Báo Đồng Nai điện tử
En

Gia tăng bệnh nhân chuyển tuyến

09:04, 10/04/2019

3 năm gần đây, số lượt bệnh nhân chuyển lên các bệnh viện tuyến trên ở TP.Hồ Chí Minh năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều này yêu cầu các bệnh viện trong tỉnh cần phải nhìn nhận lại...

3 năm gần đây, số lượt bệnh nhân chuyển lên các bệnh viện tuyến trên ở TP.Hồ Chí Minh năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều này yêu cầu các bệnh viện trong tỉnh cần phải nhìn nhận lại hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh của đơn vị để đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này.

Bác sĩ Khoa Ngoại - lồng ngực Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chăm sóc người bệnh sau ca phẫu thuật. Ảnh: H.DUNG
Bác sĩ Khoa Ngoại - lồng ngực Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chăm sóc người bệnh sau ca phẫu thuật. Ảnh: H.DUNG

ThS.Huỳnh Tú Anh, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế cho hay, các bệnh viện tuyến tỉnh gồm: Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh việc đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, Bệnh viện da liễu Đồng Nai và Bệnh viện phổi Đồng Nai nếu như năm 2016 chuyển hơn 266,5 ngàn lượt bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến trên ở TP.Hồ Chí Minh để điều trị, thì đến năm 2017 con số này là 330,2 ngàn lượt bệnh nhân, và năm 2018 là 406,1 ngàn lượt bệnh nhân.

Trong đó, đơn vị có lượng bệnh nhân chuyển tuyến nhiều nhất là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, tiếp đến là Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai và Bệnh viện phổi Đồng Nai.

* Chuyển viện ngày càng tăng

Chia sẻ về lý do số lượt bệnh chuyển lên các bệnh viện tuyến trên ngày càng tăng, BS CKII Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho rằng nguyên nhân trước tiên do bệnh viện hằng ngày tiếp nhận quá đông bệnh nhân (từ 4-6 ngàn lượt bệnh/ngày) với nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có những loại bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện. Ngoài ra, vấn đề bác sĩ có tay nghề cao nghỉ việc nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện.

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Số lượng bệnh nhân chuyển tuyến ngày càng tăng đồng nghĩa với quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của tỉnh “chảy” về các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh một khoản tiền không nhỏ (năm 2018 là hơn 698,8 tỷ đồng). Trong số nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân là các bệnh viện trong tỉnh chưa tin tưởng nhau, có những bệnh mà bệnh viện này làm được nhưng bệnh viện kia không chịu chuyển mà chuyển lên TP.Hồ Chí Minh. Thậm chí có tình trạng chính những bác sĩ trong bệnh viện cũng không biết bệnh viện mình làm được những kỹ thuật gì, chữa được những bệnh gì”.

ThS-BS CKII Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cũng cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến số lượng bệnh nhân chuyển tuyến của bệnh viện năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong đó, nguyên nhân khách quan là đa số các bệnh nhân chuyển tuyến ngoại trú đều vượt khả năng điều trị, tập trung vào một số bệnh không nằm trong phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện như: các bệnh về tâm thần, bệnh tim bẩm sinh cần phẫu thuật, dậy thì sớm, các loại u, bướu.

Mặt khác, một số bệnh nhân trong quá trình nội trú do diễn biến bệnh phức tạp nên thời gian điều trị kéo dài, hoặc trong quá trình điều trị bệnh viện xác định vượt khả năng chuyên môn như: chấn thương sọ não, nhiễm trùng sơ sinh, nhiễm trùng huyết… bắt buộc phải chuyển lên tuyến trên.

Về nguyên nhân chủ quan, bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà nhận định do tâm lý gia đình người bệnh không yên tâm điều trị hoặc có mong muốn được điều trị ở tuyến cao hơn. Ngoài ra, cơ sở vật chất của bệnh viện đang trong quá trình sửa chữa, xây mới, một số trang thiết bị hư hỏng dẫn đến mặc dù bệnh trong khả năng của bệnh viện nhưng không có thiết bị nên phải chuyển tuyến.

* Tháo gỡ khó khăn

Để hạn chế việc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, TS-BS.Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho rằng giải pháp trước tiên và cấp bách nhất chính là nhân sự. Cần phải có cơ chế, chính sách để tăng thu nhập, giữ chân bác sĩ giỏi ở lại bệnh viện.

Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ tiếp tục đánh giá mô hình bệnh tật tại bệnh viện, các loại bệnh mà bệnh viện thường xuyên tiếp nhận để mở thêm một số chuyên khoa mới mà bệnh viện hiện chưa có như: chuyên khoa về ung bướu, tâm thần, điều trị theo yêu cầu của bệnh nhân…

“Ngoài lý do khách quan như cơ sở vật chất nhiều phòng khoa tạm bợ, mùa mưa thì dột, mùa nắng thì oi bức, bệnh nhân đông, chật chội khiến bệnh nhân khó chịu muốn chuyển tuyến, thì phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến tăng là do chuyên môn của bác sĩ không đạt, chưa đạt. Bệnh viện chúng tôi hiện có gần 300 bác sĩ nhưng chất lượng bác sĩ chưa đáp ứng yêu cầu, gần 1/4 bác sĩ trong số đó chưa có chứng chỉ hành nghề, chưa có kinh nghiệm trong giao tiếp, tư vấn nên chưa làm hài lòng người bệnh” - TS-BS.Phạm Văn Dũng thẳng thắn chia sẻ.

Còn lãnh đạo Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thì cho hay, bệnh viện sẽ cố gắng tạo môi trường làm việc thân thiện để nhân viên y tế yên tâm công tác; tăng cường tuyển dụng, đào tạo bác sĩ, mời các chuyên gia tuyến trên về tập huấn và tham gia điều trị để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời, kiến nghị lãnh đạo Sở Y tế  trang bị thêm một số loại máy móc phục vụ cho chẩn đoán và điều trị để triển khai thêm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh lý ác tính, một số xét nghiệm huyết học và vi sinh. Với những bệnh nhi bị tim bẩm sinh, bệnh viện sẽ phối hợp với Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất để phẫu thuật, hồi sức, chăm sóc bệnh nhi, không phải chuyển lên TP.Hồ Chí Minh để phẫu thuật.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều