Báo Đồng Nai điện tử
En

Đắn đo chất lượng nguồn nhân lực

11:03, 02/03/2014

Là tỉnh công nghiệp thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, thế nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực tại Đồng Nai vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DN.

Là tỉnh công nghiệp thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, thế nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực tại Đồng Nai vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DN.

Nhiều doanh nghiệp đã thu hút số lượng rất đông người tìm việc đến tìm hiểu cơ hội việc làm.
Nhiều doanh nghiệp đã thu hút số lượng rất đông người tìm việc đến tìm hiểu cơ hội việc làm.

Thống kê tại 3 phiên giao dịch việc làm gần đây nhất do Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức, xu hướng tuyển dụng lao động phổ thông vẫn luôn chiếm tỷ lệ cao (55-60%), trong khi đó lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học có tỷ lệ thấp nhất, chỉ khoảng 10%. Tuy nhiên, điều khiến DN đắn đo vẫn là chất lượng nguồn nhân lực.

* Khó tìm lao động có tay nghề

Bà Phạm Lê Lài, phụ trách tuyển dụng và đào tạo Công ty TNHH một thành viên dây và cáp Sacom (Khu công nghiệp Long Thành), cho hay hiện công ty cần tuyển 30 công nhân sản xuất và 8 vị trí đòi hỏi có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, theo bà Lài việc tuyển dụng lao động phổ thông không quá lo ngại, nhưng tuyển được lao động trình độ cao, đạt chuẩn lại không dễ, nếu có chắc chắn công ty cũng phải mất nhiều thời gian, chi phí để đào tạo, đặc biệt với các công việc như: kế toán, chế tạo máy, cơ điện…

Lao động tại Đồng Nai đang đứng trước nhiều cơ hội nâng cao thu nhập, đặc biệt khi Việt Nam chính thức tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), hàng hóa sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng cao, DN sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, đòi hỏi trình độ của người lao động cũng phải nâng cao.

Theo nhiều DN tham gia tại sàn giao dịch việc làm, có một thực tế là lao động có trình độ từ cao đẳng đến đại học hiện nay vẫn còn yếu chuyên môn, ít kinh nghiệm thực tế, kỹ năng, đặc biệt kỹ năng ngoại ngữ vẫn bị nhiều DN phàn nàn. Bà Đinh Thị Tuyết Dung, cán bộ phòng nhân sự Công ty Canpac (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho hay, máy móc và công nghệ của công ty chủ yếu là nhập khẩu, để sử dụng và vận hành được đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ nhất định, vì thế kỹ năng ngoại ngữ của ứng viên thường quyết định 30-40% cơ hội trúng tuyển và mức thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Năng, phụ trách tuyển dụng của Công ty cổ phần cửa sổ nhựa châu Âu Eurowindow (chi nhánh tại Bình Dương), cho biết sau khi được tuyển dụng lao động công ty đều phải đào tạo mới, đào tạo lại. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, cần một quá trình tỉ mỉ tuyển dụng và tự đào tạo bài bản mà không được chạy theo số lượng. “Yếu tố chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực quản trị, kỹ thuật rất quan trọng, được công ty quan tâm giải quyết đầu tiên khi có chiến lược mở rộng thị phần” - ông Năng nói thêm.

* Lao động mất lợi thế

Đại diện các DN cũng cho biết, nhiều lao động khi ngồi vào bàn tuyển dụng, “đối diện” với người làm công tác tuyển dụng thường không đủ tự tin để đưa ra đề xuất về mức lương mình cần, mà thường trao quyền tự quyết định về mức thu nhập của người lao động cho DN, đơn giản chỉ vì người lao động thiếu vốn sống thực tế. Có không ít trường hợp người xin việc vì sợ rớt khi phỏng vấn tuyển dụng nên đã bị DN áp đặt mức thu nhập, dẫn đến thiệt thòi trong suốt quá trình làm việc.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, cán bộ Phòng tổng hợp Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai:

Năm 2014, công ty cần tới 2.600 lao động phổ thông. Công nhân có tay nghề thu nhập đảm bảo sẽ được cao hơn, còn những người chưa biết gì về ngành may thì công ty phải đào tạo từ đầu.

Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Huỳnh Ngọc Long cho rằng, nhu cầu lao động có trình độ cao hiện nay tại các sàn giao dịch việc làm chưa phản ánh đúng thực tế nhu cầu nguồn nhân lực của DN. Trong thực tế, nhiều DN tại Đồng Nai đã phải đến TP.Hồ Chí Minh để “săn đầu người”, và không ngại đưa mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng để thu hút nhân lực bậc cao. Vì thế, để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, các trường đào tạo và cả người lao động cần chú trọng hơn nữa đến việc rèn luyện chuyên môn và các kỹ năng mềm.

Công Nghĩa

 

 

Tin xem nhiều