Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp

10:04, 16/04/2017

Tinh thần khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động đã và đang giúp nhiều sinh viên thay đổi tư duy cũ, đó là từ học để đi xin việc làm sang học để khởi nghiệp cho chính bản thân...

Tinh thần khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động đã và đang giúp nhiều sinh viên thay đổi tư duy cũ, đó là từ học để đi xin việc làm sang học để khởi nghiệp cho chính bản thân và tạo ra thêm nhiều việc làm cho mọi người.

Sinh viên Khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng chuyển giao máy cắt nhôm tự động cho Công ty TNHH sản xuất toàn cầu Lixil (Việt Nam Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành). Ảnh: C.NGHĨA
Sinh viên Khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng chuyển giao máy cắt nhôm tự động cho Công ty TNHH sản xuất toàn cầu Lixil (Việt Nam Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành). Ảnh: C.NGHĨA

Tại Khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng nhiều năm nay đã hình thành nên các nhóm sinh viên với sự hướng dẫn của giảng viên chuyên đi tìm kiếm các hợp đồng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Các nhóm này hoạt động gần giống với mô hình doanh nghiệp cung cấp công nghệ cho doanh nghiệp.

* Khi sinh viên khởi nghiệp

Ông Phạm Việt Phương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, cho hay Đồng Nai đã và đang rất cần một đội ngũ doanh nhân trẻ, có hoài bão và khát vọng khởi nghiệp thành công đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh và của đất nước, nhất là khởi nghiệp ở những lĩnh vực mới gắn liền với sự phát triển của tỉnh. Sở Kế hoạch - đầu tư sẽ tiếp tục phát động các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng và thanh niên ở các địa phương. Với những dự án khởi nghiệp khả thi của sinh viên sẽ được Sở Kế hoạch - đầu tư xem xét hỗ trợ miễn phí thủ tục thành lập doanh nghiệp.

TS.Nguyễn Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng, cho biết các nhóm sinh viên của khoa đã nghiên cứu, chế tạo và chuyển giao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu được khá nhiều sản phẩm máy công cụ sản xuất tự động. Điển hình là: máy vận chuyển tự động vật liệu gia công giày thể thao tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), máy lắp ráp cuộn cảm tại Công ty TNHH Nec/Tokin Electronics Việt Nam (Khu công nghiệp Loteco), Công ty TNHH công nghiệp Plus Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2)…

Hiện nay nhóm sinh viên của Khoa Cơ điện - điện tử đang chuyển giao cho Công ty TNHH sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (Khu công nghiệp Long Đức, Long Thành) dây chuyền máy cắt thanh nhôm tự động 20 chiếc. Mỗi chiếc máy có giá 30 triệu đồng, giúp doanh nghiệp thay thế cắt thủ công, năng suất lao động tăng gấp 5 lần. Anh Nguyễn Văn Toản, Trưởng nhóm chuyển giao công nghệ máy cắt nhôm, cho biết: “Chúng tôi tự nghiên cứu và chế tạo công nghệ theo yêu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thấy khả thi đã ứng vốn để chúng tôi sản xuất. Mỗi chiếc máy sau khi trừ chi phí chúng tôi lãi khoảng 5 triệu đồng và càng sản xuất nhiều chi phí sản xuất càng thấp thì lãi sẽ lớn hơn”.

Trong khi đó, TS.Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị kinh tế - quốc tế Trường đại học Lạc Hồng, cho hay nội dung lẫn kiến thức khởi nghiệp đã được trường đưa vào giảng dạy giúp sinh viên tiếp cận nhiều hơn với những điển hình thành công thông qua các hội thảo, nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp. Khởi nghiệp thành công với mỗi sinh viên là việc làm không dễ dàng nhưng qua các hoạt động bồi dưỡng tinh thần khởi nghiệp sẽ làm cho các ý tưởng nghiệp dần hình thành. Những sinh viên năng động có thể phát triển thành những dự án khả thi ứng dụng vào cuộc sống.

* Cần sự hỗ trợ

Hiệu trưởng Trường đại học công nghệ Đồng Nai Phan Ngọc Sơn cho biết để trang bị kiến thức về khởi nghiệp, nhà trường đã và đang phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức các game show Chìa khóa thành công, các buổi đào tạo CEO trẻ cho sinh viên năm cuối, từ đó giúp các sinh viên dần hình thành các ý tưởng khởi nghiệp trong tương lai gần. Nhà trường cũng đang nghiên cứu để có thể tạo quỹ khởi nghiệp để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp quy mô nhỏ với các dự án được đánh giá là khả thi.

Chia sẻ về tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng: “Việc khởi nghiệp thành công ngay từ lần đầu với sinh viên là điều khó khăn nhưng không phải là không làm được. Đôi khi những thất bại trong khởi nghiệp lại chính là những bài học rất bổ ích để sinh viên tự “mổ xẻ” vì sao mình thất bại, nuôi dưỡng một ý tưởng khởi nghiệp chắc chắn hơn và cơ hội thành công nhiều hơn”. Ông Bình cũng cho rằng: “Những ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên ngay từ khi còn nhen nhóm trong các buổi học trên giảng đường đều rất cần sự lưu ý, khơi gợi từ giảng viên để sinh viên cảm thấy tự tin hơn với ý tưởng khởi nghiệp của mình”.

Còn ông Nguyễn Trường Sơn, Giảng viên cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đưa ra nhận định, những sinh viên được đào tạo bài bản và có tính năng động chính là một lực lượng rất quan trọng để có thể hưởng ứng tinh thần khởi nghiệp mà Chính phủ đã và đang phát động. Các trường đại học hay các tổ chức hiệp hội cần thành lập các quỹ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Các tổ chức quỹ đó có thể gắn với các trường, cũng có thể gắn với hiệp hội doanh nghiệp. Trước khi cấp vốn cho các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên cần được thẩm định, đánh giá khả năng thành công và mức độ rủi ro để việc khởi nghiệp được dễ dàng hơn.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều