tử do thu không đủ chi.

Đại diện nhiều trường nghề cho rằng, họ gặp khó trong tuyển sinh không hẳn vì chất lượng đào tạo kém mà bởi cơ chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT “hậu thuẫn” cho các trường đại học hút cạn nguồn tuyển.

* Hụt hơi

Hiệu trưởng của một trường nghề (xin giấu tên) đã phải thốt lên rằng “chúng tôi đang hụt hơi” khi nói về sự khó khăn trong tuyển sinh đầu vào. Vị hiệu trưởng này cho biết, trường được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang trên diện tích 4 hécta, ngay giữa trung tâm huyện, gần các khu công nghiệp, thế nhưng người học lại mỗi năm một giảm. Trước năm 2012, mỗi năm trường đều tuyển được từ 230 - 300 học viên, nhưng  năm nay đến giờ này mới tuyển được 150 người. “Để tuyển được con số này, cán bộ của nhà trường đã phải đi nhiều nơi, gõ cửa nhiều nhà mời gọi học sinh cuối cấp. Tuy nhiên, con số 150 học viên này cũng chưa chắc ăn lắm, vì có thể nhiều em vào học được một thời gian sẽ lại bỏ ngang” - vị hiệu trưởng này nói. Do không tuyển đủ người học nên trong năm học này, nhà trường chỉ mở được 6/10 ngành mà Bộ GD-ĐT cho phép.

Ông Đoàn Công Hùng, Hiệu trưởng Trường trung cấp kỹ thuật công nghiệp Nhơn Trạch:

“Năm nay trường đã phải chi kinh phí rất lớn cho công tác tuyển sinh nhưng hiệu quả thì ngược  lại. Tuyển sinh không đủ sẽ dẫn đến nguồn thu chính để chi là học phí sẽ giảm, đời sống của giáo viên gặp rất nhiều khó khăn”.

Vài năm trở về trước, Trường trung cấp nghề Tri Thức (huyện Long Thành) là địa chỉ tin cậy của rất nhiều học sinh, đặc biệt là công nhân theo học các lớp buổi tối. Thế nhưng đến trường vào thời điểm này, thật khó để thấy bóng dáng học sinh. Bên trên tấm biển ghi “Trường trung cấp nghề Tri Thức” đã có thêm một tấm biển mới được trưng lên “Trường tiểu học Tri Thức”. Một nhân viên ở đây cho biết, trường đã ngưng tuyển sinh, chỉ chờ những học viên “chót” tuyển được của năm học trước tốt nghiệp là đóng cửa hệ dạy nghề để chuyển thành trường tiểu học. 

Nhiều trường nghề có uy tín và truyền thống về đào tạo, nay đã không thể tránh khỏi tình trạng “khai tử” ngành học. Tại Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, ngôi trường 110 năm tuổi, có khoa gốm vốn nổi tiếng nhưng đã 2 mùa tuyển sinh trở lại đây không có thí sinh nào “ngó ngàng” đăng ký học. Cực chẳng đã, nhà trường phải ghép khoa gốm với khoa điêu khắc thành khoa gốm - điêu khắc, nhưng cũng chỉ có 4 sinh viên theo  học và đều học ngành điêu khắc. Ông Đinh Công Lai, Trưởng khoa, buồn rầu cho biết: “Những năm trước, khoa gốm có tới 3 lớp với trên 100 sinh viên. Sinh viên học 3 năm, ra trường nhận bằng cử nhân mỹ thuật. Có những em mở gian hàng, xưởng gốm riêng nhưng đến giờ không có bất kỳ sinh viên nào theo học”.

Lớp trung cấp lập trình máy tính 13A, Trường cao đẳng nghề số 8 (phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa) bắt đầu khóa mới từ tháng 3-2013. Tuy nhiên, đến giờ lớp chỉ có 3 học viên. Theo khung chương trình học, các học viên ngành này sẽ học 33 môn, thời gian kết thúc là tháng 3-2016. Nguyễn Xuân Luận, một trong 3 học viên cho hay, phòng học thực hành của lớp có 28 máy vi tính cố định nhưng chỉ có vỏn vẹn 1 giáo viên dạy cho 3 học viên. “Hôm nào đến lớp cũng chỉ có 3 đứa học với nhau trong căn phòng rộng, thấy trống trải và  buồn” - Luận chia sẻ.

