Báo Đồng Nai điện tử
En

Tranh thủ thời cơ để hội nhập quốc tế sâu, rộng

08:06, 24/06/2020

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia vừa có chuyến làm việc tại Đồng Nai để thông tin tình hình quốc tế, khu vực và Biển Đông.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia vừa có chuyến làm việc tại Đồng Nai để thông tin tình hình quốc tế, khu vực và Biển Đông tới các cán bộ chủ chốt trong tỉnh; nắm bắt tình hình hoạt động đối ngoại của tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung đánh giá cao những kết quả trong công tác đối ngoại mà tỉnh Đồng Nai đã đạt được. Đồng thời nhấn mạnh, Đồng Nai là địa phương đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc tế.

Nhiều vấn đề đối ngoại đáng quan tâm

* Xin ông cho biết vấn đề đối ngoại đáng quan tâm nhất hiện nay là gì?

- Điều quan trọng nhất trong công tác đối ngoại là phải đảm bảo được lợi ích quốc gia dân tộc. Cụ thể, là phải giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, phát triển. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải thúc đẩy được mối quan hệ với các nước đối tác, đặc biệt là những nước láng giềng, các nước lớn.

Hiện nay tình hình trên Biển Đông có những diễn biến phức tạp. Do đó, chúng ta cần tăng cường các mặt hợp tác, cố gắng xử lý những bất đồng bằng phương pháp hòa bình, làm sao để các quốc gia có liên quan cùng hướng tới việc thúc đẩy hợp tác bằng biện pháp hòa bình và cộng đồng quốc tế cũng đồng thuận, chia sẻ vấn đề đó.

Một nhiệm vụ rất lớn khác của công tác đối ngoại là chúng ta cần phải làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế. Công tác đối ngoại phục vụ cho việc huy động nguồn lực bên ngoài, phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, của mỗi ngành, mỗi địa phương. Đồng thời, phải quảng bá được hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra quốc tế, thúc đẩy những giá trị văn hóa của đất nước, thu hút khách du lịch đến với Việt Nam. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải bảo hộ quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài. Bởi hiện nay, số lượng các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân người Việt Nam ra nước ngoài ngày càng nhiều.

Công tác đối ngoại ở địa phương cũng cần được quan tâm hơn nữa để góp phần vào sự phát triển chung của địa phương và đất nước.

Người lao động của một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai trong giờ làm việc. Ảnh: HẠNH DUNG
Người lao động của một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai trong giờ làm việc. Ảnh: HẠNH DUNG

* Ông đánh giá như thế nào về hoạt động đối ngoại của tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua?

- Chủ trương chung của Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao là hội nhập quốc tế là việc chung của cả đất nước. Việc có phát huy được những thuận lợi, xử lý những thách thức hay không phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động đối ngoại của các địa phương, các tổ chức và cá nhân người Việt Nam.

Tỉnh Đồng Nai là địa phương đi đầu trong cả nước về hội nhập quốc tế và thực hiện nhiệm vụ đối ngoại. Điều này được thể hiện rõ ở việc Đồng Nai là địa phương đi đầu trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ở Đồng Nai sản xuất và xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Đây là nội dung rất quan trọng trong hoạt động kinh tế đối ngoại.

Tỉnh cũng đã có những kế hoạch, biện pháp cụ thể để thúc đẩy đối ngoại cả về mặt Đảng, ngoại giao nhà nước lẫn ngoại giao nhân dân. Thể hiện ở chỗ Đồng Nai đã và đang hợp tác với rất nhiều địa phương có tiềm năng của nhiều nước trên thế giới; quan hệ hỗ trợ, quan hệ hợp tác với các địa phương có chung đường biên giới với nước ta như: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Bên cạnh đó, có nhiều tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Đồng Nai. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đã thành lập được 9 Hội Hữu nghị thành viên, có nhiều đối tác rất quan trọng và những đối tác truyền thống.

Tôi đánh giá rất cao những kết quả trong hoạt động đối ngoại mà tỉnh Đồng Nai đã, đang thực hiện. Qua đó, đóng góp chung vào công tác đối ngoại của cả nước.

Chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng

Trong điều kiện chúng ta đang hội nhập rất sâu với thế giới, gần đây nhiều hiệp định thương mại đã được thông qua và thực hiện. Vậy làm thế nào để một tỉnh như Đồng Nai có thể tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức, thưa ông?

- Chúng ta thực hiện được đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước là thúc đẩy quan hệ tốt đẹp đối với các đối tác, tạo mối quan hệ hữu nghị, môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, thương mại.

Hiện nay Nhà nước đang có nhiều kế hoạch cụ thể để xây dựng khuôn khổ về chính sách, môi trường kinh tế vĩ mô tốt để các nhà đầu tư quan tâm hơn.

Đối với các địa phương, trên cơ sở khuôn khổ về pháp lý, về hành chính của Nhà nước để hoàn thiện những quy định, rút ngắn thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị lực lượng quản lý lẫn làm việc trực tiếp để tận dụng được cơ hội hợp tác. Bởi, suy cho cùng, yếu tố con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành bại. Đi cùng với đó, tỉnh cũng cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng tốt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh làm ăn hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng cần lưu ý tạo điều kiện để các doanh nghiệp cả nước ngoài và trong nước phát triển mạnh hơn nữa ngành công nghiệp phụ trợ.

 * Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với Bộ Ngoại giao kiến nghị với Chính phủ về việc cho phép tỉnh mở rộng thêm các khu công nghiệp và một số nội dung khác, ông nghĩ sao về điều này?

- Với các kiến nghị của tỉnh Đồng Nai như mở rộng các khu công nghiệp, đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại… với chức năng của mình, chúng tôi sẽ báo cáo đến Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ Thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, báo cáo với Chính phủ những vấn đề liên quan đến quy hoạch các khu công nghiệp. Qua đó giúp Đồng Nai và những địa phương khác có được những khu công nghiệp mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể vào đầu tư được. Tôi cho rằng, với những lợi thế hiện nay và trong tương lai của tỉnh Đồng Nai như: cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đường cao tốc… sẽ là một trong những lợi thế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đến khi đó, tỉnh cũng cần có sự chọn lựa các ngành nghề đầu tư cho phù hợp.

Về chuyên môn, chúng tôi đã và đang có những lớp đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ đối ngoại, ngôn ngữ. Bộ Ngoại giao sẵn sàng kết hợp với tỉnh Đồng Nai để tổ chức các khóa đào tạo trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn ông!

Hạnh Dung (thực hiện)

Tin xem nhiều