Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ pháp lý cho nữ công nhân lao động

11:07, 25/07/2016

Bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ pháp lý, thời gian qua các cấp Công đoàn trong tỉnh đã giúp nữ công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp hiểu biết về pháp luật, biết tìm đến các địa chỉ tin cậy giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ pháp lý, thời gian qua các cấp Công đoàn trong tỉnh đã giúp nữ công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp hiểu biết về pháp luật, biết tìm đến các địa chỉ tin cậy giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Nhờ sự tư vấn nhiệt tình của một đồng nghiệp am hiểu về pháp luật, chị Phạm Thị Hồng Vân (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) đã hoàn thành các thủ tục kiện Công ty TNHH Framas Korea Vina (Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành) vì sa thải chị trong khi hợp đồng lao động vừa mới ký lại.

* Cung cấp kiến thức pháp luật

Vào làm việc tại Công ty TNHH Framas Korea Vina từ tháng 9-2014, sau một năm chị Phạm Thị Hồng Vân hết hợp đồng lao động và công ty đã làm thủ tục ký hợp đồng lao động lần thứ 2 đối với chị. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau nhân viên phòng nhân sự công ty xuống gặp chị đòi lấy lại hợp đồng. Thấy lạ khi trong số những người ký hợp đồng cùng thời điểm chỉ có chị bị đòi lấy lại hợp đồng nên chị Hồng Vân không đưa. Nghe một số công nhân làm chung nói rằng rất có thể chị là một trong số công nhân bị cắt giảm lao động, nên chị lên văn phòng công ty hỏi và được trả lời bằng một quyết định sa thải.

Đại diện Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động - thương binh và xã hội) phát tài liệu tuyên truyền Luật Bình đẳng giới cho công nhân tại Công ty cổ phần Đồng Phú Cường (huyện Định Quán).  Ảnh: N.SƠN
Đại diện Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động - thương binh và xã hội) phát tài liệu tuyên truyền Luật Bình đẳng giới cho công nhân tại Công ty cổ phần Đồng Phú Cường (huyện Định Quán). Ảnh: N.SƠN

Bị mất việc, bản thân lại là phụ nữ đơn thân nuôi con ăn học nên chị rất hoang mang. Năm nay đã 37 tuổi, với chị việc tìm kiếm được một công việc ổn định khá khó khăn, chị phải chạy đôn chạy đáo tìm việc làm thời vụ, làm thuê... Cách đây một tháng nghe người quen giới thiệu về nhóm công nhân nòng cốt, chị liên hệ và được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục kiện công ty vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trong khi người lao động vẫn đủ khả năng đáp ứng công việc. Đến nay, hồ sơ đã được hoàn tất và đang chờ thông tin phản hồi từ phía tòa án. Chị Vân rất mong tòa án sẽ trả lại công bằng cho chị, giúp 2 mẹ con chị vượt qua khó khăn.

Bên cạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý cho người lao động, các cấp Công đoàn, các ngành, các cấp còn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho người lao động.

Nhờ các buổi tuyên truyền pháp luật mà “bà bầu” Nguyễn Kim Thúy, làm việc Công ty cổ phần Đồng Phú Cường (huyện Định Quán) nắm rõ về các chế độ mà mình được hưởng trong thời kỳ mang thai. Theo đó, trong thời kỳ mang thai lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần (mỗi lần 1 ngày); lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng (nếu sinh đôi thì được nghỉ thêm 1 tháng tính từ con thứ 2 trở đi) và thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng; lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản; mức hưởng bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ sinh... Bên cạnh Luật Hôn nhân - gia đình, Luật Giao thông, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... thì gần đây nhất, chị Kim Thúy còn được biết đến Luật Bình đẳng giới và Nghị định 55 ngày 10-6-2009 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới. Chị Kim Thúy cho biết, Nghị định 55 có 5 chương, 29 điều nhưng chị lưu tâm nhất là điều 8 của nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, vì nó liên quan trực tiếp đến người lao động như chị.

* Tự thân vận động

Với vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nữ công nhân lao động, hàng năm Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các sở, ngành tổ chức hàng trăm lớp tập huấn truyền thông về các luật liên quan đến người lao động, chế độ chính sách cho nữ công nhân lao động cho khoảng 10 ngàn người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn, cho rằng các chính sách phải thực sự hướng về người lao động. Muốn vậy, không có cách nào khác bản thân người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động phải thường xuyên đối thoại trực tiếp với người lao động để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ và kịp thời giải quyết bức xúc của người lao động. Và một điều không kém phần quan trọng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho công nhân tại doanh nghiệp hoặc khu vực nhà trọ.

Bên cạnh đó, hoạt động tích cực của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người lao động. Tính từ năm 2005 - 2015, trung tâm đã tư vấn cho trên 161 ngàn lượt người lao động, trong đó nữ công nhân lao động chiếm trên 60%. Ngoài nhiệm vụ tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ Công đoàn, người lao động trong và ngoài công ty, Trung tâm tư vấn pháp luật lao động Công đoàn còn đảm nhận nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ người lao động (như: tham gia hòa giải tại tòa, bảo vệ người lao động tại tòa, làm đại diện ủy quyền của người lao động, tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công...). Nhất là từ khi có dự án “Tư vấn pháp luật lưu động cho công nhân nhập cư Đồng Nai”, trung tâm đã đào tạo được đội ngũ công nhân nòng cốt tham gia tư vấn, hỗ trợ pháp luật cho ‘’đồng nghiệp’’ với gần 700 người và hiện nay dự án kết thúc, còn khoảng 100 công nhân nòng cốt thay nhau duy trì điểm tư vấn một tháng/lần tại huyện có đông công nhân.

Bà Nguyễn Phước Mạnh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, nhận định mặc dù tuyên truyền, tư vấn pháp luật rất nhiều cuộc với số lượt công nhân lao động không ít, nhưng phải thừa nhận rằng hiện nay người lao động nói chung và nữ công nhân biết về pháp luật chưa sâu và khi gặp phải tình huống liên quan đến pháp luật thì không vận dụng được dẫn đến hiện tượng đình công...

Để có được mối quan hệ lao động hài hòa, theo bà Mạnh bản thân người lao động, trong đó có nữ công nhân lao động cần, tự trang bị cho mình kiến thức về pháp luật để có thể tự bảo vệ mình trước các vấn đề liên quan đến pháp luật, hoặc chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để được giải quyết.

Nga Sơn

 
 

Tin xem nhiều