Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng hòa giải, giảm tranh chấp

07:04, 15/04/2022

Theo các cơ quan chức năng của tỉnh đánh giá, tình hình khiếu kiện, tranh chấp có tăng lên theo từng năm. Tuy nhiên, nhờ công tác hòa giải được chú trọng và thực hiện có hiệu quả nên giảm bớt phần nào những mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài, giữ gìn tình cảm gia đình, làng xóm và quan hệ hợp tác kinh doanh…

Theo các cơ quan chức năng của tỉnh đánh giá, tình hình khiếu kiện, tranh chấp có tăng lên theo từng năm. Tuy nhiên, nhờ công tác hòa giải được chú trọng và thực hiện có hiệu quả nên giảm bớt phần nào những mâu thuẫn, tranh chấp kéo dài, giữ gìn tình cảm gia đình, làng xóm và quan hệ hợp tác kinh doanh…

Thẩm phán TAND tỉnh thực hiện công tác tiếp công dân, hòa giải trong các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất trong quá trình giải quyết vụ án. Ảnh: Tố Tâm
Thẩm phán TAND tỉnh thực hiện công tác tiếp công dân, hòa giải trong các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất trong quá trình giải quyết vụ án. Ảnh: Tố Tâm

* Một điều nhịn, chín điều lành

Vào cuối tháng 3-2022, trong căn phòng hòa giải tại TAND H.Trảng Bom, thẩm phán Đào Duy Mạnh lật từng trang hồ sơ, đưa ra từng chứng cứ của các bên cung cấp trong một vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất để giải thích cho các đương sự về quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Sau khi hiểu ra vấn đề, các đương sự bắt đầu ngồi lại với nhau để thỏa thuận và đi đến thống nhất ký vào biên bản hòa giải.

Để đi đến được quyết định hòa giải đó, thẩm phán TAND H.Trảng Bom đã phải trải qua hơn 1 năm thu thập chứng cứ, tài liệu và sau hàng chục lần mời các bên đương sự đến trao đổi, giải thích các quy định của pháp luật và làm công tác tâm lý để mỗi người có thể “lùi một bước” đi đến quyết định đúng đắn, thuận hòa.

Tỷ lệ hòa giải tăng

Trong năm 2021, TAND 2 cấp đã hòa giải thành, công nhận sự thỏa thuận gần 5,6 ngàn vụ, việc/hơn 9,9 ngàn vụ, việc (đạt tỷ lệ hơn 56%, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2020). Tính từ tháng 10-2021 đến nay, toàn ngành tòa án tỉnh đã hòa giải thành, công nhận sự thỏa thuận hơn 3,4 ngàn vụ, việc (đạt tỷ lệ hơn 57%).

Theo nội dung vụ tranh chấp, vào năm 2006, bà T. (60 tuổi, ngụ TP.HCM) có mua thửa đất tại xã Sông Thao với diện tích hơn 9 ngàn m2. Tuy nhiên, đến năm 2020, bà T. đo đạc lại đất thì phát hiện diện tích đất chỉ còn hơn 8,4 ngàn m2 (phần đất bị lấn chiếm khoảng 600m2). Kiểm tra lại, bà T. phát hiện một phần diện tích đất bị mất đang được hàng xóm là ông H. (48 tuổi, ngụ xã Sông Thao) quản lý, sử dụng. Để phân định lại ranh giới và phần đất đã mua, khi hai bên không thể tự thỏa thuận với nhau, vào đầu năm 2021, bà T. đã làm đơn khởi kiện yêu cầu ông H. trả lại đất cho mình.

Khi thụ lý vụ án, thẩm phán Mạnh đã đến hiện trường đo đạc lại hiện trạng đất, mời các đương sự đến làm việc nhiều lần để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các bên. Đồng thời, tiến hành thu thập các chứng cứ của vụ án để xác định được ranh giới và phần đất đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ai.

Hồ sơ xác định phần diện tích đất trên là của bà T., nhưng gia đình ông H. đã xây dựng các công trình nhà ở trên đất và cư trú từ năm 2008 nên thẩm phán Mạnh đã tiến hành các bước hòa giải theo đúng quy định pháp luật; đồng thời, ra sức thuyết phục, giải thích các quy định của pháp luật giúp các đương sự hiểu rõ vấn đề đang tranh chấp.

Sau nhiều lần giải quyết hòa giải, cuối tháng 3-2022, các đương sự đã đi đến thống nhất, ông H. sẽ tiếp tục được quyền sử dụng phần đất đã lấn chiếm trước đó và phải trả số tiền 50 triệu đồng cho bà T. Với sự chứng kiến của thẩm phán, mới đây đại diện gia đình bà T. và gia đình ông H. đã vui vẻ cùng nhau đến cắm lại mốc ranh giới để xác định lại diện tích đất rõ ràng hơn, tránh tranh chấp về sau.

Mới đây, gia đình bà A. (78 tuổi, ngụ H.Vĩnh Cửu) và anh Đ. hàng xóm đã vui vẻ cùng mở cổng chắn lối đi theo như thỏa thuận trước đó. Với họ, để có thể giữ lại được tình làng nghĩa xóm như hiện tại là nhờ công sức rất lớn của thẩm phán và thư ký TAND tỉnh trong suốt một thời gian dài.

Cụ thể, bà A. cho biết, vào năm 2007, gia đình bà mua đất thửa 37, tờ bản đồ số 22, xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) và có lối đi riêng qua đất nhà anh Đ. Tuy nhiên, đến năm 2019, anh Đ. xây cổng rào khóa cổng chắn lối đi làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình bà A.

Đến năm 2020, TAND H.Vĩnh Cửu xét xử, yêu cầu anh Đ. mở lối đi cho bà A; đồng thời, buộc bà A. thanh toán lại số tiền hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Đ. làm đơn kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm giải quyết. Sau quá trình thẩm phán tiến hành thuyết phục, hòa giải giữa các bên nhiều lần, đến cuối năm 2021, TAND tỉnh đã sửa bản án sơ thẩm do đương sự tự nguyện thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Cụ thể, anh Đ. mở lối đi cho bà A. và bà A. có nghĩa vụ thanh toán lại số tiền 370 triệu đồng.

* Phát huy quyền định đoạt của đương sự

Để có thể hòa giải thành một vụ tranh chấp dân sự, thẩm phán Đào Duy Mạnh, TAND H.Trảng Bom, đã phải mất rất nhiều công sức để thuyết phục các đương sự giảm bớt căng thẳng. Đa phần khi tranh chấp, khởi kiện ra tòa, ai cũng muốn tranh giành phần thắng về phía mình. Tuy nhiên, dù các bên có mâu thuẫn kéo dài nhưng một số vị thẩm phán vẫn hàn gắn được tình cảm và hóa giải được những mâu thuẫn giữa các đương sự trong các vụ tranh chấp phức tạp.

Các đương sự trong một vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất vui vẻ cùng nhau tham gia đo đạc, cắm lại mốc ranh giới giữa đôi bên sau khi được TAND H.Trảng Bom hòa giải thành. Ảnh: Tố Tâm
Các đương sự trong một vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất vui vẻ cùng nhau tham gia đo đạc, cắm lại mốc ranh giới giữa đôi bên sau khi được TAND H.Trảng Bom hòa giải thành. Ảnh: Tố Tâm

“Chúng tôi phải biết nắm bắt nguyên nhân mâu thuẫn gay gắt và mấu chốt của vấn đề tranh chấp giữa hai bên để giúp họ gỡ vướng. Đồng thời, hiểu được đúng sai trong vụ án để giải thích được lợi ích của các bên khi thỏa thuận được với nhau; giúp họ hiểu được những khó khăn nếu tiếp tục tranh chấp sẽ khiến vụ án kéo dài, gây ảnh hưởng đến tinh thần lẫn cuộc sống của đôi bên. Từ đó, họ sẽ có lựa chọn cho mình để đồng ý hòa giải hay không” - thẩm phán Mạnh cho hay.

Về công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án, Chánh án TAND H.Định Quán Phan Thanh Hà cho hay, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính trên địa bàn tiếp tục gia tăng, tính chất ngày càng phức tạp, ngoài việc giải quyết tốt công tác xét xử, TAND huyện cũng chú trọng đến công tác thi hành hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Để đạt được kết quả cao trong việc giải quyết các vụ án, trong quá trình nhận và xử lý đơn khởi kiện, TAND huyện đã chú trọng tuyên truyền Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án cho người khởi kiện, người yêu cầu biết đây là giải pháp khả thi và hiệu quả nhất. Các bên hiểu được ý nghĩa và lợi ích mà hòa giải, đối thoại mang lại cho họ thì họ sẽ lựa chọn cơ chế hòa giải, giúp quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại trở nên nhanh chóng, thuận lợi do các bên hợp tác tích cực, góp phần vào sự thành công của quá trình hòa giải, đối thoại.

Chánh án TAND H.Trảng Bom Nguyễn Mạnh Dần cho biết thêm, công tác hòa giải đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Nhìn nhận được tầm quan trọng đó nên TAND H.Trảng Bom luôn coi trọng công tác hòa giải nhằm mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Cụ thể, việc hòa giải trước hết là nhằm giảm bớt, giải tỏa được những mâu thuẫn, căng thẳng trong gia đình, xã hội, giúp giữ gìn tình cảm giữa người thân, hàng xóm với nhau; các bên đều chủ động thi hành án mà không cần cơ quan chức năng can thiệp, cưỡng chế; nếu có thể hòa giải thì vụ kiện sẽ không phải giải quyết ở cấp phúc thẩm, đỡ mất thời gian và công sức, giảm bớt áp lực và công việc cho tòa án cấp trên. Đặc biệt là nhờ vào công tác hòa giải thành sẽ không gây bức xúc, căng thẳng cho người dân và cũng là cách để phát huy quyền tự định đoạt của đương sự.

Do đó, theo một số thẩm phán TAND 2 cấp trong tỉnh, để giúp công tác hòa giải đạt được kết quả tốt, thẩm phán, thư ký phải chuyên tâm trong các mặt công tác, ngành tòa án phải thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn và nhất là thường xuyên trao đổi để rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết án, giúp công tác hòa giải đạt hiệu quả cao, quá trình giải quyết án được nhanh, thuận lợi và đúng quy định pháp luật.

“Tòa án là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Mỗi khi tranh chấp, các đương sự đều rất căng thẳng và muốn phần thắng thuộc về mình. Do đó, để hòa giải thành các vụ tranh chấp, các thẩm phán phải thu thập đầy đủ chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó mới có thể giải thích tính đúng sai, được mất của các đương sự trong vụ án. Qua đây giúp họ nhìn nhận lại lợi ích của bản thân để có quyết định đúng đắn khi tự thỏa thuận với nhau” - Chánh án TAND H.Trảng Bom NGUYỄN MẠNH DẦN cho biết.

Tố Tâm

Tin xem nhiều