Báo Đồng Nai điện tử
En

Không tạo áp lực thi cử cho học sinh lớp 1

10:12, 30/12/2020

Chỉ hơn 1 tuần nữa là học sinh tiểu học sẽ thi cuối học kỳ I. Theo yêu cầu, kỳ thi không được tạo áp lực cho học sinh, hưng những phụ huynh có con học lớp 1 vẫn không tránh khỏi lo lắng...

Chỉ hơn 1 tuần nữa là học sinh tiểu học sẽ thi cuối học kỳ I. Theo yêu cầu, kỳ thi không được tạo áp lực cho học sinh, tuy vậy do là “lứa” đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên những phụ huynh có con học lớp 1 không tránh khỏi lo lắng.

Việc đánh giá học sinh được thực hiện xuyên suốt năm học, trong đó chú trọng đánh giá thường xuyên. Trong ảnh: Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Tân Phú (H.Vĩnh Cửu) trong giờ học. Ảnh: H.Yến
Việc đánh giá học sinh được thực hiện xuyên suốt năm học, trong đó chú trọng đánh giá thường xuyên. Trong ảnh: Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Tân Phú (H.Vĩnh Cửu) trong giờ học. Ảnh: H.Yến

* Học sinh lớp 1 sẽ thi như thế nào?

Theo kế hoạch năm học, đến hết tuần này, học sinh sẽ hoàn thành nội dung chương trình học và  từ ngày 11-1 sẽ thi học kỳ I. Học sinh lớp 1 sẽ thi 2 môn: Tiếng Việt, Toán, trong đó môn Tiếng Việt gồm 2 bài thi: bài thi viết, bài thi đọc. Mỗi môn thi có thời gian làm bài 40 phút.

Hình thức thi cũng tương tự như trước đây. Môn Toán có 2 phần thi: trắc nghiệm và phần tự luận. Các dạng thức bài tập tương tự như khi học trên lớp như: đặt tính rồi tính, điền dấu >, <, =; viết phép tính thích hợp…

Môn thi đọc tiếng Việt gồm các nội dung: đọc âm, đọc vần, đọc từ, đọc câu. Phần đọc hiểu là một đoạn văn bản. Sau khi đọc xong, học sinh phải trả lời một vài câu hỏi. Đề thi không được sử dụng lại văn bản trong sách cho phần đọc hiểu mà có thể sử dụng văn bản trong cuốn sách tiếng Việt khác (thuộc 5 bộ sách đang được giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông mới).

“Bài kiếm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh”.

(Theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT)

Đối với phần thi viết môn tiếng Việt, học sinh nhìn và chép lại các âm, từ, câu mà đề yêu cầu; điền vần vào chỗ trống để tạo thành tiếng có nghĩa; điền từ vào chỗ trống để tạo thành câu có nghĩa… Đây đều là những dạng bài tập quen thuộc mà học sinh đã làm trên lớp.

Do áp dụng theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT (ban hành ngày 4-9-2020) của Bộ GD-ĐT Quy định đánh giá học sinh tiểu học nên kỳ thi của học sinh lớp 1 năm nay có một vài thay đổi nhỏ so với các khối lớp khác. Theo đó, nếu như trước đây có 4 mức đánh giá năng lực trong đề thi thì Thông tư 27 chỉ còn lại 3 mức.

Cụ thể, điểm c, Khoản 1, điều 7 về đánh giá định kỳ có nêu rõ: Đề kiểm tra định kỳ phù hợp với yêu cầu cần đạt và các biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức như sau: Mức 1, nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập; Mức 2, kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự; Mức 3, vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.

Cô Trần Thị Nhạn, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, trong quá trình tập huấn sách giáo khoa mới, giáo viên đã được hướng dẫn cách ra đề kiểm tra. Trong quá trình dạy học dựa vào ma trận kiến thức theo yêu cầu của đề thi, giáo viên đã cập nhật các dạng bài tập để xây dựng “ngân hàng” đề thi.

* Không tạo áp lực cho học sinh

Hiện nay, nội dung chương trình học kỳ I đã gần kết thúc. Giáo viên dạy đến đâu hướng dẫn ôn tập đến đó nên việc ôn thi học kỳ I của học sinh không quá nặng nề, căng thẳng. Để học sinh làm quen với cách thức thi học kỳ, nhiều giáo viên đã chủ động soạn đề hoặc tải các mẫu đề thi trên mạng về cho học sinh làm.

Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20-10-2020 và quy định lộ trình áp dụng quy định đánh giá học sinh tiểu học theo lộ trình như sau:

- Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

- Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2.

- Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3.

- Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4.

- Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5.

Như vậy, năm học này, chỉ có học sinh lớp 1 áp dụng đánh giá theo Thông tư 27. Các khối lớp chưa tới thời gian áp dụng theo lộ trình thì tiếp tục đánh giá học sinh theo quy định tại Thông tư 30/2014/ TT-BGDĐT  và Thông tư 22/2016/ TT-BGDĐT.

Chị Phan Thùy Anh (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho biết: “Cách đây 1 tuần, giáo viên chủ nhiệm đã chia sẻ các mẫu đề thi cuối học kỳ I lên nhóm Zalo để các phụ huynh tự tải về cho con làm. Cuối mỗi bài thi đều có phần đáp án. Phụ huynh và học sinh sẽ tự kiểm tra sau khi con làm bài xong. Đây xem như là nội dung tự học ở nhà. Tôi thấy mẫu đề kiểm tra này sát với nội dung học”.

Cô Đào Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Bội Châu (H.Thống Nhất) chia sẻ, do là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nên nhà trường phải xây dựng ngân hàng đề thi mới để phù hợp với chương trình học. Ngoài ra, việc ôn thi, tổ chức thi được thực hiện bình thường, không nặng nề.

“Chúng tôi đã quán triệt với giáo viên không tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường có thuận lợi là tổ chức học 2 buổi/ngày nên tất cả bài học, bài tập đều được giải quyết trên lớp. Đa số học sinh đều hoàn thành tốt nội dung bài học. Đối với những học sinh yếu hơn, giáo viên dành 15-20 phút cuối buổi học để phụ đạo thêm” - cô Thủy cho biết.

Cũng theo cô Thủy, hiện nay, các giáo viên chủ nhiệm đều lập nhóm Zalo của lớp để thông báo, trao đổi tình hình học tập chung của học sinh. Phụ huynh nếu không có thời gian trao đổi trực tiếp với giáo viên thì có thể trao đổi qua Zalo. Vì vậy, công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường được thực hiện khá tốt. Thời điểm này, giáo viên vừa dạy vừa ôn tập cho học sinh ở trên lớp. Những học sinh còn gặp nhiều khó khăn trong học tập, giáo viên sẽ trao đổi để phụ huynh phối hợp, hỗ trợ ôn tập thêm ở nhà.

Cô Trần Thị Nhạn cho hay, việc đánh giá học sinh được thực hiện xuyên suốt năm học, trong đó chú trọng việc đánh giá thường xuyên. Do vậy, không cần thiết phải tạo áp lực không đáng có cho học sinh trong kỳ thi này.

Hải Yến

Tin xem nhiều