Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Xung phong lên tuyến đầu chống dịch

09:05, 07/05/2020

"Dù biết bệnh Covid-19 nguy hiểm, có khả năng lây lan cao nhưng chúng tôi sẵn sàng đương đầu. Bởi nếu không phải là chúng tôi, không phải là bây giờ thì ai và đến khi nào chúng ta mới có được cuộc sống bình thường như khi chưa có dịch bệnh xảy ra?".

“Dù biết bệnh Covid-19 nguy hiểm, có khả năng lây lan cao nhưng chúng tôi sẵn sàng đương đầu. Bởi nếu không phải là chúng tôi, không phải là bây giờ thì ai và đến khi nào chúng ta mới có được cuộc sống bình thường như khi chưa có dịch bệnh xảy ra?”.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại hẻm 5, KP.11, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa), nơi ở của một trường hợp F1 nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: H.Dung
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại hẻm 5, KP.11, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa), nơi ở của một trường hợp F1 nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: H.Dung

[links()]Đó là chia sẻ của BS Đỗ Thị Liên Hương, làm việc tại khu điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 của Bệnh viện Phổi Đồng Nai khi được hỏi có e ngại với công việc đang làm hay không.

* Chung sức, đồng lòng ở bệnh viện điều trị Covid-19

Suy nghĩ của BS Hương cũng chính là suy nghĩ của hàng trăm y, bác sĩ, lực lượng công an, quân đội, tình nguyện viên… đã và đang ngày đêm tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trong các cơ sở y tế, tỉnh Đồng Nai quyết định chuyển đổi công năng của Bệnh viện Phổi Đồng Nai thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 trong thời gian dịch bệnh xảy ra. Cơ sở vật chất được cải tạo, nâng cấp, trang thiết bị, máy móc được bổ sung để sẵn sàng tiếp đón và điều trị cho những người đã nhiễm bệnh, nguy cơ nhiễm bệnh cao.

BS Phạm Ngọc Hạ, Bệnh viện Phổi Đồng Nai:

“Mặc dù rất nhớ nhà, nhớ vợ con nhưng chúng tôi đều tự kìm nén cảm xúc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bởi chúng tôi hiểu, chỉ một sơ suất nhỏ, dịch bệnh sẽ có thể lây lan ra cộng đồng. Và khi đó, đường về nhà sẽ còn xa hơn…”.

BS Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai chia sẻ, ban đầu các y, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện cũng có phần lo lắng nhưng vì cái chung, vì lợi ích lớn của cộng đồng, tập thể cán bộ, y, bác sĩ đều hiểu, nỗ lực, đoàn kết trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Bệnh viện Phổi Đồng Nai có 124 cán bộ, bác sĩ, nhân viên, chia làm 2 bộ phận chuyên môn và hành chính. Những người làm chuyên môn sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận, theo dõi, điều trị cho người bệnh từ nhẹ, trung bình đến nặng. Từ tối 6-4, khi bệnh nhân V.V.T., bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên của tỉnh được chuyển đến, một ê-kíp gồm: 6 bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý... được điều động để thường trực chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.

BS Phạm Ngọc Hạ chia sẻ, khi được phân công trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T., anh hơi e ngại vì đây là căn bệnh mới, rất dễ lây nhiễm. Tuy nhiên, anh dần bình tâm và xác định nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên của tỉnh tuy khó nhưng cũng là một thử thách đáng nhớ trong sự nghiệp của mình. Trong 2 tuần điều trị cho bệnh nhân T., BS Hạ luôn quan tâm, động viên, khích lệ, giúp bệnh nhân T. vững tin hơn và cùng phối hợp tốt với bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất.

Không riêng gì bệnh nhân T. được bố trí ở một khu riêng mà các y, bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân T. cũng được bệnh viện bố trí chỗ ăn, ngủ tại bệnh viện. Trong khoảng thời gian đó, họ không được về nhà để tránh lây nhiễm chéo. Sau 2 tuần làm việc, các y, bác sĩ được nghỉ ngơi tại phòng riêng, lấy mẫu xét nghiệm với Covid-19. Nếu kết quả âm tính, họ sẽ được về nhà và có kíp trực khác xoay tua.

Làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai, đại úy Hoàng Cao Toàn, cán bộ Đồn Công an khu công nghiệp Biên Hòa cho hay, anh được điều động đến bệnh viện làm nhiệm vụ từ ngày 21-3. Trong cơ quan anh có 15 người thay phiên nhau mỗi người trực một ngày. Không riêng gì Đồn Công an khu công nghiệp Biên Hòa mà còn rất nhiều chiến sĩ công an của các phường khác như: Tam Phước, Phước Tân, Long Bình Tân, An Hòa cũng được điều động làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại bệnh viện.

“Bất kể khi nào được điều động, chúng tôi luôn sẵn sàng. Chúng tôi không lo ngại điều gì” - anh Toàn chia sẻ.

* Xung phong vào các khu cách ly

Để đảm bảo hoạt động cho khu cách ly tại ký túc xá Trường đại học Đồng Nai, ngay sau khi Sở Y tế ra văn bản chỉ đạo, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã có thông báo cho toàn thể cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên hộ lý để tăng cường nhân lực cho khu cách ly.

Các khoa, phòng lần lượt gửi danh sách những y, bác sĩ, hộ lý tình nguyện đến làm việc ở khu cách ly. Do số người có nguyện vọng đến làm việc ở khu cách ly nhiều hơn số người cần thiết nên lãnh đạo bệnh viện đã chia thành nhiều đợt và buộc phải “lọc” danh sách rất kỹ lưỡng. Trong đó, ưu tiên nam giới, chưa có gia đình.

Là một trong số những người “được chọn”, điều dưỡng Nguyễn Trọng Thịnh, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, công việc của anh trong khu cách ly là trực tiếp đi đo thân nhiệt hằng ngày cho những người thuộc diện F1, F2 (tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19), giải thích những thắc mắc cho người trong khu cách ly...

“Công việc này đối diện với nguy cơ lây nhiễm khá cao nhưng không vì thế mà tôi và những người làm việc trong khu cách ly chùn bước. Chúng tôi được đào tạo để biết cách phòng tránh cho bản thân như: mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay, đeo khẩu trang… mỗi lần tiếp xúc với người thuộc diện cách ly. Chúng tôi còn được Đoàn Thanh niên của bệnh viện phát cho những tấm chắn ngăn giọt bắn, hạn chế sự lây lan của virus nếu có. Nhờ đó, công việc diễn ra suôn sẻ và an toàn hơn” - điều dưỡng Thịnh bộc bạch.

Trong khi đó, tại khu cách ly Cơ sở 2 Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu, BS Nguyễn Văn Thắng và đồng nghiệp thời gian qua đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho những người trở về từ vùng dịch, tiếp xúc với ca bệnh Covid-19.

BS Thắng cho hay, ngay sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế, toàn thể cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên của Cơ sở 2 Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu đã cùng nhau “xắn tay áo” dọn dẹp phòng ốc, kê lại giường, bàn ghế, bổ sung đồ dùng, vật dụng… để sẵn sàng tiếp nhận những người thuộc diện cách ly.

Gần 2 tháng qua, cơ sở cách ly đã tiếp nhận, theo dõi sức khỏe cho gần 90 người, chủ yếu từ nước ngoài trở về, tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Đến ngày 22-4, những người cuối cùng trong khu cách ly đã đủ 14 ngày cách ly, có kết quả xét nghiệm âm tính với virus gây bệnh Covid-19 nên đã được cho về. Vì thế, khu cách ly này tạm thời đóng cửa đến khi có người cách ly mới.

Với BS Thắng, niềm vui và hạnh phúc nhất khi làm việc trong khu cách ly là lần lượt thấy những người thuộc diện cách ly được về nhà trong tình trạng sức khỏe ổn định, xét nghiệm âm tính với virus gây bệnh Covid-19, không có bất thường gì xảy ra.

* Những chuyến xe xuyên đêm

Để đưa được 421 người thuộc diện cách ly (những người trở về từ vùng có dịch bệnh, tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc xa với ca nhiễm Covid-19, đi cùng chuyến bay với người nhiễm Covid-19…) đến được các khu cách ly tập trung, các nhân viên y tế thuộc các đội phản ứng nhanh từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã làm việc bất kể ngày đêm.

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) chia sẻ, anh chính là người giữ số điện thoại đường dây nóng liên quan đến dịch Covid-19 của tỉnh. Do đó, khi nhận được bất kỳ thông tin gì từ phía cơ quan chức năng, người dân, đội phản ứng nhanh của CDC gồm 7 người sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Nhiều khi nửa đêm nhận được tin báo có người nghi ngờ nhiễm Covid-19 trở về từ vùng dịch, cả đội tức tốc lên đường làm nhiệm vụ. Người thì tiến hành điều tra dịch tễ, người phối hợp với cơ sở y tế tiến hành phun thuốc khử trùng, người thì lấy mẫu xét nghiệm, người vận chuyển mẫu bệnh phẩm đến phòng xét nghiệm… Những lần như vậy, họ thường trở về nhà lúc nửa đêm và ngày hôm sau lại tiếp tục công việc thường ngày.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa đã gửi thư khen và thưởng “nóng” số tiền 50 triệu đồng cho Đội cơ động phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP.Biên Hòa (gọi tắt là Đội cơ động số 1) bởi đội đã đạt được những thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

BS Đậu Ngọc Trung, Đội trưởng Đội cơ động số 1 cho biết, đội được thành lập ngày 5-2-2020 với 12 cán bộ, nhân viên. Nhiệm vụ của đội là chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; giám sát các trường hợp có dấu hiệu của bệnh Covid-19, các đối tượng đi từ vùng dịch bệnh về TP.Biên Hòa để kịp thời cách ly, khoanh vùng.

Từ khi thành lập đến nay, đội đã tổ chức 160 chuyến xe, vận chuyển những người thuộc diện phải cách ly từ sân bay về địa phương. Có những ngày, đội vận chuyển 22 lượt người từ sân bay về khu cách ly, làm việc từ 8 giờ sáng hôm nay đến 4 giờ sáng ngày hôm sau. Không kể ngày đêm, thứ bảy, chủ nhật hay ngày lễ, hễ có sự điều động, mọi người đều sẵn sàng vào vị trí.

Hạnh Dung

Bài 3: Không ai ngoài cuộc...

Tin xem nhiều