Báo Đồng Nai điện tử
En

Cung cấp đủ vaccine, đáp ứng nhu cầu tiêm phòng của người dân

07:02, 10/02/2023

Sau Tết, lượng người dân đến đăng ký khám và tiêm các loại vaccine phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) tăng cao. Trong đó, nhiều nhất vẫn là khách hàng đến tiêm vaccine phòng dại và vaccine phòng bệnh cúm mùa, viêm phổi.

Sau Tết, lượng người dân đến đăng ký khám và tiêm các loại vaccine phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) tăng cao. Trong đó, nhiều nhất vẫn là khách hàng đến tiêm vaccine phòng dại và vaccine phòng bệnh cúm mùa, viêm phổi.

BS Phan Khắc Tuệ, Phó trưởng Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám và tư vấn cho người dân đến tiêm vaccine. Ảnh: H.YẾN
BS Phan Khắc Tuệ, Phó trưởng Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám và tư vấn cho người dân đến tiêm vaccine. Ảnh: H.YẾN

Năm nay, CDC Đồng Nai đã thực hiện thủ tục đấu thầu và có đầy đủ các loại vaccine dịch vụ để đảm bảo nhu cầu tiêm chủng của người dân.

Lượng người dân tiêm vaccine dịch vụ tăng

Hiện nay, CDC Đồng Nai đã nhận các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) và tiến hành phân bổ cho các địa phương nhằm thực hiện đạt chỉ tiêu tiêm chủng.

Mục tiêu của hoạt động TCMR nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% ở quy mô xã, phường, thị trấn; tiêm chủng các loại vaccine khác đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của chương trình TCMR; duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi.

Theo BS Phan Khắc Tuệ, Phó trưởng Phòng khám đa khoa (thuộc CDC Đồng Nai), thông thường thời điểm sau Tết lượng khách hàng đến khám và tiêm chủng các loại vaccine phòng bệnh dịch vụ luôn tăng cao. Nếu như trước Tết, trung bình mỗi ngày khoảng 150 lượt người đến tiêm phòng thì thời điểm sau Tết tăng lên khoảng 200 lượt người/ngày.

Riêng vào các buổi sáng thứ bảy và chủ nhật, lượng người đến tiêm chủng đông hơn, có khi lên đến gần 300 người/buổi. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, phòng khám đã bố trí thêm 1 bác sĩ khám và 1 điều dưỡng tiêm vào 2 buổi sáng cuối tuần.

Vaccine phòng bệnh dại là vaccine được người dân đến tiêm nhiều nhất. Theo đó, trong tháng 1 có 980 lượt người đến CDC Đồng Nai tiêm loại vaccine này (tăng hơn 120 lượt người so với tháng 12-2022). BS Phan Khắc Tuệ cho rằng, do thời điểm Tết người dân đi chơi, đi chúc Tết nhiều và bị chó, mèo cắn hoặc liếm vào các vết thương hở. Bên cạnh đó, hiện miền Nam đã bước vào mùa nắng nóng, nguy cơ tiềm ẩn bệnh dại tăng cao. Trên thực tế, một số tỉnh có người bị chó dại cắn nhưng chủ quan không tiêm phòng dẫn đến tử vong…

“Những thông tin này cũng góp phần giúp người dân nâng cao ý thức phòng bệnh. Vì vậy, khi bị chó, mèo cắn, người dân đã chủ động đi tiêm phòng” - BS Tuệ chia sẻ.

Vaccine phòng bệnh cúm mùa và viêm phổi cũng là những loại vaccine được nhiều người dân ưu tiên tiêm trong thời điểm này.

BS Tuệ lý giải: “Thông thường, tháng 3 hàng năm là thời điểm bắt đầu dịch cúm mùa, trong khi loại vaccine phòng bệnh này phải tiêm được 3 tuần thì mới sinh kháng thể để chống lại virus cúm mùa. Hiện nay là thời điểm phù hợp để tiêm phòng loại bệnh này nên nhiều người dân đã chủ động tiêm vaccine”.

BS Phan Khắc Tuệ cho biết, năm 2022, số lượng các loại vaccine trúng thầu của CDC Đồng Nai chỉ đủ đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng của người dân trong 7 tháng đầu năm. Do vậy, một số lượng lớn khách hàng của CDC Đồng Nai đã đi tiêm chủng ở các cơ sở khác. Do đó, cuối năm 2022, Phòng khám đa khoa đã tham mưu Ban giám đốc Trung tâm tăng số lượng dự trù vaccine cho cả gói thầu, đồng thời xây dựng gói thầu vaccine cho 18 tháng thay vì chỉ 12 tháng như trước. Hiện nay, CDC Đồng Nai đã có đầy đủ các loại vaccine, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân.

Phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng trong chương trình TCMR

Cũng như các loại vaccine dịch vụ, năm 2022, các loại vaccine trong chương trình TCMR cũng bị thiếu, ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ. Sau khoảng thời gian thiếu vaccine, trong tháng 1, CDC Đồng Nai đã tiếp nhận các vaccine từ nguồn phân bổ của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và cấp phát vaccine cho đợt tiêm chủng thường xuyên tháng 1, 2-2023.

Vaccine mới ngừa ung thư cổ tử cung có thể ngừa được 9 chủng virus HPV

Hiện nay, bên cạnh loại vaccine ngừa ung thư cổ tử cung G4 (Gardasil 4) ngừa được 4 chủng virus HPV gồm: HPV6, HPV11, HPV16 và HPV18), CDC Đồng Nai còn cung cấp loại vaccine mới là G9 (Gardasil 9). Loại vaccine này có thể ngừa được 9 chủng virus HPV gồm: HPV6, HPV11, HPV16, HPV18, HPV31, HPV33, HPV45, HPV52 và HPV58. Cả 2 loại vaccine này đều được sản xuất bởi Công ty Merck Sharp & Dohme (MSD) của Mỹ.

Các vaccine đã được cấp phát gồm: BCG (lao), DPT (bạch hầu - ho gà - uốn vàn), uốn ván, bOPV (vaccine bại liệt dạng uống), IPV (vaccine bại liệt dạng tiêm), sởi, sởi - rubella, VGB (viêm gan B), viêm não Nhật Bản. Hiện tại vẫn chưa có vaccine 5 trong 1 (DBT - VGB - Hib).

Các đơn vị ngay khi được phân bổ đủ các loại vaccine sẽ tổ chức tiêm vét đủ mũi các loại vaccine cho trẻ em thuộc đối tượng của năm 2022 chưa được tiêm chủng. Công việc này được thực hiện trong quý II, III-2023.

Các cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng vaccine bại liệt trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em, đảm bảo trẻ em dưới 1 tuổi được uống đủ 3 liều vaccine bOPV và tiêm 1 mũi vaccine IPV đạt tiến độ hàng tháng. Với các trường hợp hoãn tiêm trong tiêm chủng thường xuyên cần được tổ chức cho uống/tiêm vét ngay trong tháng. Tiếp tục triển khai tiêm vaccine IPV mũi 2 cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Hoạt động này nhằm duy trì thành quả về loại bỏ bệnh bại liệt.

Khuyến cáo đối với người dân về việc tiêm vaccine phòng bệnh, BS Phan Khắc Tuệ cho rằng, hiện nay là giai đoạn giao mùa đông - xuân, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh đường hô hấp. Thời điểm này cũng đang vào mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao cùng với thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số ca mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức để kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc và diễn biến nặng các bệnh truyền nhiễm. Do đó, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn là ưu tiên số 1.

“Người dân vẫn nên ưu tiên tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế, nhất là đối với những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, người dân cũng cần tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh theo đúng lịch, nhất là những đối tượng có sức đề kháng yếu” - BS Tuệ cho hay.

Hải Yến

Tin xem nhiều