Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp học sinh hứng thú với môn học

10:11, 03/11/2021

Trường THCS Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) có hoạt động giáo dục STEM khá sôi nổi. Bằng cách xây dựng mô hình CLB, tạo hứng thú đối với các môn học, các giáo viên đã giúp nhiều học sinh tìm thấy đam mê với khoa học.

Trường THCS Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) có hoạt động giáo dục STEM khá sôi nổi. Bằng cách xây dựng mô hình CLB, tạo hứng thú đối với các môn học, các giáo viên đã giúp nhiều học sinh tìm thấy đam mê với khoa học.

Học sinh lớp 7, Trường THCS Vĩnh Tân thực hành chưng cất tinh dầu ở môn Vật lý. Ảnh: H.Yến
Học sinh lớp 7, Trường THCS Vĩnh Tân thực hành chưng cất tinh dầu ở môn Vật lý. Ảnh: H.Yến

Nhờ chịu khó tìm tòi, tổ chức hoạt động giáo dục STEM cho học sinh tham gia, nhiều giáo viên trong trường đã giúp học sinh có những trải nghiệm thú vị với các môn học, như môn Vật lý.

* Những trải nghiệm thú vị

Từ năm học 2017-2018, khi phong trào dạy học STEM được khuyến khích, cô Trần Thị Thanh, giáo viên môn Vật lý cùng với các đồng nghiệp trong trường đã bắt đầu mày mò đổi mới với môn Vật lý. So với các môn học khác, môn Vật lý có nhiều “đất” để học sinh trải nghiệm hơn. Đây là thuận lợi để cô Thanh triển khai.

Trước đó, các thí nghiệm Vật lý, các bài thực hành vốn chỉ quen được trình bày theo hướng “biểu diễn” hoặc học sinh chỉ được hướng dẫn sơ qua ở phòng Lab. Vì vậy, cô Thanh phải rất cân nhắc, lựa chọn những nội dung trải nghiệm đơn giản để không làm khó học sinh mà còn khiến các em hào hứng hơn.

Trường THCS Vĩnh Tân hiện có 7 lớp học theo mô hình dạy học Trường học Việt Nam mới (VNEN) ở các khối 7, 8, 9. Theo Ban giám hiệu nhà trường, việc thực hiện theo mô hình VNEN đã giúp nhà trường có nhiều thuận lợi trong tiếp cận dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Đặc biệt là trong khâu kiểm tra, đánh giá, triển khai dạy học các môn: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý

“Khi mới triển khai, bản thân tôi có nhiều bỡ ngỡ, phải tìm hiểu thêm trên internet. Quá trình triển khai, giáo viên theo sát học sinh, từ khâu lên ý tưởng, thực hành cho đến trình bày kết quả. Qua nhiều lần trải nghiệm như vậy, giáo viên đã có quy trình chuẩn, học sinh cũng quen với cách làm việc nhóm nên mỗi khi triển khai hoạt động trải nghiệm mới thì giáo viên đỡ vất vả hơn nhiều” - cô Thanh chia sẻ.

Cũng theo cô Thanh, từ những trải nghiệm STEM đơn giản, nhiều học trò đã khám phá ra đam mê của bản thân đối với lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Các em có nhiều ý tưởng sáng tạo và nỗ lực hoàn thành sản phẩm theo chủ đề bài học. Những sản phẩm, ý tưởng này được giáo viên khuyến khích, hỗ trợ để các em phát triển lên, trở thành các đề tài tham dự những cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh như: cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học và đã đạt được những kết quả cao.

Để khuyến khích học sinh tham gia hoạt động STEM nhưng không chiếm nhiều thời gian và làm ảnh hưởng đến môn học khác của học sinh, cô Thanh thường tổ chức cho học sinh tham gia 1-2 hoạt động STEM (có sản phẩm) trong 1 học kỳ. Tùy nội dung trải nghiệm, sản phẩm có thể hoàn thành trong một vài tuần, nhưng có khi kéo dài cả năm. Hoạt động này giúp học sinh hình thành kỹ năng nghiên cứu khoa học, đồng thời vun đắp ước mơ nghề nghiệp cho các em sau này. “Tuy có vất vả nhưng chúng tôi rất vui vì việc dụng phương pháp này đã gặt hái được thành công” - cô Thanh cho biết.

Trong năm học này, mặc dù đang dạy học online nhưng cô Thanh vẫn có thể triển khai hoạt động STEM phù hợp cho học sinh. Đối với học sinh lớp 8, cô Thanh đã giao nhiệm vụ cho lớp làm các sản phẩm liên quan đến chủ đề áp suất. Đây là chủ đề học trong 3 tuần. Vì vậy, học sinh có thời gian dài để chuẩn bị và hoàn thiện sản phẩm. Dự kiến, sau thời gian kiểm tra giữa học kỳ, cô Thanh sẽ tổ chức cho lớp báo cáo sản phẩm.

* Mô hình CLB Em yêu khoa học

Từ các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo trong các môn học, Trường THCS Vĩnh Tân đã xây dựng mô hình CLB Em yêu khoa học. Tùy sự tự nguyện và lựa chọn của học sinh, nhà trường thành lập nhiều CLB theo sở thích của các em. Trong đó, nòng cốt là CLB Khoa học kỹ thuật. CLB này chủ yếu do các giáo viên trong tổ Lý - Hóa - Sinh phụ trách hướng dẫn sinh hoạt.

Từ mô hình này, Trường THCS Vĩnh Tân đã “ươm mầm” cho nhiều học sinh đam mê khoa học kỹ thuật và bước đầu đạt được những thành tích đáng tự hào như: giải nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh; giải ba cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp quốc gia; đạt giải cấp tỉnh cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học.

Cô Trần Thị Nam, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ năm học 2017-2018, nhà trường đi tham quan hoạt động giáo dục STEM ở các trường bạn trong huyện, trong tỉnh, sau đó xây dựng kế hoạch triển khai tại trường. Ngoài CLB Khoa học kỹ thuật, trường còn có CLB xanh, CLB người dẫn chương trình (cả tiếng Anh và tiếng Việt)…

“Giáo dục STEM có vai trò lớn trong phát triển năng lực tự học, năng lực sáng tạo của học sinh. Thông qua hoạt động này, các em phát huy được mặt mạnh của bản thân; tự tìm tòi, khám phá, tự hình thành kiến thức thông qua mỗi sản phẩm các em làm” - cô Nam nói.

Chính vì những lợi ích đó nên dù trong bối cảnh dạy học online, việc thực hiện trải nghiệm sáng tạo cho học sinh là rất khó khăn nhưng Trường THCS Vĩnh Tân vẫn xây dựng, tổ chức giáo dục STEM thông qua các CLB.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng khuyến khích giáo viên tham gia phong trào, hội thi. Khi giáo viên có kỹ năng nghiên cứu khoa học, hoàn thành các dự án thì sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để hướng dẫn học sinh.

Tiến trình tổ chức hoạt động STEM gắn với chủ đề môn học

Bước 1: Hướng dẫn học sinh nghiên cứu tiếp nhận kiến thức bài học.

Bước 2:  Hướng dẫn thí nghiệm, thực hành.

Bước 3: Tìm ý tưởng sáng tạo (tìm ý tưởng sáng tạo qua thảo luận nhóm, trao đổi học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên…).

Bước 4: Chọn lọc và thực hiện ý tưởng sáng tạo, báo cáo sản phẩm trước lớp.

Trong các hoạt động trên, việc tìm ý tưởng và thực hiện ý tưởng là quan trọng nhất, giúp học sinh đưa kiến thức vào thực tế. Để học sinh có ý tưởng sáng tạo thì phần làm thí nghiệm, giáo viên nên yêu cầu học sinh tự tìm vật mẫu (thường là vật dễ tìm, sẵn có). Từ vật mẫu, học sinh dễ có ý tưởng sáng tạo từ đó sẽ có những sáng kiến thiết thực.

Hải Yến

Tin xem nhiều