Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải bài toán y tế cơ sở: Nghịch lý nơi thiếu, nơi thừa (Bài 2)

10:12, 06/12/2021

Là tuyến y tế gần dân nhất, hiểu dân nhất, nhưng đến nay rất nhiều trạm y tế trong tỉnh không thể triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) vì không có bác sĩ đáp ứng yêu cầu, đồng nghĩa với việc máy móc phải "trùm mền".

 

[links()]Là tuyến y tế gần dân nhất, hiểu dân nhất, nhưng đến nay rất nhiều trạm y tế trong tỉnh không thể triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) vì không có bác sĩ đáp ứng yêu cầu, đồng nghĩa với việc máy móc phải “trùm mền”.

Nhiều máy móc ở Trạm y tế xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) phải “trùm mền” nhiều năm nay vì không có bác sĩ sử dụng. Ảnh: H.Dung
Nhiều máy móc ở Trạm y tế xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) phải “trùm mền” nhiều năm nay vì không có bác sĩ sử dụng. Ảnh: H.Dung

Ngược lại, nhiều cơ sở đã xuống cấp trầm trọng, cơ sở vật chất không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của trạm và quyền lợi của người dân.

* Máy móc “trùm mền” vì không có bác sĩ

Giám đốc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu Hồ Văn Hoài cho biết, nhân lực y tế toàn huyện hiện có 400 cán bộ, nhân viên, trong đó chỉ có 55 bác sĩ, đạt tỷ lệ 4,4 bác sĩ/vạn dân, chỉ bằng một nửa so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh. Do gặp khó khăn về nhân lực nên việc đưa bác sĩ về tuyến xã ở Vĩnh Cửu rất gian nan. Trong số 12 trạm y tế chỉ có 4 trạm có bác sĩ cơ hữu. Các trạm còn lại không có bác sĩ cơ hữu, phải điều bác sĩ từ Trung tâm Y tế huyện về xã để tham gia trạm y tế cố định và trạm y tế lưu động. Đáng nói, mặc dù là huyện nông thôn, có những xã ở vùng sâu, vùng xa nhưng H.Vĩnh Cửu chỉ có 2 trạm y tế có thể triển khai khám chữa bệnh BHYT cho người dân là Trạm y tế Vĩnh Tân và Bình Lợi, 2 trạm còn lại có bác sĩ nhưng là bác sĩ dự phòng hoặc chưa có chứng chỉ hành nghề nên không thể triển khai khám chữa bệnh BHYT cho người dân.

Cuối tháng 10-2021, Sở Y tế có văn bản gửi Sở KH-ĐT về việc đề xuất đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 đối với 104/170 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trong đó, H.Cẩm Mỹ có 10 trạm, TP.Long Khánh 5 trạm, H.Tân Phú 8 trạm, TP.Biên Hòa 19 trạm, H.Định Quán 8 trạm, H.Trảng Bom 13 trạm, H.Long Thành 10 trạm, H.Xuân Lộc 6 trạm, H.Thống Nhất 10 trạm, H.Vĩnh Cửu 6 trạm, H.Nhơn Trạch 9 trạm.

“Huyện luôn trong tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng, đặc biệt là từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh. Yêu cầu triển khai trạm y tế lưu động phải có bác sĩ nên trung tâm phải tìm mọi cách để xoay cho đủ mỗi trạm 1 bác sĩ. Tuy nhiên, có những bác sĩ chưa đủ chuẩn để khám BHYT nên không biết việc thanh toán khám, chữa bệnh BHYT sẽ tính ra sao, có được thanh toán hay không. Ở điều kiện bình thường, việc triển khai khám chữa bệnh BHYT ở tuyến xã đã khó, nay dịch bệnh lại càng khó khăn hơn. Đối với người dân xã vùng sâu Phú Lý, hiện huyện đang duy trì phòng khám đa khoa khu vực, nhưng bị khống chế nhiều vấn đề. Đó là không được điều trị nội trú tại phòng khám, bệnh nhân muốn điều trị nội trú phải đi hơn 40km lên Trung tâm Y tế huyện đặt tại TT.Vĩnh An hoặc lên các bệnh viện tuyến tỉnh ở TP.Biên Hòa để điều trị” - BS Hoài trăn trở.

Do không có bác sĩ nên một số trạm y tế trên địa bàn H.Vĩnh Cửu dù được xây dựng khang trang, được đầu tư máy xét nghiệm, máy siêu âm, điện tim… hiện đại nhưng đều phải “trùm mền”. Các dụng cụ, trang thiết bị y học cổ truyền, tủ thuốc y học cổ truyền cũng không được triển khai. Không có trạm y tế nào được làm siêu âm, điện tim. Có giai đoạn 1 trạm y tế được đầu tư 2 máy siêu âm nhưng không được sử dụng.

Cuối năm 2019, Trạm y tế xã Hiếu Liêm được đầu tư xây mới, cấp nhiều trang thiết bị, máy móc như: máy siêu âm, điện tim, các loại máy móc thuộc lĩnh vực y học cổ truyền nhưng đến nay, các loại máy này vẫn còn để trong kho, chưa được sử dụng vì không có bác sĩ đáp ứng yêu cầu. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân trong xã Hiếu Liêm muốn khám, chữa bệnh BHYT phải lên Trung tâm Y tế huyện hoặc các bệnh viện tuyến trên để khám, rất xa xôi, vất vả và tốn kém.

Tương tự, Trạm y tế xã Mã Đà cũng được đầu tư rất bài bản từ cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc nhưng đến nay, người dân vẫn không được khám, chữa bệnh BHYT. Nguyên nhân là do toàn trạm chỉ có 1 nữ hộ sinh, 2 điều dưỡng, 1 y sĩ, 1 cộng tác viên dân số, 1 dược sĩ, không có bác sĩ.

* Cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng

BS Trương Văn Đức, Trưởng Trạm y tế xã Đại Phước (H.Nhơn Trạch) cho biết, trạm được xây dựng từ năm 2005, trước đây là cơ sở của một phòng khám đa khoa khu vực để lại. Cơ sở vật chất của trạm hiện đã xuống cấp nhiều. Các cánh cửa đều đã hoen gỉ, nhiều nơi tường mọc rêu, thấm nước, phòng ốc chật chội, không đủ diện tích để làm việc.

Trong khi đó, Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa nhiều năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Trần nhà nhiều phòng làm việc bong tróc, phải che bạt để ngăn hồ vữa rơi từ trên cao xuống. Tường của nhiều phòng nứt toác, thấm nước gây ẩm thấp, thậm chí cây dương xỉ còn mọc lên xanh tốt ở các kẽ tường chỗ bị thấm nước.

BS LÊ QUANG TRUNG, Phó giám đốc Sở Y tế cho rằng: “Bác sĩ ở trạm y tế không thể toàn tâm toàn ý khám chữa bệnh bởi phải “ôm” quá nhiều việc. Toàn trạm y tế chỉ có 1 bác sĩ nhưng lúc thì đi xét nghiệm, lúc thì đi lấy mẫu, tiêm chủng, làm các chương trình mục tiêu y tế quốc gia như: nước sạch nông thôn, dân số kế hoạch hóa gia đình, rồi đi họp hành các kiểu. Việc không có thời gian để làm chuyên môn hay đầu tư nâng cao kiến thức chuyên môn khiến nhiều bác sĩ của trạm y tế chán nản. Người dân một lần đến trạm không được khám BHYT, không có bác sĩ thì cũng sẽ không đến vào những lần sau”.

Còn tại Trạm y tế P.Tân Phong (TP.Biên Hòa), cánh cửa cổng, hàng rào và một số cánh cửa của các phòng chức năng đã hỏng từ lâu, năm nào trạm cũng làm đề xuất sửa chữa, mua sắm nhưng không nhận được phản hồi. Mới đây, sau nhiều lần kiến nghị không được, các nhân viên y tế của trạm phải góp tiền túi để mua 3 quạt máy phục vụ công việc tại trạm.

BS Hoàng Trọng Đại, Trưởng Trạm Y tế P.Tân Phong cho biết, toàn trạm chỉ còn 1 máy hấp dụng cụ còn hoạt động được, còn lại đều đã hư hỏng hoặc chạy chập chờn. Trạm đề xuất cơ quan chức năng cấp thêm cho trạm một số bộ đồ tiểu phẫu để kịp thời xử lý vết thương, sơ cấp cứu ban đầu cho người dân trong những tình huống khẩn cấp. Bởi hiện nay, 2 bộ đồ tiểu phẫu mà trạm được cấp đều đã cũ kỹ. Ngoài ra, máy vi tính tại trạm cũng đã hư hỏng, rất cần được cấp mới để có thể sử dụng, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

BS Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Long Thành chia sẻ, toàn huyện mới chỉ có 4 trạm y tế được xây mới, còn 10 trạm đã được xây từ lâu, xuống cấp nhiều. Về trang thiết bị máy móc, mặc dù cơ bản đáp ứng được nhưng cũng mới chỉ có 9 trạm y tế có máy siêu âm, được đầu tư từ năm 2008. Ngoài ra, mới 2 trạm y tế có máy xét nghiệm.

* Khẩn trương xây mới, sửa chữa

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình cho hay, trong số 170 trạm y tế của tỉnh, có khoảng 130 trạm do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư xây dựng; 34 trạm được đầu tư xây mới trong giai đoạn 2011-2017 do Sở Y tế làm chủ đầu tư và 25 trạm do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư xây dựng. Kinh phí đầu tư xây mới mỗi trạm từ 5-8 tỷ đồng.

Từ khi thực hiện Kế hoạch số 5463/KH-UBND ngày 8-6-2018 của UBND tỉnh về thực hiện đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đến nay còn 17 trạm y tế chưa hoàn thành. Đa số các trạm y tế khác đều được xây dựng trước năm 2000, qua nhiều lần sửa chữa từ nguồn vốn thường xuyên, nguồn hỗ trợ của UBND xã và nguồn sự nghiệp đến nay cơ sở vật chất đã xuống cấp nhiều. Trang thiết bị y tế được đầu tư cho các trạm y tế đến nay đã hết khấu hao nhưng vẫn đang được tiếp tục sử dụng. Từ đó, dẫn đến chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở giảm, điều kiện làm việc và điều kiện phục vụ bệnh nhân ở một số nơi chưa đạt yêu cầu. Qua rà soát, còn 34 trạm y tế thiếu trang thiết bị y tế chưa được đầu tư.

Để đạt được chỉ tiêu 100% trạm y tế có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT và thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; duy trì 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được đầu tư cơ sở vật chất; 100% trạm y tế xã, phường thị trấn có bác sĩ làm việc và 100% dân số được quản lý, theo dõi hồ sơ sức khỏe đến từng người dân, ngành Y tế phải được đáp ứng về nhu cầu cơ sở vật chất và trang thiết bị, máy móc cần thiết.

Hạnh Dung

Bài 3: Đầu tư thỏa đáng cho y tế cơ sở

Tin xem nhiều