Báo Đồng Nai điện tử
En

Tầm quan trọng của công tác điều trị phục hồi chức năng

10:10, 26/10/2020

Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 154-162 ngàn người khuyết tật, chiếm khoảng 5-6% dân số. Trong đó có 10-15% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

Theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 154-162 ngàn người khuyết tật, chiếm khoảng 5-6% dân số. Trong đó có 10-15% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

Nhân viên y tế Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hướng dẫn bệnh nhân cách bỏ vỏ gối. Ảnh: H.Dung
Nhân viên y tế Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hướng dẫn bệnh nhân cách bỏ vỏ gối. Ảnh: H.Dung

Để nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho người khuyết tật, công tác điều trị phục hồi chức năng rất quan trọng.

* Hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Tính đến nay, toàn tỉnh có 7 đơn vị y tế đã thành lập khoa phục hồi chức năng gồm: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai và 3 bệnh viện đa khoa khu vực: Long Thành, Long Khánh, Định Quán. Ngoài ra, có 8/11 trung tâm y tế cấp huyện đã có khoa y học cổ truyền - phục hồi chức năng. Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO và Bệnh viện Đa khoa cao su Đồng Nai cũng đã đầu tư cho bộ phận/tổ phục hồi chức năng, phòng tập dành cho phục hồi chức năng đủ rộng và đảm bảo tiếp cận với người khuyết tật.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết, Khoa Phục hồi chức năng của bệnh viện được thành lập năm 1977 với 3 nhân viên. Đến nay, khoa đã có 4 bác sĩ, 14 kỹ thuật viên và các tình nguyện viên quốc tế. Mỗi ngày, khoa điều trị cho 130-140 bệnh nhân thuộc các hệ vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu.

Trong số 154-162 ngàn người khuyết tật trong toàn tỉnh có khoảng 51% là người khuyết tật vận động; 10% khuyết tật nghe, nói; 10% khuyết tật về nhìn; 24% khuyết tật thần kinh; 16% khuyết tật trí tuệ và một số loại khuyết tật khác.

Ngoài việc tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại khoa, các y, bác sĩ của Khoa Phục hồi chức năng còn tham gia khảo sát và tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị tai biến mạch máu não giai đoạn cấp tại Khoa Nội thần kinh, bệnh nhân bị chấn thương sọ não tại Khoa Ngoại thần kinh, bệnh nhân mổ tim hở tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Khoa Ngoại lồng ngực, tập phục hồi chức năng hô hấp, vận động... cho các bệnh nhân tại các khoa khác có liên quan trong bệnh viện.

Thực hiện dự án Tăng cường chăm sóc y tế và đào tạo phục hồi chức năng, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai phối hợp với Tổ chức HI (Nhân đạo và hòa nhập), USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ) tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và điều trị phục hồi chức năng tại bệnh viện. Kết quả đã mang lại các tín hiệu tích cực, giúp các bệnh nhân mắc những bệnh lý về thần kinh, vận động... sớm trở về với cuộc sống đời thường.

BS CKII Nguyễn Trọng Châu, Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, nhờ sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên, tình nguyện viên và sự hợp tác bền bỉ của bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân mà công tác điều trị phục hồi chức năng tại bệnh viện đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Có những bệnh nhân trước đây là họa sĩ nhưng sau khi bị tai biến mạch máu não, tay không duỗi thẳng được, không cầm cọ vẽ được. Sau một thời gian dài điều trị tại khoa, bệnh nhân đã có thể cầm cọ vẽ tranh.

Hay có những bệnh nhân đã lớn tuổi, bị tai biến do tai nạn giao thông, sau ca phẫu thuật không nói được. Sau một thời gian dài tập vật lý trị liệu, ngữ âm trị liệu đã có thể tập nói và nói bình thường. Qua đó, giúp các bệnh nhân hòa nhập cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

* Cần đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực phục hồi chức năng

Ngoài hoạt động thường xuyên tại các bệnh viện có khoa phục hồi chức năng, toàn tỉnh đang triển khai các hoạt động phục hồi chức năng từ 4 dự án lớn nhằm giúp người khuyết tật tái hòa nhập cộng đồng. Đó là các dự án: Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam; Tăng cường chăm sóc y tế và phục hồi chức năng; Thực thi quyền về trị liệu cho người khuyết tật; Tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật từ 0-6 tuổi.

Các dự án này do tỉnh phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện nhằm phát hiện sớm, can thiệp sớm, phục hồi chức năng cho người khuyết tật để giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ một số loại máy móc, trang thiết bị thuộc lĩnh vực phục hồi chức năng cho các đơn vị...

Phục hồi chức năng là trả lại các chức năng bị giảm hoặc bị mất cho người khuyết tật hoặc là giúp họ xử trí tốt hơn với tình trạng khuyết tật của mình khi ở nhà hoặc ở cộng đồng. Phục hồi chức năng không chỉ huấn luyện người khuyết tật thích nghi với môi trường sống mà còn tác động vào môi trường và xã hội tạo nên khối thống nhất cho quá trình hội nhập của người khuyết tật.

Đội ngũ nhân lực làm công tác phục hồi chức năng trong toàn tỉnh hiện có 206 người, trong đó có 35 bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học cổ truyền được đào tạo định hướng phục hồi chức năng.

2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã được cấp đầy đủ các kỹ thuật về vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngữ âm trị liệu. Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai và một số trung tâm y tế cũng đã trang bị một số thiết bị như: giàn treo đa năng, bàn đạp xe đạp, máy kéo giãn cột sống, máy massage tay, ghế tập mạnh hai chân, máy điện châm, máy điện xung kết hợp siêu âm, máy sóng ngắn, máy laser nội mạch, siêu âm điều trị, điện phân thuốc...

Theo Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai Phùng Văn Thanh, hiện nay bệnh viện cơ bản đáp ứng được điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, hạn chế vận động, một số trẻ bị bại não, sốt bại liệt bẩm sinh... Những trường hợp đang điều trị tại bệnh viện đang cải thiện dần và có những bệnh nhân cải thiện rất tốt. Để công tác điều trị phục hồi chức năng tốt hơn nữa, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ cử cán bộ y, bác sĩ đi đào tạo để đáp ứng được yêu cầu công việc; đồng thời, kiến nghị Sở Y tế đầu tư thêm một số trang thiết bị, máy móc cần thiết để phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều