Báo Đồng Nai điện tử
En

Việc không tên của giáo viên lớp 1

09:09, 20/09/2020

Mới đây, vì con gái bị bệnh nên cô giáo chủ nhiệm gọi tôi lên đón con về. Khi đến lớp, tôi không thấy cô. Các cháu học sinh nói rằng cô đang dẫn một bạn ra nhà vệ sinh để vệ sinh cho bạn ấy. Hỏi ra mới biết, đã mấy ngày liên tục cậu bé này đều đi vệ sinh ra quần ít nhất 2 lần. Ngày nào cô cũng phải vệ sinh và giặt quần cho cậu học trò này.

1. Mới đây, vì con gái bị bệnh nên cô giáo chủ nhiệm gọi tôi lên đón con về. Khi đến lớp, tôi không thấy cô. Các cháu học sinh nói rằng cô đang dẫn một bạn ra nhà vệ sinh để vệ sinh cho bạn ấy. Hỏi ra mới biết, đã mấy ngày liên tục cậu bé này đều đi vệ sinh ra quần ít nhất 2 lần. Ngày nào cô cũng phải vệ sinh và giặt quần cho cậu học trò này.

Giáo viên Trường tiểu học An Bình, TP.Biên Hòa năm cuối cùng dạy học bằng sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục hiện hành           Ảnh: Đ.Công
Ảnh minh họa: Đ.Công

Những trường hợp học sinh đã vào lớp 1 mà vẫn chưa tự giác đi vệ sinh như vậy không phải là hiếm. Tất nhiên, các cô giáo dạy lớp 1 phải làm công việc như một bảo mẫu mầm non cũng trở thành chuyện thường ngày. Đó là chưa kể, sau mỗi ngày giảng bài, liên tục nhắc nhở để giữ trật tự lớp học, hầu như giáo viên lớp 1 nào cũng ở trong tình trạng khan tiếng, đau họng.

2. Để thuận tiện trao đổi, liên lạc với phụ huynh, cô giáo lập ra 1 group Zalo của lớp. Vì là lớp bán trú nên buổi trưa, khi các con đã ngủ, cô quay lại video lướt qua khắp cả lớp rồi gửi lên nhóm. Mỗi ngày, cô đều nhắn những thông tin dặn dò đến phụ huynh và cũng nhận không ít tin nhắn từ phụ huynh.

Theo dõi tin nhắn của nhóm lớp mỗi ngày sẽ thấy cô giáo lớp 1 có thêm rất nhiều việc không tên để làm. Những việc này đều là phát sinh, do phụ huynh nhờ: soạn giúp mền, gối bán trú cho em A; nhắc nhở em B uống sữa, ăn bánh; tìm giúp em C quyển sách vì phụ huynh tìm hoài ở nhà mà không thấy…

Hiệu trưởng một trường tiểu học từng có lần chia sẻ với tôi rằng, không phải giáo viên nào cũng được chọn để dạy lớp 1. Bởi người dạy lớp 1 không chỉ đòi hỏi nghiệp vụ sư phạm tốt mà còn phải có sự kiên trì, chịu khó, thực sự yêu mến trẻ... Để những học sinh vừa mới bước qua lứa tuổi mầm non hòa nhập được với môi trường kỷ luật, nề nếp chặt chẽ của bậc tiểu học là điều không dễ dàng. Để dạy kiến thức nhiều môn học cho những học sinh vốn chỉ quen với những việc “chơi là chính” lại càng khó.

Một vài ví dụ để thấy áp lực và sự vất vả của các giáo viên lớp 1, để phụ huynh chia sẻ và đồng hành cùng các cô trong quá trình giáo dục trẻ. Những tháng ngày đầu tiên bước vào lớp 1, chắc chắn cả cô, trò và phụ huynh đều gặp khó khăn. Nhưng nếu có sự thấu hiểu, chia sẻ và kiên trì thì thầy cô và cha mẹ có thể từng bước dìu dắt các con vượt qua được những khó khăn, bỡ ngỡ này.

Hải An

Tin xem nhiều