Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng thuận, góp sức phục vụ các dự án

06:08, 01/08/2022

Trong số những hộ dân bị thu hồi đất phục vụ các dự án, công trình trên địa bàn Đồng Nai, có nhiều trường hợp là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong số những hộ dân bị thu hồi đất phục vụ các dự án, công trình trên địa bàn Đồng Nai, có nhiều trường hợp là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngồi ở căn nhà mới, gia đình ông Lâm Văn Lộc (dân tộc Nùng, xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) nhìn về hướng dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang thực hiện trên phần đất cũ trước đây của gia đình. Ảnh: S.Thao
Ngồi ở căn nhà mới, gia đình ông Lâm Văn Lộc (dân tộc Nùng, xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) nhìn về hướng dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang thực hiện trên phần đất cũ trước đây của gia đình. Ảnh: S.Thao

Thời gian qua, bà con đều đồng thuận và chấp hành việc thu hồi, bồi thường, bố trí tái định cư của chính quyền địa phương nhằm góp phần tạo thuận lợi cho các dự án triển khai.

* Tạo thuận lợi cho công trình trọng điểm

Trong số này có hộ ông Trần Kiếm Hoa (dân tộc Hoa, xã Bình Sơn, H.Long Thành) có đất bị thu hồi nằm trong dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Gia đình ông Hoa có gần 1,5ha đất sản xuất sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 1,1ha nằm trong diện thu hồi phục vụ dự án này.

Ông Hoa nói: “Khi Nhà nước tiến hành thông báo về dự án rồi thực hiện các bước tiếp theo, gia đình tôi đồng thuận và chấp hành. Những thiệt thòi, bất tiện với gia đình khi phải xa nơi gắn bó nhiều năm là không hề nhỏ song lợi ích mà dự án đem lại sau khi hoàn thành sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của địa phương, đất nước. Chính vì vậy, gia đình chấp hành”.

Ông Hoa là một trong số 10 hộ đồng bào dân tộc Hoa tại xã Bình Sơn có đất bị thu hồi phục vụ dự án này và bà con đều chấp thuận, tạo điều kiện để địa phương thực hiện các thủ tục liên quan.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) Hoàng Mỹ Đức, quá trình thực hiện dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn xã có 128 hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất phục vụ dự án. Gần 1/2 số hộ này là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, hộ ông Lâm Văn Lộc (dân tộc Nùng) có 420m2 nằm trong diện thu hồi phục vụ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Tuy diện tích đất thu hồi không nhiều song vị trí đất thu hồi lại nằm ngay căn nhà của gia đình ông.

Ông Lộc cho hay, thông qua công tác thông tin tuyên truyền của địa phương, ông cùng những hộ khác nắm rõ được chủ trương, phương án thực hiện dự án. Qua các buổi tiếp xúc, vận động, hỗ trợ hợp lý của chính quyền các cấp, gia đình ông thống nhất bàn giao đất, nhà và nhận tiền đền bù, tái định cư.

“Đến nay, từ tiền đền bù và tích góp, gia đình tôi đã xây dựng căn nhà mới cách vị trí cũ chỉ vài chục mét. Gia đình rất háo hức chờ đợi công trình đi vào hoạt động mà ở đó có một phần đóng góp nhỏ của cả nhà và thành viên gia đình cũng sẽ được hưởng lợi từ công trình giao thông này” - ông Lộc chia sẻ.

* Chủ động cùng địa phương

Cùng với các dự án trọng điểm, đồng bào dân tộc thiểu số còn sẵn sàng hiến đất để địa phương thuận lợi trong thực hiện các công trình phát triển quê hương.

Theo bà Lầu Tài Múi, dân tộc Hoa (ngụ xã Phú Bình, H.Tân Phú), khu vực đồng bào Hoa tại xã Phú Bình là nơi sinh sống của 463 hộ đồng bào. Bà con sống tập trung thành khu dân cư nên khi địa phương triển khai các hoạt động xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình đèn điện chiếu sáng bằng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, hay nhân dân tự nguyện đóng góp thực hiện các hạng mục trong khu dân cư thì gia đình nào cũng đồng thuận và có sự chung tay. Qua đó, hàng ngàn m2 đất đã được đồng bào hiến để mở đường, làm cống thoát nước. Bà con cũng tự nguyện ra quân dọn đẹp vệ sinh môi trường hằng tháng.

Nhờ vậy, bộ mặt khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Phú Bình phát triển từng ngày. Đến nay, tất cả các tuyến đường trong vùng đồng bào Hoa tại đây đều được bê tông và đang tiến đến nâng cấp theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn.

“Trong hơn 20 năm giữ các vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôi cảm nhận sự gắn bó của đồng bào với cấp ủy Đảng, chính quyền, hội đoàn thể cơ sở ngày càng được nâng cao. Đồng bào sẵn sàng bỏ qua lợi ích riêng để đồng thuận thực hiện các phần việc đem lại lợi ích chung mà chính quyền phát động” - bà Múi nói.

Còn bà Nguyễn Thị Sao, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh) cho biết thêm, năm 2021, địa phương thực hiện mở rộng đường số 5 thuộc KP.Ruộng Lớn, P.Bảo Vinh. Trong đó, có 15 hộ đồng bào có đất nằm trong phần mở rộng đường này. Có gia đình phần lùi vào sâu 10m để mở rộng đường vào đến tận hiên nhà hay giữa nhà.

Cũng theo bà Sao, ban đầu, bà con có nhiều nỗi lo lắng nhưng khi được thông tin về lợi ích mà con đường đem lại, các chính sách hỗ trợ dành cho người bị ảnh hưởng khi thực hiện con đường thì người dân đồng thuận. Từ đó, mỗi hộ tự tháo dỡ các công trình trên phần đất này trước khi công trình đi vào khởi công. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường còn chọn khu vực đồng bào dân tộc Chơro sinh sống tập trung này triển khai mô hình bảo vệ môi trường gắn với an ninh trật tự và được người dân hưởng ứng tham gia.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh NGUYỄN VĂN KHANG, Đồng Nai có trên 198 ngàn đồng bào dân tộc thuộc 51 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống. Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai triển khai nhiều công trình, dự án giao thông có thu hồi diện tích đất lớn. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động cũng như hỗ trợ về các vấn đề liên quan, đồng bào dân tộc thiểu số đã đồng thuận, góp sức cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Văn Truyên

Tin xem nhiều