Báo Đồng Nai điện tử
En

Ươm mầm đam mê khoa học

09:03, 04/03/2019

Ươm mầm đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học - kỹ thuật cho học trò được đánh giá là phương pháp định hướng nghề nghiệp hiệu quả trong nhà trường, giúp các em có thể biết được sở trường của mình...

Ươm mầm đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học - kỹ thuật cho học trò được đánh giá là phương pháp định hướng nghề nghiệp hiệu quả trong các nhà trường. Thông qua hoạt động nghiên cứu sáng tạo khoa học - kỹ thuật các em có thể biết được sở trường của mình, rèn luyện được kỹ năng và định hướng sớm nghề nghiệp cho tương lai.

Trường THPT Trần Phú (xã Suối Tre, TX.Long Khánh) giới thiệu dự án sấy nông sản bằng hấp thụ năng lượng mặt trời tại cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh
Trường THPT Trần Phú (xã Suối Tre, TX.Long Khánh) giới thiệu dự án sấy nông sản bằng hấp thụ năng lượng mặt trời tại cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh

Nguyễn Trọng Đạo từng là học sinh của Trường THPT Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) và hiện là sinh viên năm thứ nhất ngành cơ điện tử Trường đại học Lạc Hồng. Đạo cho biết sở dĩ chọn ngành học này vì từ năm học lớp 11 Đạo đã có dự án máy gom hạt điều tự động dự cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh và đoạt giải ba.

* Nuôi dưỡng từng ý tưởng

Từ dự án của mình và cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh đã bồi đắp thêm cho Đạo đam mê và quyết tâm theo đuổi ngành kỹ thuật. Hiện tại Đạo bắt đầu tham gia vào câu lạc bộ chế tạo robot của trường đồng thời có hướng mở rộng sang phát triển ý tưởng chế tạo các máy móc ứng dụng trong sản xuất công nghiệp theo định hướng của giảng viên. Đạo cho biết: “Ngay từ khi học lớp 10 em đã thích ngành kỹ thuật và em theo đuổi cho đến nay. Nhờ đam mê nên quá trình học luôn cảm thấy thú vị và có cảm hứng sáng tạo”.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết: “Chúng tôi đã triển khai những mô hình giáo dục mới theo phương pháp STEM bước đầu khá hiệu quả tại các trường, điển hình là cuộc thi lập trình robot giả lập trên máy tính, cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh… Những cuộc thi và những mô hình mới này đã mang đến cho học sinh cơ hội trải nghiệm thực tế, kích thích rất lớn tới phong trào nghiên cứu khoa học - kỹ thuật của học sinh”.

Thầy Nguyễn Thành Phương là một trong những giáo viên trẻ dạy môn Công nghệ của Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom). Môn Công nghệ vốn ít được học sinh quan tâm vì không nằm trong những môn để thi tốt nghiệp hay xét tuyển đại học, cao đẳng, thậm chí còn bị coi là “môn phụ”. Tuy nhiên thầy Phương đã biết cách truyền cho học sinh cảm hứng yêu thích và sáng tạo với môn học này. Học sinh không chỉ học ở trường mà còn tìm đến nhà riêng ngoài giờ học để được thầy hướng dẫn phương pháp nghiên cứu, chế tạo ra các sản phẩm kỹ thuật ứng dụng trong cuộc sống. Có năm học trò của thầy Phương không chỉ đoạt giải cao tại cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh mà còn đoạt giải ba quốc gia, đủ điều kiện xét thẳng vào đại học.

Chia sẻ về niềm vui ươm mầm sáng tạo khoa học - kỹ thuật cho học trò, thầy Phương cho rằng, thầy muốn thay đổi tư duy của học trò về các môn học khi học sinh chỉ chăm chú nhiều tới tiếp thu kiến thức các môn tự nhiên và xã hội để thi, trong khi các môn công nghệ nếu để ý khám phá một chút sẽ rất thú vị, vì nó có thể kết hợp nhiều kiến thức, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm.

Học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa) hằng năm đều có những dự án tham gia vào cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh và cấp quốc gia. Năm nay, nhóm học sinh của trường đã đoạt giải nhất của cuộc thi với dự án dùng công nghệ thực tế ảo để điều trị cho trẻ bị bại não. Ý tưởng khá độc đáo này có sự khác biệt khi có thể giúp trẻ bại não còn khả năng vận động không nhất thiết phải đến bệnh viện tập vật lý trị liệu mà có thể ở nhà tập qua các bài tập trên máy tính. Các clip hướng dẫn tập được thiết kế đẹp mắt giúp cuốn hút trẻ nhiều hơn.

Em Lâm Nguyễn Thanh Thảo (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh), một thành viên trong nhóm tác giả của dự án chia sẻ: “Ý tưởng của chúng em về giúp trẻ bại não phục hồi chức năng đã được thầy cô của trường ủng hộ ngay từ đầu. Trong quá trình hình thành dự án đã được thầy cô tạo điều kiện hướng dẫn nhiệt tình. Chúng em hy vọng dự án có cơ hội tiến xa hơn tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia tổ chức trong tháng 3 này tại TP.Hồ Chí Minh”.  

* Cần tạo động lực cho học sinh

Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn Trần Văn Hiền (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết để hướng học sinh tham gia vào phong trào nghiên cứu sáng tạo khoa học - kỹ thuật, nhà trường đã thành lập các câu lạc bộ theo sở thích của học sinh. Giáo viên chính là người hướng dẫn học sinh tìm ra ý tưởng, hoàn thiện ý tưởng nghiên cứu của mình và nhà trường tổ chức các cuộc thi để học sinh giới thiệu các ý tưởng nghiên cứu. Từ việc thành lập các câu lạc bộ, giáo viên đồng hành với học sinh trong nghiên cứu và sáng tạo khoa học - kỹ thuật, hằng năm Trường THPT Lê Quý Đôn đều có những sản phẩm tham gia các hội thi khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh.

Còn hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh Phan Văn Vinh (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ, trong môi trường giáo dục phổ thông hiện nay, nếu chỉ chăm chú cho học sinh tiếp thu kiến thức trên sách vở theo phương pháp truyền thống sẽ là một bước thụt lùi. Do đó, nhà trường đã thay đổi mạnh mẽ tư duy bằng cách ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, tạo cơ hội cho học sinh sáng tạo bằng những sân chơi thực tế giữa học sinh của trường với nhau, thậm chí là kết nối với học sinh các trường bạn. Bên cạnh đó, học sinh còn đến các trường đại học để trải nghiệm môi trường nghiên cứu khoa học, qua đó các em có thể được định hướng nghề nghiệp sớm hơn.

PGS-TS.Nguyễn Văn Năng, Trưởng khoa Công nghệ - thông tin Trường đại học Lạc Hồng, người có nhiều năm sát cánh cùng học sinh Đồng Nai tại các cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh trong vai trò là giám khảo, cho rằng khó khăn nhất là làm sao tạo được những sân chơi sáng tạo khoa học - kỹ thuật trong nhà trường, qua đó ý tưởng nghiên cứu có cơ hội phôi thai hình thành. Giáo viên phải là người gần gũi, sâu sát, chắp cánh cho các ý tưởng của học sinh từ khi mới hình thành cho đến khi hoàn thiện, thậm chí còn phải tìm cơ hội để ý tưởng đó áp dụng và phát triển lớn mạnh vào thực tế.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều