Báo Đồng Nai điện tử
En

An toàn cho học sinh trong mùa mưa

08:05, 27/05/2020

Sáng 26-5, cây phượng vĩ trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.Hồ Chí Minh) bật gốc khiến một học sinh tử vong và nhiều em khác bị thương. Đây là tai nạn rất đáng tiếc...

Sáng 26-5, cây phượng vĩ trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bật gốc khiến một học sinh tử vong và nhiều em khác bị thương. Đây là tai nạn rất đáng tiếc, và cũng là hồi chuông cảnh báo cho công tác đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa này.

Học sinh cần được dặn dò không nên cố chạy xe về nhà trong và ngay sau cơn mưa lớn để đề phòng rủi ro. Trong ảnh: Một người sắp bị nước cuốn trôi được người dân giúp đỡ dắt xe qua đoạn nước chảy xiết (ảnh chụp trên đường Đồng Khởi, TP.Biên Hòa ngày 14-9-2019). Ảnh: H.Yến
Học sinh cần được dặn dò không nên cố chạy xe về nhà trong và ngay sau cơn mưa lớn để đề phòng rủi ro. Trong ảnh: Một người sắp bị nước cuốn trôi được người dân giúp đỡ dắt xe qua đoạn nước chảy xiết (ảnh chụp trên đường Đồng Khởi, TP.Biên Hòa ngày 14-9-2019). Ảnh: H.Yến

* Những nỗi lo chung

Khi báo chí đưa tin về vụ việc cây phượng vĩ trong sân trường bật gốc, đè lên người khiến một học sinh tử vong, anh Lê Quang Vinh, phụ huynh có con đang học tại Trường mầm non Hoa Sen (TP.Biên Hòa) liền chia sẻ thông tin cho các phụ huynh khác cùng biết. Kèm với đó, anh cũng góp ý với nhà trường về việc cắt tỉa cành các cây xanh ở trong trường. Không chỉ riêng anh Vinh, những phụ huynh có con đang đi học ở các trường có nhiều cây cao, to chắc hẳn cũng có cùng nỗi lo.

Thực tế, vào đầu mỗi mùa mưa, các trường học đều thực hiện việc cắt tỉa cành cây để đảm bảo an toàn cho học sinh. Tại Trường mầm non Hoa Sen, ngay khi đón học sinh đi học trở lại, nhà trường đã liên hệ với thợ cắt tỉa cây xanh để thực hiện công việc thường kỳ này.

Cây xanh bật gốc đè trúng học sinh là tai nạn khá hi hữu. Nhưng trong khuôn viên trường học, nhiều loại tai nạn khác cũng có thể xảy ra, không ai đoán trước được. Cụ thể, như  vào tháng 10-2019, tại H.Mỹ Đức (Hà Nội), một học sinh lớp 2 giẫm phải dây điện bị đứt trong khi đang chơi cùng các bạn ở bãi cỏ phía sau phòng học. Em bị điện giật và tử vong. Ngày 8-5, một nam sinh lớp 9 Trường THCS Quyết Thắng (TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bị điện giật trong giờ lao động và tử vong…

Những vụ việc trên tuy không xảy ra ở địa bàn tỉnh Đồng Nai nhưng bất cứ bậc phụ huynh nào khi đọc được thông tin đều không khỏi thương cảm, kèm theo đó là tâm trạng lo lắng, dò xét tình hình an toàn ở trường học của con cái mình. Đây là nỗi lo chung của các bậc phụ huynh, cũng là nỗi lo của các nhà trường. Từ đó, lãnh đạo các nhà trường phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm mang đến môi trường an toàn, không tai nạn thương tích với học sinh.

* Tăng cường giáo dục kỹ năng cho học sinh

Trong mùa mưa, nhiều tai nạn bất chợt có thể xảy ra với học sinh. Chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng có thể bị đánh đổi bằng cả mạng sống. Cách đây 1 năm, 2 học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa) đã bị nước cuốn trôi khi đang chạy xe máy qua đoạn đường ven suối bà Lúa (đoạn qua KP.1, P.Long Bình Tân). Trước đó, TP.Biên Hòa có mưa lớn, nước ở các sông suối đều dâng cao.

Những năm trước, không khó để “gặp” những con đường ngập nước ở TP.Biên Hòa sau mỗi trận mưa lớn. Trong cơn mưa, dù nước chảy xiết, nhiều người vẫn liều chạy xe hoặc dắt xe trên đường. Nhiều người bị sức nước xô ngã cả người lẫn xe.

Do điều kiện, hoàn cảnh riêng, rất nhiều gia đình phải cho con tự đi học ngay từ khi còn là học sinh THCS. Phương tiện chủ yếu của các em là xe đạp, xe đạp điện, xe máy 50 phân khối. Nếu không được căn dặn kỹ càng, các em khó có thể lường được những mối nguy hiểm trên đường đi học vào mùa mưa.

Vì vậy, ngoài việc phổ biến, giáo dục ý thức cho học sinh về an toàn giao thông, nhà trường và các bậc phụ huynh cũng cần giáo dục kỹ năng sống cho các em. Đặc biệt phải lường trước những tình huống tai nạn có thể xảy ra trong mùa mưa để giúp các em phòng tránh.

Anh Trần Văn Hùng, phụ huynh có con học lớp 8 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Do không có thời gian để đưa đón con, tôi đã mua cho cháu chiếc xe đạp điện để đi học. Mùa mưa đến rồi, tôi lo nhất là trời mưa lớn mà cháu vẫn cố chạy xe về nhà. Tôi dặn cháu hôm nào mưa lớn quá thì cứ ở trường, đợi tạnh mưa rồi mới về. Hoặc là những hôm đó tôi phải đến trường để kèm cháu về cho yên tâm. Tôi mong là nhà trường cũng phải thường xuyên căn dặn học sinh cẩn thận khi đi đường, nhất là phải tránh xa miệng cống thoát nước…”.

Sở GD-ĐT mới đây đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đề phòng thiệt hại do mưa, dông, lốc, sét, mưa đá xảy ra trong thời kỳ chuyển mùa, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Theo đó, các cơ sở giáo dục phải hướng dẫn kỹ năng phòng tránh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, học sinh của các cơ sở giáo dục nhằm chủ động ứng phó, thực hiện các biện pháp phòng tránh thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời kỳ chuyển mùa. Chú ý gia cố, tu sửa các công trình xây dựng, phòng học, phòng chức năng, những vị trí có nguy cơ xảy ra ngập nước và sạt lở đất. Chặt, tỉa cành cây có nguy cơ đổ gãy trong khuôn viên, đường nội bộ và khu vực xung quanh trường học, cơ sở giáo dục để không gây nguy hiểm cho người và cơ sở vật chất khi xảy ra mưa, bão, dông, lốc, sét, mưa đá.

Hải Yến

Tin xem nhiều