Báo Đồng Nai điện tử
En

Sốt xuất huyết tăng cao

08:07, 13/07/2015

Đồng Nai hiện là một trong 3 tỉnh, thành phía Nam có số ca sốt xuất huyết (SXH) tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2015. Điều đáng nói, địa phương có số ca SXH cao không phải vùng sâu, vùng xa mà nằm ngay TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom - nơi có mật độ đô thị hóa cao.

Đồng Nai hiện là một trong 3 tỉnh, thành phía Nam có số ca sốt xuất huyết (SXH) tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2015. Điều đáng nói, địa phương có số ca SXH cao không phải vùng sâu, vùng xa mà nằm ngay TP.Biên Hòa và huyện Trảng Bom - nơi có mật độ đô thị hóa cao.

Số ca bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang tăng cao.  Trong ảnh: Bác sĩ khoa nhiễm khám bệnh cho một bệnh nhân sốt xuất huyết.
Số ca bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang tăng cao. Trong ảnh: Bác sĩ khoa nhiễm khám bệnh cho một bệnh nhân sốt xuất huyết.

Mới đây, chị Ngô Thị Búp và Nguyễn Thị Loan ngụ tại tổ 4, KP.3, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cùng phải nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để điều trị SXH. Cách đó không lâu, 2 người con của 2 chị cũng bị SXH.

* Chủ quan với sốt xuất huyết

Chị Nguyễn Thị Loan cho biết: “Khi con bị SXH, tôi nghĩ cháu đi đâu bị muỗi cắn chứ nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ, không có lu chứa nước, không để dụng cụ nào đọng nước trong nhà thì làm gì có muỗi gây SXH”. Chỉ đến khi chị cũng bị SXH mới biết có nhiều người trong khu vực gần nhà cùng mắc căn bệnh này. Chị Loan cho rằng có thể do khu vực xung quanh nhà chị có nhiều khu nhà trọ cũ, xuống cấp, ẩm ướt, nhà vệ sinh công cộng rất dơ bẩn là môi trường cho muỗi sinh sôi, nảy nở. 

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, khuyến cáo khi trẻ bị sốt cao liên tục từ 3 ngày trở đi, phụ huynh phải đưa trẻ đi xét nghiệm máu để xác định bệnh SXH. Bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú tại nhà, tuy nhiên nếu trẻ có biểu hiện sốc thì phải nhập viện để điều trị. Biểu hiện sốc là đang sốt cao liên tục tự dưng giảm nhưng bé lừ đừ, mệt mỏi kèm chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất hiện chấm đỏ dưới da; đau bụng vùng hạ sườn phải; da đổi màu thâm, tím, tay chân lạnh. Vì nếu trẻ bị sốc sâu sẽ gây tổn thương gan, thận và não nên điều trị khó, rất dễ tử vong.

Hiện nay, số ca SXH nhập viện điều trị tại một số bệnh viện tuyến tỉnh đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều nhất là tại khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, từ đầu tháng 7 đến nay, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10 ca SXH, nâng tổng số bệnh nhân điều trị SXH lên 30/40 giường bệnh trong khoa. Đã xuất hiện một số ca nặng với những biểu hiện, như: sốt, xuất huyết dưới da, nôn ói, vật vã, chảy máu răng, chảy máu tiêu hóa.

Tương tự, tại khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai ngày nào cũng có khoảng 25 bệnh nhân điều trị nội trú do SXH. Hiện có 6 bệnh nhi bị SXH nặng phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực - chống độc. Nguyên nhân do gia đình chủ quan với bệnh SXH nên đưa các cháu đến điều trị trễ.

* Phải dập dịch ngay khi có người bệnh  

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trong chuyến đi thực tế giám sát tình hình phòng, chống bệnh SXH tại Đồng Nai vào đầu tháng 7 vừa qua, đã nhận xét mặc dù ngành y tế tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch nhưng công tác phòng, chống dịch vẫn còn những hạn chế do việc phối hợp với một số địa phương còn chưa tốt, nên chưa tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu và thật sự cùng tham gia. Việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ thực hiện vào ban ngày, trong khi trên địa bàn có nhiều khu nhà trọ công nhân không thực hiện được do đóng cửa đi làm. Đặc biệt, người dân vẫn còn lơ là, thờ ơ trong công tác phòng bệnh SXH, chưa coi đây là căn bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Đã có 2 người tử vong do sốt xuất huyết

Trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 1.544 ca SXH (trong đó có 2 ca tử vong), tăng 84% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, địa phương có số ca mắc SXH nhiều nhất là TP.Biên Hòa với 742 ca (tăng trên 500 ca so với cùng kỳ năm 2014). Toàn tỉnh đã xác định và xử lý được 237 ổ dịch. Đáng chú ý là có đến 50% số ca mắc bệnh SXH là người lớn.

 PGS.TS Trần Đắc Phu đã đề nghị ngành y tế tỉnh cần ưu tiên tập trung dập dịch tại những khu vực có nguy cơ cao hoặc khu vực xuất hiện ca bệnh; cần tổ chức quyết liệt cho đến khi dập dịch hết hoàn toàn. Ngành y tế phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các khu công nghiệp, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tham gia vào chiến dịch phòng, chống SXH, diệt loăng quăng. Mục tiêu của chiến dịch phải đạt được là thực sự vận động được nhân dân tham gia diệt loăng quăng; phun hóa chất đến nơi đến chốn và phải quan tâm tuyên truyền đến khu dân cư, các khu nhà trọ bình dân có điều kiện vệ sinh không đảm bảo...

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, từ nay đến cuối năm dự báo dịch SXH tiếp tục tăng cao. Do đó, trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung phòng, chống và ngăn ngừa dịch bùng phát tại các huyện có số ca mắc tăng; tổ chức các chiến dịch diệt loăng quăng; tăng cường phun hóa chất dập dịch trên diện rộng. Đồng thời sẽ giám sát tình hình ca bệnh, côn trùng tại các địa phương có nguy cơ mắc cao để có hoạt động ứng phó kịp thời.

Ngọc Thư

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều