Báo Đồng Nai điện tử
En

Lập nghiệp bằng con đường ngắn

09:06, 17/06/2014

Không tốn thời gian và tiền bạc để có tấm bằng đại học, nhiều học sinh hệ trung cấp nghề hoặc hệ nghề ngắn hạn vẫn dễ dàng tìm được việc làm ổn định với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Không tốn thời gian và tiền bạc để có tấm bằng đại học, nhiều học sinh hệ trung cấp nghề hoặc hệ nghề ngắn hạn vẫn dễ dàng tìm được việc làm ổn định với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Theo TS. Ngô Bá Bang, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ (huyện Vĩnh Cửu), trong khi nhiều người tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm, hoặc phải làm trái ngành, thì không ít học sinh nghề cơ khí của trường lại có việc làm từ khi chưa tốt nghiệp.

* Tự tin ở tay nghề

TS.Bang cho biết, đầu năm 2013 trường gửi 30 học sinh lớp nghề cơ khí chất lượng cao đến một công ty sản xuất xi măng của Thụy Sĩ tại tỉnh Tây Ninh để thực tập. Trong thời gian thực tập, các em được hỗ trợ gần 3 triệu đồng/tháng. Khi kết thúc thực tập, có 10 em được công ty mời ở lại làm việc ngay với mức lương khởi điểm là 5 triệu đồng/tháng. Một công ty khác của Đức tại Khu công nghiệp Long Thành tìm đến trường tuyển nhân viên nghề cơ khí, nhưng trường chưa đào tạo kịp nên công ty này chấp nhận chờ để tuyển. TS.Bang cho biết thêm, những sinh viên lớp nghề cơ khí chất lượng cao ra trường đều có việc làm tốt vì họ có nhu cầu học nghề thực sự, lại được các chuyên gia cơ khí Thụy Sĩ trực tiếp đào tạo nên ra trường làm được việc ngay.

Học sinh hệ trung cấp nghề nhưng được học với chuyên gia nước ngoài tại Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ.
Học sinh hệ trung cấp nghề nhưng được học với chuyên gia nước ngoài tại Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ.

Để có tấm bằng đại học, sinh viên cần ít nhất 4 năm, học phí đại học mỗi tháng thường gấp 3, thậm chí gấp 5 lần so với học phí trung cấp. Cựu học sinh lớp trung cấp nghề điện lạnh (khóa 2007-2008) của Trường cao đẳng nghề Đồng Nai Nguyễn Thành Trung cho biết, cuối năm 2008 anh tốt nghiệp ra trường, sau đó đi làm thuê hơn 2 năm cho một cơ sở sửa chữa và bảo trì máy lạnh. Năm 2011, sau khi có đủ kinh nghiệm và vốn, anh thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Ái Quốc (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) mở cơ sở sửa chữa và bảo trì máy lạnh. Cơ sở của anh Trung thường có 4 nhân viên làm không hết việc, nhất là vào mùa nắng nóng, nhu cầu sửa chữa và bảo trì máy lạnh rất lớn.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tú Anh, cựu học viên lớp nấu ăn của Công ty dạy nghề ẩm thực và thẩm mỹ Rosa (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), chia sẻ năm 2010 chị học 3 tháng nghề nấu ăn căn bản, sau đó mất thêm hơn 1 năm đi làm phụ bếp cho một số nhà hàng, cơ sở nấu ăn. Sau đó, chị còn đi học nấu ăn nâng cao tại TP.Hồ Chí Minh nên đến nay tay nghề khá vững. Chị Tú Anh nói: “Trước đây, do không có điều kiện học đại học nên tôi chỉ học nghề ngắn hạn. Đến nay, tôi rất hài lòng với công việc mình đã chọn, bởi nghề nấu ăn cũng phải học hỏi, rèn luyện rất chăm chỉ, sáng tạo không ngừng mới có thể làm hài lòng được thực khách”. 

* Vượt qua rào cản

Anh Mai Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất), cho biết anh từng suy nghĩ rất nhiều mới quyết định không lập nghiệp bằng con đường vào đại học như nhiều bạn bè khác. Nghề mà anh Hùng chọn để học thường chỉ dành cho phụ nữ, đó là nghề nấu ăn. Sau khi học nghề, anh nhận nấu tiệc cho các đám cưới, đám tiệc, sinh nhật. Nhìn những món ăn ngon được thực hiện từ đôi bàn tay khéo léo của anh Hùng mới thấy được rằng nếu thực sự yêu nghề thì thanh niên nào cũng có thể thành công mà không nhất thiết phải có trình độ đại học.

TS. Ngô Bá Bang: “Học nghề không có nghĩa là hết cơ hội học đại học, đặc biệt với những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Học nghề tốt sẽ có được việc làm thu nhập khá, là cơ sở bước đầu để có thể tiếp tục học liên thông lên các trình độ cao hơn là cao đẳng và đại học”.

Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội) Huỳnh Ngọc Long cho biết, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đối với công nhân kỹ thuật có trình độ trung cấp chiếm từ 30-40% tổng nhu cầu tuyển dụng, còn nhu cầu tuyển lao động có trình độ đại học lại rất ít, chưa đầy 10%.

Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” lâu nay ai cũng biết, nhưng chưa nhiều người muốn làm thợ để lấp chỗ thiếu đó. Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng cho rằng, có nhiều lý do khiến thanh niên ngại học nghề mà chỉ chạy theo con đường đại học. Trong khi doanh nghiệp thiếu những lao động  có tay nghề vững, thì  thực tế chưa nhiều trường đào tạo nghề đáp ứng được về chất lượng. Lỗi về chất lượng đào tạo nghề không hẳn thuộc về nơi đào tạo, mà thực tế nhiều người học nghề còn rất thụ động. Ông Cộng đưa ra lời khuyên, người học cần nhận thức sâu sắc thực tế rằng, doanh nghiệp hiện nay không còn quá coi trọng tấm bằng đại học, quan trọng hơn cả là những gì người lao động có thể làm được để mang lại lợi nhuận.

Công Nghĩa

 

 

 

Tin xem nhiều