Báo Đồng Nai điện tử
En

Các phương pháp điều trị bệnh suy thận mạn

08:01, 07/01/2021

Bệnh suy thận mạn là chức năng lọc các chất độc và dịch dư thừa ra khỏi máu của thận bị suy giảm. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng, diễn tiến khá chậm, ít có triệu chứng nên bệnh nhân khi phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Bệnh suy thận mạn là chức năng lọc các chất độc và dịch dư thừa ra khỏi máu của thận bị suy giảm. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng, diễn tiến khá chậm, ít có triệu chứng nên bệnh nhân khi phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn muộn.

BS CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM) (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm điều trị bệnh suy thận mạn tại hội nghị khoa học kỹ thuật Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mới đây. Ảnh: Hạnh Dung
BS CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM) (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm điều trị bệnh suy thận mạn tại hội nghị khoa học kỹ thuật Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai mới đây. Ảnh: Hạnh Dung

BS CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM) cho hay, bệnh thận mạn hiện chiếm khoảng 10-14% dân số tùy từng quốc gia. Theo thống kê của Hội Thận học thế giới, thế giới hiện có khoảng 850 triệu người mắc bệnh thận mạn. Tỷ lệ tử vong khoảng 2,4 triệu người/năm và tăng theo hằng năm.

* Những con số biết nói

Nếu như năm 1990, tỷ lệ tử vong do bệnh suy thận mạn xếp thứ 27 trong số các loại bệnh thì đến năm 2010 đã lên đến hàng thứ 18 và năm 2019 xếp thứ 6. Các chuyên gia dự báo, năm 2021, tỷ lệ tử vong do bệnh thận mạn chắc chắn sẽ tăng nhiều do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến những bệnh nhân lớn tuổi, đặc biệt là ở những bệnh nhân lớn tuổi mà có bệnh nền suy thận mạn.

Bệnh nhân bị suy thận mạn trải qua 5 giai đoạn, từ suy thận mức độ nhẹ, mức độ vừa, mức độ nặng đến suy thận giai đoạn cuối. Ở giai đoạn cuối, thận gần như không hoạt động, bệnh nhân phải tiến hành lọc máu ngoài thận hoặc ghép thận.

Nguyên nhân của bệnh thận mạn phải kể đến trước tiên do bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường (50%), cao huyết áp (30%), các bệnh lý về thận. Tại Việt Nam, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng tỷ lệ suy thận do đái tháo đường chiếm đa số, tương tự như các nước châu Á. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường tuýp 2 ngay khi phát hiện bệnh cần phải tầm soát bệnh thận ngay để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Các triệu chứng mà bệnh nhân bị bệnh suy thận mạn có thể gặp gồm: thiếu máu, da xanh, niêm mạc nhợt, hoa mắt chóng mặt. Suy thận càng nặng thì thiếu máu càng nhiều làm bệnh nhân mệt mỏi, ăn kém, giảm các hoạt động thường ngày; tăng huyết áp; viêm màng ngoài tim; chuột rút, cảm giác như có kiến bò, bỏng rát ở chân; loãng xương, viêm xương, đau xương; chán ăn, buồn nôn, loét miệng, xuất huyết tiêu hóa; hay ngủ gà, rối loạn tâm thần; phù chân, phù mặt…

* 3 phương pháp điều trị suy thận mạn

Theo BS CKII Tạ Phương Dung, một bệnh nhân bị suy thận mạn sẽ được điều trị nội khoa cho đến giai đoạn 5 thì tiến hành thay thế thận bằng 3 phương pháp: chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận. Cả 3 phương pháp này không có phương pháp nào mang lại hiệu quả tuyệt đối mà hỗ trợ cho nhau. Tùy thuộc vào điều kiện của gia đình bệnh nhân, nguyện vọng của bệnh nhân và tình hình sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân thực hiện phương pháp điều trị phù hợp.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Ảnh: Hạnh Dung
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Ảnh: Hạnh Dung

Về phương pháp ghép thận, bác sĩ sẽ lấy thận của một người bình thường, khỏe mạnh để ghép vào hố chậu bên phải hoặc bên trái của bệnh nhân bị bệnh thận giai đoạn cuối. Sau ghép thận, bệnh nhân vẫn phải điều trị trong ít nhất là 3 năm, chỉ không cần phải mở mạch máu hay ổ bụng. Tuy nhiên, hiện nay rất khó để tìm được người cho thận phù hợp. Bệnh nhân cũng phải chịu chi phí rất cao, phải trải qua một cuộc đại phẫu và có nguy cơ thải ghép, tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép, nguy cơ nhiễm trùng, nguy cơ ung thư da hoặc tử cung.

Đối với phương pháp chạy thận nhân tạo, cả nước hiện có hơn 300 đơn vị đang thực hiện. Khi chạy thận nhân tạo, bệnh nhân phải đến bệnh viện ít nhất 3 lần/tuần trong suốt cuộc đời bất kể ngày lễ, Tết. Bệnh nhân sẽ phải gắn bó lâu dài với bệnh viện, thuộc lòng “tính cách” của bệnh viện và bác sĩ cũng có thể hiểu hết những vấn đề của bệnh nhân.

Bệnh nhân được thực hiện chạy thận tại bệnh viện bởi nhân viên y tế. Bệnh nhân sẽ phải ăn kiêng và giới hạn lượng dịch nhập vào cơ thể một cách nghiêm ngặt. Những bệnh nhân chạy thận nhân tạo gần như không còn nước tiểu trong cơ thể. Lượng nước hằng ngày nhập vào người bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo chỉ khoảng 500ml. Người châu Á hay có thói quen ăn canh nhưng người đang chạy thận nhân tạo không được làm điều này. Ngay cả ăn phở cũng phải bỏ nước vì nguy cơ viêm gan rất cao.

Phương pháp thứ ba là lọc màng bụng. Phương pháp này chia thành 2 phương pháp là lọc màng bụng liên tục (thay dịch 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 6 giờ) và lọc màng bụng bằng máy, là phương pháp mang lại hiệu quả cao và bệnh nhân có thể sử dụng được.

Ưu điểm của phương pháp lọc màng bụng là bệnh nhân có thể thực hiện được ở nhà, không phải phụ thuộc vào bệnh viện. Bệnh nhân được huấn luyện kỹ cách thức thực hiện và chỉ phải đến bệnh viện để bác sĩ khám, cấp thuốc đợt mới. Do đó, bệnh nhân sẽ linh hoạt về thời gian. Chế độ ăn kiêng đối với bệnh nhân khi thực hiện phương pháp này cũng ít nghiêm ngặt hơn so với phương pháp chạy thận nhân tạo. Mặt khác, bệnh nhân có thể uống nước, ít biến động về huyết áp, không cần sử dụng kim tiêm nên không có cảm giác đau, ít có nguy cơ bị nhiễm trùng máu, ít bị viêm gan và chi phí phải trả thấp hơn so với phương pháp chạy thận nhân tạo.

Thống kê của Hội đồng Ghép tạng quốc gia cho thấy, trong vòng 28 năm qua, cả nước chỉ thực hiện ghép thận cho hơn 4 ngàn bệnh nhân bị bệnh thận mạn. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam có khoảng 50 ngàn bệnh nhân cần điều trị thay thế thận.

Hạnh Dung (ghi)

Tin xem nhiều