* Giảm dần sức cạnh tranh

Đại diện nhiều trường nghề cho biết, sức cạnh tranh của họ với các trường đại học có tuyển sinh cả hệ trung cấp và cao đẳng đang giảm đi một cách rõ rệt, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo đó, nhiều trường đại học trong tỉnh hiện được phép tuyển sinh cả hệ trung cấp lẫn cao đẳng, dẫn đến việc thí sinh đổ xô đến đăng ký học ở các trường đại học để  sau này dễ bề học liên thông. Sự “đổ bộ” ồ ạt của nhiều trường đại học ngoại tỉnh vào Đồng Nai, tổ chức đào tạo liên kết từ trung cấp đến đại học với số lượng hàng ngàn sinh viên mỗi năm cũng là nguyên nhân dẫn đến nguồn tuyển của các trường trung cấp và cao đẳng cạn kiệt dần.

Nở rộ liên kết đào tạo

 Báo cáo của Sở GD-ĐT về kết quả kiểm tra hoạt động liên kết đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm bồi dưỡng chính trị trong tỉnh cho thấy hoạt động này đang phát triển khá rầm rộ. Trong 44 đơn vị báo cáo thì có tới 38 đơn vị có hoạt động liên kết đào tạo ở các trình độ từ trung cấp đến đại học với trên 11 ngàn người học. Ngoài Trường đại học công nghệ Đồng Nai liên kết đào tạo sai quy định, còn có rất nhiều trường đại học ngoài tỉnh đang kiếm bộn tiền từ hoạt động liên kết đào tạo, trong đó có những đơn vị tổ chức liên kết đào tạo “chui” do không được Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh cho phép.

Thời điểm sau ngày 31-10 hàng năm được các trường nghề  kỳ vọng sẽ nhận được nhiều hồ sơ đăng ký học của thí sinh khi các trường đại học buộc phải ngưng tuyển sinh. Tuy nhiên, theo đại diện nhiều trường nghề, tình hình sẽ khó cải thiện, bởi không ít trường đại học không nhận hồ sơ xét tuyển đại học nhưng lại bắt đầu thông báo tuyển sinh hệ trung cấp hoặc cao đẳng. Ông Ngô Bá Bang, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ (huyện Vĩnh Cửu), cho biết đến thời điểm này, nhiều ngành của trường vẫn phải tiếp tục chờ thí sinh, mặc dù công tác tuyển sinh năm nay đã được tăng cường đầu tư hơn những năm trước rất nhiều.

Học sinh ngày càng ít mặn mà với việc chọn học tại các trường nghề, thay vào đó là chọn các trường đại học. Nguyễn Thế Hoàng, học viên hệ trung cấp của Trường đại học Đồng Nai, cho biết đã tìm hiểu rất kỹ sau đó mới quyết định chọn trường, vì học trung cấp ở trường đại học có cơ sở vật chất tốt hơn nhiều so với các trường trung cấp hoặc cao đẳng.

Mục tiêu của Đồng Nai đến năm 2015 sẽ có khoảng 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Tuy nhiên, mục tiêu đó còn quá xa vời bởi tâm lý phụ huynh, học sinh muốn học đại học chứ không muốn học nghề.

Hiện nay, do quy chế của Bộ GD-ĐT cho phép các trường đại học được tuyển cả hệ trung cấp lẫn cao đẳng nên một số trường đại học tuyển được số sinh viên hệ trung cấp và cao đẳng còn nhiều hơn cả sinh viên hệ đại học. Cán bộ tuyển sinh của một trường đại học trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết, mang tiếng là trường đại học nhưng số thí sinh hệ trung cấp và cao đẳng mà trường tuyển được chiếm tới trên 60%. “Học sinh hệ trung cấp được xem là cứu cánh, giúp nhà trường có thể tạm tồn tại trong điều kiện hệ đại học hiện cũng rất khó tuyển sinh”  - cán bộ này nói.

Công Nghĩa - Hạnh Dung

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều