Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ những rào cản

11:05, 10/05/2015

Chỉ mấy năm trở lại đây, hệ thống y tế ngoài công lập phát triển khá mạnh mẽ. Theo Bộ Y tế, tính đến năm 2014, cả nước có 170 bệnh viện tư nhân với tổng vốn đầu tư khoảng trên 300 ngàn tỷ đồng. Hầu hết các bệnh viện này đều được đầu tư với cơ sở vật chất tốt, trang thiết bị y tế hiện đại…

Chỉ mấy năm trở lại đây, hệ thống y tế ngoài công lập phát triển khá mạnh mẽ. Theo Bộ Y tế, tính đến năm 2014, cả nước có 170 bệnh viện tư nhân với tổng vốn đầu tư khoảng trên 300 ngàn tỷ đồng. Hầu hết các bệnh viện này đều được đầu tư với cơ sở vật chất tốt, trang thiết bị y tế hiện đại… Tuy nhiên, cũng theo Bộ Y tế, hiện tỷ lệ bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tư chỉ chiếm chưa đến 10% tổng số bệnh nhân đến điều trị nội, ngoại trú hàng năm của cả nước.

Tình trạng các bệnh viện tư thiếu bệnh nhân, sử dụng không hết công suất các trang thiết bị y tế được đầu tư tiền tỷ đang trái ngược với tình trạng quá tải, chen chúc ở các bệnh viện công lập. Ngay ở 5 bệnh viện tư nhân tại Đồng Nai, hiện công suất giường bệnh cũng chỉ đạt cao lắm khoảng 50-60%. Không ít bác sĩ giỏi được mời gọi về các bệnh viện này đang lần lượt bỏ việc để đi tìm một môi trường làm việc mới tốt hơn. Thậm chí, không ít cơ sở y tế tư nhân đang duy trì hoạt động chủ yếu từ dịch vụ khám sức khỏe cho công nhân tại các doanh nghiệp... Vì sao lại xảy ra nghịch lý này?

Thực sự người bệnh vẫn chưa tin tưởng khi đến khám và điều trị ở các bệnh viện ngoài công lập. Tâm lý bệnh nhân vẫn là mong muốn được chăm sóc ở một cơ sở y tế nhà nước, có đội ngũ y bác sĩ “quen mặt, biết tên” dù phải chịu nằm ghép, chật chội. Bên cạnh đó, giá cả dịch vụ cũng là rào cản đối với không ít bệnh nhân. Đó là chưa kể việc hệ thống y tế ngoài công lập chưa xây dựng được đội ngũ y bác sĩ ổn định và giỏi chuyên môn.

Giám đốc một bệnh viện tư nhân ở Đồng Nai từng than thở rằng, nếu không có một cơ chế linh hoạt hơn cho loại hình này, các bệnh viện tư sẽ rất khó hoạt động hiệu quả. Bởi với vốn đầu tư lớn, bệnh viện tư không còn cách nào khác là phải thu các khoản phí dịch vụ nhỉnh hơn so với bệnh viện công. Tuy nhiên, do tâm lý chưa tin tưởng của người dân, không ít loại dịch vụ vẫn chưa khai thác hết được công suất và  các bệnh viện tư đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với các bệnh viện công lập. Theo vị giám đốc này, cần một cơ chế phối hợp công - tư minh bạch. Theo đó, các bệnh viện tư nhân sẽ trở thành bệnh viện “vệ tinh” cho các bệnh viện công lập nhằm chia sẻ gánh nặng quá tải và để người bệnh được chăm sóc tốt hơn. Liên kết trong lắp đặt máy móc, luân chuyển cán bộ y tế… cũng phải được tính toán tới.

Tuy nhiên, rất khó để thực hiện chủ trương này, bởi hiện nay hầu hết các bệnh viện công lập đều triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh dịch vụ ngay tại bệnh viện. Việc liên doanh, liên kết, phân chia lợi nhuận với bệnh viện tư nhân sẽ như thế nào? Đó là một bài toán khó mà không phải đơn vị y tế công lập nào cũng muốn thực hiện.

Kêu gọi xã hội hóa trong y tế là một chủ trương lớn. Thế nhưng khi không ít doanh nghiệp, người dân ủng hộ chủ trương này, hình thành được một hệ thống y tế tư nhân với các bệnh viện khang trang, hiện đại thì lại gặp các rào cản về cơ chế, chính sách… Đây là những khó khăn rất cần được tháo gỡ để tạo được sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều