Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lao động cần làm chủ công nghệ

08:04, 30/04/2018

Sự phát triển mạnh mẽ của máy móc tự động hóa trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dần thay thế và "cướp" việc làm của rất nhiều người lao động.

Sự phát triển mạnh mẽ của máy móc tự động hóa trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dần thay thế và “cướp” việc làm của rất nhiều người lao động.

Công nhân lao động Công ty TNHH Namyang Sông Mây (huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: H.DUNG
Công nhân lao động Công ty TNHH Namyang Sông Mây (huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: H.DUNG

Nếu không muốn bị đào thải và tạo gánh nặng cho an sinh xã hội, bản thân người lao động cần chủ động nâng cao trình độ, tay nghề, ngoại ngữ… sớm nhất có thể.

* Nguy cơ mất việc làm

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 86% số người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao do tự động hóa. Những nghề có khả năng bị robot thay thế là: công nhân nhà máy, nhân viên thu ngân, lái xe taxi, nhân viên chăm sóc khách hàng, phi công.

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng cho biết: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với thị trường lao động nước ta. Do đó, việc cần làm ngay là bản thân người lao động phải nhận thức được tác động của làn sóng này đến công ăn việc làm của chính mình. Từ đó, có kế hoạch học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm định hướng những ngành nghề mà thị trường lao động cần trong thời gian tới để có kế hoạch đào tạo phù hợp”.

Trong khi đó, thông tin từ VietnamWorks - một trong những công ty tuyển dụng lớn nhất tại Việt Nam, nhu cầu nhân sự ngành công nghệ thông tin tại nước ta đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Ước tính, có khoảng 80 ngàn sinh viên ngành này bước vào thị trường lao động trong năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu. Cùng với đó, các ngành điện - điện tử, cơ khí, tự động hóa... cũng đang thiếu hụt nguồn nhân lực.

PGS-TS.Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng tình trạng nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách để thải loại lao động lớn tuổi thời gian qua xuất phát từ sự bất cập trong thang bảng lương. Nhiều doanh nghiệp lý giải rằng tiền lương của lao động phổ thông ngày một tăng nhưng hiệu quả sản xuất lại không tăng. Đa số lao động phổ thông lớn tuổi có sức ỳ, hạn chế khả năng tiếp thu công nghệ, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. “Chính vì vậy, khi các doanh nghiệp ứng dụng các dây chuyền hiện đại vào sản xuất, đối tượng lao động chân tay, không có trình độ, trình độ bậc trung sẽ có nguy cơ mất việc trước tiên. Lúc đó, ưu thế về lao động phổ thông giá rẻ không còn là thế mạnh của thị trường lao động Việt Nam” - PGS-TS.Thọ nhấn mạnh.

Tại Đồng Nai, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư, áp dụng các dây chuyền sản xuất với hệ thống tự động hóa hoàn toàn. Đặc biệt là những doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử yêu cầu độ chính xác cao. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, da giày cũng đặt hàng, sử dụng nhiều loại máy móc tự động làm công việc vận chuyển hàng hóa trong các xưởng và nhà máy. Máy móc đã thay thế rất nhiều lao động phổ thông và đem lại hiệu quả, năng suất cao hơn.

Một lớp học buổi tối của công nhân lao động tại Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi.
Một lớp học buổi tối của công nhân lao động tại Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi.

Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), cho biết trong thời gian tới, một số xưởng sản xuất của công ty sẽ có sự thay đổi về công nghệ khi chuyển qua dây chuyền tự động hóa. Ở những xưởng này, nếu người lao động nghỉ việc sẽ không tuyển bổ sung vì khi đó đã có máy móc thay thế.

* Phải nâng cao trình độ, tay nghề

Trong chuyến làm việc ở Đồng Nai cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp, Công đoàn các công ty tạo điều kiện để người lao động được học tập, nâng cao trình độ tay nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Học sinh tìm hiểu, tham quan gian hàng các khoa, ngành của Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 trong ngày hội hướng nghiệp do nhà trường tổ chức.
Học sinh tìm hiểu, tham quan gian hàng các khoa, ngành của Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 trong ngày hội hướng nghiệp do nhà trường tổ chức.

Kết quả, một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) đã có thêm những khoản phụ cấp đối với những công nhân vừa làm vừa học. Nhiều công nhân như: Huỳnh Thị Huyền, Nguyễn Thanh Hương, Nguyễn Thị Yến Linh, Võ Thị Mỹ Tiên đang ra sức học tập để nâng cao trình độ, ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Công nhân Huỳnh Thị Huyền bộc bạch: “Nếu không học sẽ không có kiến thức, từ đó chịu thua thiệt rất nhiều trong khi xã hội ngày càng phát triển. Tôi sẽ cố gắng học tập để có thể tìm được một công việc khác đỡ vất vả hơn, thu nhập cao hơn là công nhân phổ thông”.

Với các đơn đặt hàng đào tạo lao động kỹ thuật của tỉnh, nhiều trường nghề đã liên kết với các doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài tiến hành đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao. Để thu hút học sinh học nghề, Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) còn miễn hoàn toàn học phí cho sinh viên.

ThS.Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, chia sẻ nhà trường hướng tới đào tạo nguồn nhân lực lành nghề, có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ vững để tự tin hội nhập thị trường lao động quốc tế. Sinh viên học lý thuyết song song với thực hành tại các doanh nghiệp để thích ứng với công việc sau khi ra trường. Ngoài ra, nhà trường cũng rất chú trọng đào tạo lao động đón đầu phục vụ hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai.

Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Vina, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tuyển dụng lao động thì nhắn nhủ, theo xu thế chung sẽ có nhiều doanh nghiệp cần nhiều lao động có trình độ kỹ sư tự động hóa. Đây là đối tượng lao động mà hiện nay nhiều doanh nghiệp rất khó tuyển. Ngoài ra, đội ngũ công nhân lành nghề, có trình độ kỹ thuật cũng sẽ được coi trọng. Ở Công ty TNHH Pousung Vina và nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất “khát” lao động có trình độ tiếng Anh, tiếng Trung để đọc, hiểu và vận hành máy, giao tiếp với chủ doanh nghiệp. Những lao động đáp ứng được các yêu cầu trên sẽ không lo bị mất việc, có cơ hội phát triển và được hưởng mức lương tương đối cao.

Còn Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần hữu hạn Vedan (huyện Long Thành) Phạm Trung Thuyên chia sẻ, để đảm bảo công việc, đời sống cho người lao động, công ty và Công đoàn đã liên kết với các trường nghề đến công ty để đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng mềm cho người lao động. Đến nay, có khoảng 60% người lao động của công ty đã được tham gia các lớp học này. Toàn bộ chi phí cho các khóa đào tạo đều do công ty chi trả, người lao động không phải trả bất kỳ khoản phí nào.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều