Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôn vinh hiền tài

07:03, 19/03/2015

Công trình Văn miếu Trấn Biên được phục dựng nhằm tiếp nối mạch nguồn về văn hóa của vùng đất phương Nam nhằm tôn vinh những giá trị về văn hóa, giáo dục của cả dân tộc nói chung và vùng đất Đồng Nai nói riêng, trong đó giá trị cốt lõi nhất là tôn vinh giá trị của sự học.

 

Công trình Văn miếu Trấn Biên được phục dựng nhằm tiếp nối mạch nguồn về văn hóa của vùng đất phương Nam nhằm tôn vinh những giá trị về văn hóa, giáo dục của cả dân tộc nói chung và vùng đất Đồng Nai nói riêng, trong đó giá trị cốt lõi nhất là tôn vinh giá trị của sự học.

Lễ tôn vinh 7 trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu tại Văn miếu Trấn Biên năm 2014.
Lễ tôn vinh 7 trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu tại Văn miếu Trấn Biên năm 2014.

Để những giá trị đó thêm phần ý nghĩa, nhiều năm qua thông qua các buổi lễ dâng hương, báo công, trao thưởng... tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức tôn vinh các nhà giáo, thầy thuốc, nhà khoa học, nghệ sĩ, học sinh, sinh viên... đạt những thành tích cao trong các cuộc thi, giải thưởng quốc tế, quốc gia, cấp tỉnh tại Văn miếu Trấn Biên.

* Đề cao sự học

Ngay từ khi được thành lập, Văn miếu Trấn Biên đã thờ Khổng Tử. Đây cũng là văn miếu đầu tiên của vùng đất Nam bộ có ý nghĩa là văn miếu của cả một cộng đồng rộng lớn, ghi ơn những bậc tiền nhân, những danh nhân mang tầm vóc lớn như Khổng Tử, Chu Văn An, Nguyễn Trãi. Đặc biệt, việc thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà Bái đường không chỉ bởi Người là lãnh tụ của dân tộc, một nhà cách mạng lỗi lạc, mà còn bởi Người là người khai sáng văn hóa thời đại Hồ Chí Minh.

Sẽ đề danh những người có nhiều đóng góp

Trong năm 2015, Hội đồng tư vấn nội dung của Văn miếu Trấn Biên sẽ họp, thảo luận và hoàn thành bộ quy chuẩn đề danh để trình UBND tỉnh phê duyệt. Bộ quy chuẩn này sẽ quy định những đối tượng nào được đề danh, ghi danh hay tôn vinh tại Văn miếu Trấn Biên. Đó sẽ là những người có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, để ghi danh những thầy thuốc, nhà giáo, các nhà khoa học... có nhiều đóng góp lớn cho tỉnh nhà, văn miếu đang có ý tưởng sẽ biên soạn sách ghi lại tiểu sử, quá trình hoạt động cũng như những thành tích, công lao mà họ đã làm được nhằm lưu giữ và truyền lại cho con cháu mai sau biết, hiểu và học tập, làm theo.

“Việc tổ chức tôn vinh các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên tại Văn miếu Trấn Biên có ý nghĩa văn hóa, giáo dục lớn. Bởi đây là dịp để xã hội ghi nhận những công lao, đóng góp của họ trong việc làm rạng danh cho xứ sở, quê hương. Đồng thời là dịp để họ soi rọi lại chính mình với những bậc tiền nhân đi trước, để phấn đấu, học tập, rèn luyện, tu dưỡng tốt hơn” - ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, chia sẻ.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, đã có hơn 40 lượt các sở, ban, ngành, đơn vị với hơn 8 ngàn lượt người đến Văn miếu Trấn Biên dâng hương, báo công. Đặc biệt, vào mùng 3 tết hàng năm, UBND TP.Biên Hòa phối hợp với Sở GD-ĐT và Văn miếu Trấn Biên long trọng tổ chức lễ Tết Thầy, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn tốt đẹp ngàn đời của dân tộc. Tại buổi lễ, học sinh trao tặng những lẵng hoa tươi thắm tri ân những người đã, đang dày công dạy dỗ mình.

* Kết nối cộng đồng

Là một trong 7 trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2014 được tôn vinh, tham gia dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên, PGS. TS Huỳnh Văn Hoàng (TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Được UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ tôn vinh tại Văn miếu Trấn Biên khiến tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Tôi đã thăm nhiều văn miếu trên cả nước, mỗi nơi có một đặc trưng và ý nghĩa riêng. Văn miếu Trấn Biên để lại trong tôi ấn tượng về kiến trúc, cảnh quan đẹp, nhân viên thân thiện và mến khách”.

Với giảng viên Trần Văn Thành (khoa cơ điện - điện tử, Trường đại học Lạc Hồng), kỷ niệm được tham gia lễ dâng hương, báo công tại văn miếu trong dịp tuyên dương thanh niên tiên tiến miền Đông Nam bộ sẽ còn đọng mãi. Anh cho biết: “Tôi mong muốn sẽ thực hiện thành công nhiều công trình, dự án khoa học - kỹ thuật hơn nữa để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nhà. Những danh nhân, các bậc hiền tài được thờ phụng trong văn miếu chính là gương sáng để tôi noi theo”.

Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Quang Huy, để thực sự trở thành biểu trưng về giá trị văn hóa, tinh thần của cả vùng đất Đồng Nai, Văn miếu Trấn Biên cần được chăm chút từ những việc nhỏ, từng công trình, thiết kế sao cho có ý nghĩa thực sự về văn hóa. Điều đó đòi hỏi những con người làm việc ở đây phải có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, phải có tâm, cư xử đúng mực nhằm để lại những ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Về lâu dài, văn miếu phải đóng vai trò là trung tâm văn hóa, có những hoạt động mang tính đặc thù, dấu ấn riêng.

Em Lê Đình Hào, lớp 11A1 Trường THPT Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch), chia sẻ: “Đến với văn miếu, chúng em học được nhiều kiến thức lịch sử bổ ích về các danh nhân văn hóa, biết được quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Đồng Nai và biết được người sáng lập ra vùng đất này”.

Để tạo sự kết nối sâu rộng trong cộng đồng, năm qua ngoài việc tổ chức tuyên dương, báo công đối với các phong trào thanh niên tình nguyện; thiếu nhi Đồng Nai làm ngàn việc tốt; đội tuyển Robocon Trường đại học Lạc Hồng đoạt cúp vô địch cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương; khen thưởng đội tuyển bóng đá U.21 Đồng Nai; khen thưởng cháu ngoan Bác Hồ, dân vận khéo, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh..., Văn miếu Trấn Biên đã kết nối với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, với những sinh viên tốt nghiệp đoạt loại xuất sắc trở lên được cấp bằng, chụp ảnh lưu niệm tại Văn miếu Trấn Biên. Các học viên của lớp cao cấp chính trị của Trường Chính trị tỉnh sau khi hoàn thành khóa học đã báo cáo kết quả học tập, tuyên thệ với Bác Hồ về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, hoàn thành tốt hơn công việc của mình sau khi về lại cơ quan, đơn vị...

Hạnh Dung

 

 

 

 

Tin xem nhiều