Báo Đồng Nai điện tử
En

Khoa học - công nghệ là động lực của sự phát triển

03:08, 26/08/2022

Sở KH-CN (tiền thân là Ban Khoa học - kỹ thuật (KH-KT) Đồng Nai) được thành lập vào ngày 27-8-1977. Trong 45 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngành KH-CN Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Sở KH-CN (tiền thân là Ban Khoa học - kỹ thuật (KH-KT) Đồng Nai) được thành lập vào ngày 27-8-1977. Trong 45 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngành KH-CN Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bên phải) và Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai (TechFest DongNai) năm 2021
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bên phải) và Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai (TechFest DongNai) năm 2021. Ảnh: H.DUNG

TS LẠI THẾ THÔNG, Giám đốc Sở KH-CN cho biết ngành KH-CN Đồng Nai sẽ “thở” cùng “hơi thở” của thời đại, tiếp tục là động lực, đòn bẩy của sự phát triển, hướng đến mục tiêu xây dựng Đồng Nai phát triển toàn diện, là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước vào năm 2025.

Thực hiện sứ mệnh trong từng giai đoạn

 Xin ông cho biết những đóng góp của ngành KH-CN đối với sự phát triển chung của tỉnh?

- Giai đoạn mới bước vào kiến thiết đất nước, Ban KH-KT Đồng Nai đã phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh khắc phục tình trạng KH-KT còn thiếu thốn, thấp kém và lạc hậu; thực hiện các chương trình trọng điểm về nông nghiệp, công nghiệp liên quan đến KH-KT để khôi phục, phát triển kinh tế, củng cố chính trị, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Các giai đoạn sau đó, KH-KT dần được đổi mới phù hợp với nền kinh tế thị trường. Các hoạt động KH-KT tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, gắn nghiên cứu với đào tạo và sản xuất, kinh doanh; tăng kinh phí cho các dự án sản xuất thử nghiệm, các dự án xây dựng mô hình áp dụng
KH-CN phục vụ phát triển nông thôn, miền núi.

Tháng 7-2003, Sở KH-CN được thành lập trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước về môi trường. Đây là giai đoạn lấy công nghệ thông tin (CNTT), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ sinh học làm mũi nhọn để phát triển KH-CN và kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Giai đoạn này, tỉnh đạt được bước phát triển rực rỡ về CNTT. Thành tựu nổi bật là đã triển khai thành công các chương trình đào tạo trình độ tin học A, B cho cán bộ từ tỉnh đến xã; đào tạo sau đại học cho cán bộ công chức, viên chức và học sinh, sinh viên; đưa internet về vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, nhiều sản phẩm KH-CN được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao trong cả nước như: sản phẩm Văn phòng điện tử (M-Office), phần mềm chữ ký điện tử, mã hóa dữ liệu…

 Các lĩnh vực của đời sống thay đổi như thế nào khi KH-CN được áp dụng, thưa ông?

- Trên lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng KH-CN đã làm tăng năng suất, giá trị sản lượng nông sản, thực phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tại Đồng Nai. Qua đó, mở rộng thị trường, tăng khả năng xuất khẩu thông qua việc chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác. Từng bước xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hôm nay 26-8, tại TP.Biên Hòa, sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 45 năm thành lập ngành KH-CN tỉnh Đồng Nai và chương trình lãnh đạo tỉnh gặp gỡ các nhà khoa học đầu ngành.

Trên lĩnh vực công nghiệp và công nghệ, Đồng Nai đã triển khai các đề tài, dự án phục vụ cho công tác chọn lọc công nghệ, cải tiến công nghệ phù hợp với điều kiện tỉnh nhà, nhất là công nghệ chế biến, điều tra tình hình công nghệ của địa phương, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Trên lĩnh vực CNTT, đã góp phần thiết kế, chế tạo mới và cải tiến được nhiều loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao; xây dựng được các hệ thống giám sát và kiểm soát an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng, đẩy mạnh áp dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, đưa CNTT về vùng nông thôn, phục vụ nâng cao kiến thức người dân và góp phần phát triển hạ tầng CNTT ở cơ sở.

Đến nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; thực hiện gửi nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông tỉnh. Đồng thời, đã thực hiện kết nối hệ thống quản lý văn bản của tỉnh với hệ thống quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; đặc biệt, đã thực hiện ký số trên các thiết bị di động.

KH-CN phải mang tính ứng dụng cao

 Việc xóa bỏ cơ chế xin - cho trong thực hiện nhiệm vụ KH-CN có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Giai đoạn 2016-2020, ngành KH-CN Đồng Nai có nhiều đổi mới trong cơ chế tài chính, cơ chế tuyển chọn, đặt hàng các nhà khoa học trong thực hiện các nhiệm vụ KH-CN cấp bách, phục vụ công tác quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Giai đoạn này đã xóa bỏ cơ chế xin - cho, chuyển sang cơ chế xét chọn đề tài có trọng tâm, trọng điểm. Các nhiệm vụ KH-CN đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị nên việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng đạt hiệu quả cao.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng và lãnh đạo Sở KH-CN nghe giới thiệu về dự án Tiếng nói của rừng, một trong những giải pháp đoạt giải nhất chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập năm 2021
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng và lãnh đạo Sở KH-CN nghe giới thiệu về dự án Tiếng nói của rừng, một trong những giải pháp đoạt giải nhất chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập năm 2021. Ảnh: TKC ĐỒNG NAI

Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp. Đồng Nai đã khuyến khích, huy động vốn của ngành, tổ chức và vốn cá nhân đầu tư thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ như thực hiện cơ chế 50/50, cơ chế 70/30 (gồm kinh phí KH-CN cấp tỉnh và huy động vốn của ngành, tổ chức và vốn cá nhân).

 Nguồn nhân lực được xem là yếu tố then chốt để phát triển KH-CN nhưng hiện nay Đồng Nai lại chưa có cơ chế chính sách để ưu tiên thu hút, giữ chân các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao an tâm gắn bó, cống hiến cho tỉnh. Vậy trách nhiệm của Sở KH-CN là gì?

- Ngoài những khó khăn như: sự hiểu biết về KH-CN của doanh nghiệp, người dân còn những hạn chế nhất định; đầu tư cho hạ tầng KH-CN chưa tương xứng thì việc chưa có cơ chế, chính sách để ưu tiên cho các nhà khoa học có trình độ cao làm việc trên địa bàn tỉnh khiến ngành KH-CN gặp ít nhiều khó khăn.

Do đó, thời gian qua, ngành KH-CN Đồng Nai đẩy mạnh liên kết với các viện, trường, tạo điều kiện cho các nhà khoa học của các viện, trường có điều kiện nghiên cứu, ứng dụng các đề tài KH-CN trên địa bàn tỉnh. Từ đó tạo động lực cho các nhà khoa học say mê nghiên cứu và ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập ngành KH-CN, Sở KH-CN sẽ ký kết với các viện, trường để thúc đẩy hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo, cũng như đào tạo cán bộ. Đồng thời, Sở đang tham mưu cho tỉnh xây dựng chính sách thu hút nhân lực KH-CN chất lượng cao.

 Xin cảm ơn ông!

Hạnh Dung (thực hiện)

Tin xem nhiều