Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngoại ngữ nên là môn tự chọn

11:02, 16/02/2014

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo phương án đổi mới cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Theo đó, học sinh sẽ dự thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán, tự chọn 2 trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Môn ngoại ngữ là môn khuyến khích.

 

Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo phương án đổi mới cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Theo đó, học sinh sẽ dự thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán, tự chọn 2 trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Môn ngoại ngữ là môn khuyến khích.

Giờ ôn tập thi tốt nghiệp môn Toán của học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa).
Giờ ôn tập thi tốt nghiệp môn Toán của học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa).

Học sinh có thể đăng ký thi môn ngoại ngữ (đề thi theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Bài thi được 9 điểm trở lên được cộng 2 điểm; từ 7 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm và được cộng 1 điểm nếu đạt 5 điểm trở lên.

* Còn băn khoăn

Hiệu trưởng Trường THPT Nam Hà (TP. Biên Hòa) Lê Thị Thu Hà rất tán thành việc thi tốt nghiệp 4 môn, bởi sẽ giảm được áp lực cho cả học sinh và giáo viên, khích lệ dạy, học theo phương pháp mới sáng tạo, hiệu quả. Cô Hà cho rằng nên để môn ngoại ngữ là môn tự chọn chứ không phải môn khuyến khích, bởi  ngoại ngữ là kỹ năng, phương tiện để giao tiếp trong thời đại mới, đưa môn ngoại ngữ thành môn tự chọn sẽ kích thích tinh thần học tập ngoại ngữ của học sinh, có lợi về nhiều mặt.

Tại hội thảo về công tác đổi mới thi cử mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào các ngày 2, 3, 4 tháng 6. Đề thi sẽ có điều chỉnh theo hướng tăng cường câu hỏi mở đối với các môn tự luận nhằm khắc phục tình trạng học lệch, học tủ. Đồng thời, phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết vấn đề. Muộn nhất là đầu tháng 3, Bộ GD-ĐT sẽ công bố quy chế sửa đổi thi và xét tốt nghiệp THPT. Về con số 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp, Bộ đã xem xét kỹ và nhất trí với con số trên.

“Sẽ có rất nhiều học sinh trong trường chọn thi môn ngoại ngữ, khi đó sẽ là thi 5 môn chứ không phải 4 môn theo chủ trương của Bộ. Ngoại ngữ là môn tự chọn sẽ tạo được sự công bằng cho cả học sinh nông thôn và thành thị. Ở những nơi không có điều kiện học ngoại ngữ tốt, các em có thể chọn những môn khác, còn học sinh ở thành thị, các em sẽ chọn ngoại ngữ và 1 môn khác. Khi đó, tất cả học sinh sẽ cùng thi 4 môn, rất đồng đều, khoa học, tránh rườm rà trong kỳ thi” - cô Hà nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, Nhà giáo nhân dân Trần Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa), cho rằng: “Để môn Ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn sẽ tránh thiệt thòi cho học sinh ở tất cả các vùng, miền, trường chuyên hoặc không chuyên. Nếu Bộ để môn ngoại ngữ thành môn khuyến khích thì kỳ thi sẽ không được rút ngắn mà dễ gây cồng kềnh, lãng phí trong khâu tổ chức, bố trí thi cử”.

* Lo ngại trong khâu tổ chức thi

Thầy Phan Duy Khánh, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (huyện Cẩm Mỹ) lo ngại: “Là huyện vùng sâu, vùng xa, điều kiện học môn Anh văn của học sinh còn chưa tốt nhưng nếu cộng điểm khi thi ngoại ngữ đạt điểm cao thì 100% học sinh trong trường sẽ đăng ký thi. Điều này gây bị động cho những người tổ chức thi vì học sinh có thể đăng ký mà không thi, không có quy định nào bắt buộc học sinh khi đăng ký thi phải có mặt, nếu không sẽ bị trừ điểm nên các em có quyền vắng. Khi đó, việc bố trí phòng ốc, cơ sở vật chất, giám thị dễ gặp lúng túng”.

Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (huyện Cẩm Mỹ) Phan Duy Khánh cho rằng: “Phải đánh động vào ý thức của mỗi giáo viên ngay từ lớp 10, tránh tình trạng học sinh tìm mọi cách lo lót để con có được bảng điểm đẹp và được miễn thi tốt nghiệp. Nếu điều đó xảy ra, căn bệnh thành tích trong giáo dục khó mà trị dứt”.

Còn thầy Hoàng Quảng, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Tây Sơn (huyện Định Quán) nhận định, với điều kiện học ngoại ngữ hiện nay, huyện Định Quán chỉ có khoảng 20% học sinh chọn thi ngoại ngữ. Sẽ rất cực trong khâu tổ chức thi, vì trong phòng thi có nhiều môn khó khăn với giám thị và bộ phận kiểm tra. Nếu phân chia mỗi phòng 1 môn thi thì e rằng điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, phải tăng số lượng giám thị. Việc Bộ đề xuất 20% học sinh được miễn thi ít nhiều gây bối rối trong công tác quản lý và tâm lý của phụ huynh, nếu làm không nghiêm túc sẽ rất dễ xảy ra tiêu cực.

Hạnh Dung

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích