Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm chủ nhiều kỹ thuật mới

10:10, 15/10/2019

Thực hiện đề án 1816 của Bộ Y tế về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từ năm 2008 đến nay, tại Đồng Nai đã có hơn 250 cán bộ và trên 200 kỹ thuật được bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật mới.

Thực hiện đề án 1816 của Bộ Y tế về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từ năm 2008 đến nay, tại Đồng Nai đã có hơn 250 cán bộ và trên 200 kỹ thuật được bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật mới.

Kỹ thuật chạy thận nhân tạo được Bệnh viện đa khoa Thống Nhất chuyển giao thành công cho Trung tâm y tế  Trảng Bom Ảnh: T.Tú
Kỹ thuật chạy thận nhân tạo được Bệnh viện đa khoa Thống Nhất chuyển giao thành công cho Trung tâm y tế Trảng Bom. Ảnh: T.Tú

Việc chuyển giao kỹ thuật mới thành công đã giúp các trung tâm y tế tuyến dưới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

* Thực hiện được nhiều kỹ thuật mới

Bác sĩ Nguyễn Ðức Phước, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom cho biết, trung tâm đã triển khai 3 kỹ thuật ngoại khoa gồm: mổ bắt con, thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng từ Bệnh viện đa khoa Ðồng Nai chuyển giao theo Ðề án 1816.

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, trong những năm qua Đề án 1816 đã giúp các trung tâm y tế, bệnh viện phát triển chuyên môn rất tốt. Các trung tâm y tế, bệnh viện cần chủ động liên hệ trong vấn đề hợp tác. Sở không bắt buộc chỉ được hợp tác với các bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn mà các đơn vị sẽ tự tìm kỹ thuật cần phát triển để phối hợp với bệnh viện nơi khác mà họ đồng ý hợp tác.

“Chúng tôi đã cử y, bác sĩ học 6 tháng tại Bệnh viện đa khoa Ðồng Nai, sau đó triển khai các kỹ thuật trên tại trung tâm dưới sự hỗ trợ của bác sĩ tuyến trên. Ðến nay, các bác sĩ của trung tâm đã tự mổ những ca thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng và mổ bắt con. Chúng tôi chỉ chuyển viện những ca khó, vượt ngoài chuyên môn, chứ không như trước, tất cả những ca bệnh trên đều phải chuyển viện” - bác sĩ Phước cho hay.

Trong quý II-2019, Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc đã tiếp nhận thành công kỹ thuật mổ nội soi ruột thừa từ Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh. Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc trung tâm chia sẻ: “Trước đây khi chưa chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi ruột thừa bệnh nhân thường xin được chuyển tuyến, nhưng từ ngày làm chủ được kỹ thuật này, bệnh nhân không cần phải chuyển lên tuyến trên. Việc chuyển giao thành công mổ nội soi ruột thừa sẽ là tiền đề để trung tâm tiếp tục phát triển các loại nội soi khác”.

Cũng nhờ thực hiện Đề án 1816, trong thời gian qua tại Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch đã thực hiện phẫu thuật nội soi sản khoa trong các trường hợp: thai ngoài tử cung vỡ, u nang buồng trứng; nội soi về ngoại tổng quát: cắt túi mật, ruột thừa, thủng dạ dày.

Bác sĩ Hồ Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm y tế Nhơn Trạch cho hay, để thực hiện được các kỹ thuật trên, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã chuyển cho trung tâm 1 máy phẫu thuật nội soi. Nhờ sự chuyển giao kỹ thuật cũng như sự tận tình chỉ bảo của các bác sĩ tuyến trên mà đến nay trung tâm đã có thể tự làm chủ được các kỹ thuật nói trên, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

* Giảm tải bệnh nhân ở tuyến trên

Việc các bác sĩ bệnh viện tuyến trên xuống hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật đã giúp cho cán bộ, y, bác sĩ tại các trung tâm y tế huyện học tập được nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Đặc biệt là việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong khám, điều trị bệnh, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh… Qua đó, giúp hàng ngàn lượt gia đình giảm thiểu chi phí chữa bệnh khi không phải đưa bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến trên.

Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng cho biết, thực hiện Đề án 1816 về chuyển giao kỹ thuật chạy thận nhân tạo từ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, đến nay trung tâm đã tiến hành chạy thận nhân tạo cho hơn 40 bệnh nhân. Điều này không chỉ giúp người dân giảm tải các chi phí về kinh tế, thời gian mà còn góp phần giải tỏa bớt gánh nặng quá tải bệnh nhân cho bệnh viện tuyến trên.

Hay như trong quý II-2019, Trung tâm y tế huyện Trảng Bom cũng đã triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo theo Ðề án 1816. Đến nay, trung tâm đã đưa vào hoạt động 12 máy chạy thận. “Mỗi tuần, bệnh nhân phải chạy thận 3 lần. Nhiều người ở địa phương phải lên tuyến trên chạy thận, phải thuê nhà trọ gần bệnh viện hoặc ngủ tại hành lang bệnh viện để chờ chạy thận. Vì vậy, chúng tôi triển khai kỹ thuật này nhằm giúp bệnh nhân của huyện không phải đi xa” - bác sĩ Nguyễn Đức Phước cho hay.

Ngoài nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên, trung tâm cũng tiến hành cập nhật kiến thức, đào tạo chuyên môn về siêu âm, điện tim cho 17 bác sĩ ở các trạm y tế của huyện. Các bác sĩ sẽ được học nâng cao trình độ tại các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện đa khoa Ðồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh)… Ðến nay, tất cả bác sĩ của tuyến trạm đã được đào tạo về siêu âm, điện tim để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Thanh Tú

Tin xem nhiều