Báo Đồng Nai điện tử
En

Họp mặt các nhà giáo đi B: Miền Nam gọi, chúng tôi sẵn sàng

12:04, 17/04/2005

Sáng 15-4, Sở GD-ĐT đã tổ chức cuộc họp mặt những nhà giáo từ miền Bắc tăng cường cho miền Nam và nhà giáo từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Sáng 15-4, Sở GD-ĐT đã tổ chức cuộc họp mặt những nhà giáo từ miền Bắc tăng cường cho miền Nam và nhà giáo từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Một cuộc gặp mặt hiếm hoi của hơn 20 nhà giáo, đại diện cho các thế hệ đi xây trường dựng lớp cách đây hơn 30 năm làm xúc động những người có mặt. Trong không khí thân tình, đầm ấm, ký ức về một thời gian khổ mà hào hùng chợt bùng dậy vỡ oà sau những cái bắt tay thăm hỏi...

Các nhà báo phát biểu tại buổi họp

* "Đường chúng ta đi"

"Tất cả vì miền Nam ruột thịt" đã là khẩu hiệu thôi thúc lớp lớp thanh niên, trong đó có giới nhà giáo từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào chi viện cho miền Nam. Những mái đầu bạc, giọng nói run run của những nhà giáo khi lần ôn lại kỷ niệm của một thời tham gia diệt giặc dốt, nâng cao dân trí, xây dựng cơ sở giáo dục ở những vùng kháng chiến. Nhà giáo về hưu Trần Sĩ Huấn (nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai) bắt đầu bằng câu chuyện sốt rét giữa rừng, thiếu thốn trăm bề nhưng ngọn lửa nhiệt tình của tuổi trẻ và phẩm chất đạo đức của nghề giáo thì không có gì sánh nổi. "Chẳng thế mà dù có đi chỗ này chỗ kia, hoàn cảnh lúc vầy lúc khác nhưng anh chị em đều giữ mình, sống xứng đáng với lòng tin của dân, của Đảng".

Thầy giáo Bùi Quang Tú, hiện là cán bộ giảng dạy Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai kể lại những năm tháng đầu tiên có mặt ở chiến trường miền Nam vẫn không giấu được nỗi xúc động: "Qua sách vở, trong tôi miền Nam thật mơ hồ, chưa thể hiểu được chiến trường trong này ác liệt như thế nào. Sau hiệp định Paris, tôi cùng một số giáo viên ở Trường cấp 3 Quốc Oai (Hà Tây) viết đơn tình nguyện vào Nam. Đầu năm 1973, chúng tôi vượt Trường Sơn vào đến Tây Ninh thì được phân công về Ban tuyên huấn Biên Hòa. Một tháng sau, tôi được biệt phái về Trường văn hóa của huyện Thống Nhất. Lúc đó, huyện Thống Nhất có chủ trương mở một trường văn hóa cho con em cán bộ và đồng bào quanh vùng, một mặt nhằm nâng cao trình độ văn hóa, bồi dưỡng chính trị cho cán bộ trẻ, một mặt thu hút bà con ở vùng địch chiếm đóng vào ở vùng giải phóng. Công việc đầu tiên là chặt tre, đan phên nứa, đóng bàn ghế lập trường lập lớp, khoảng hai tháng thì tiến hành khai giảng. Vậy mà nạn sốt rét cứ liên hồi quật ngã thầy trò cứ ngày càng suy kiệt nhưng không vì thế mà bỏ trường bỏ lớp. Trường học lại liên tiếp bị tra xét nên cũng phải di dời nhiều nơi. Trong một chuyến vượt lộ ngày 10-3-1975, đúng vào ngày quân ta đánh trận mở màn chiến dịch Buôn Mê Thuột, khi vượt qua đèo Chuối ở Hưng Lộc, đoàn chúng tôi bị trúng mìn, lực lượng bị phân tán, có người hy sinh, có người sống sót tìm đường trở về. Lần đó, Ban tuyên huấn Biên Hòa tưởng tôi đã hy sinh nên phóng ảnh chuẩn bị làm lễ truy điệu". Nhiều khi thầy cứ tự hỏi không biết cái gì đã giúp những thế hệ ngày ấy chấp nhận gian khổ, đương đầu với thử thách. Thầy giáo về hưu Lương Văn Thành (nguyên giáo viên Trường trung học kỹ thuật công nghiệp Đồng Nai) khẳng định: “Đồng nghiệp mình, học sinh mình từ miền Bắc chi viện cho miền Nam thì mình cớ gì ngồi yên cho được. Hoàn cảnh nghiệt ngã cũng có người lầm đường lạc lối nhưng tất cả đã quyết: đã ra đi thì phải giữ trọn vẹn lời thề với sông núi".

* Để “đàn em vui ríu rít mái trường..."

Tại buổi họp mặt, một thầy giáo đã hát bài “Đường chúng ta đi” của nhạc sĩ Huy Du. “Đường ta đi ánh lửa soi đêm dài. Đường ta về trong nắng ấm ban mai...Lời mẹ nói ấm lòng, đàn em vui ríu rít mái trường...". Ở phía dưới hội trường rất nhiều gương mặt rạng rỡ, tự hào lắm vì một thời tuổi trẻ của mình đã cống hiến ở chiến trường miền Nam. Nhà giáo Tạ Quan Viên (nguyên cán bộ Sở GD-ĐT) thổ lộ: "Tôi tự hào vì những ngày tháng ác liệt đó mình lại được làm cái nghề mà cha mình, vốn là một nhà giáo hy sinh trên đường công tác. Hoạt động trong lòng thị xã, nguyên tắc bí mật là trên hết nên mấy ai biết ai. Sau này, lại tiếp tục cống hiến trong ngành giáo dục, tôi thấy cuộc đời mình có ý nghĩa lắm và cảm thấy mãn nguyện". Nhà giáo Hoàng Thị Hòa (nguyên Phó chủ tịch công đoàn ngành giáo dục) kể: “Chồng tôi đi B năm 1965 thì mười năm sau tôi vào Nam đúng vào tháng 11 năm 1975. Người đầu tiên tôi gặp là chị Năm Thanh (lúc đó là phó Ty giáo dục) và sau đó là anh Huấn (phó giám đốc Ty) cùng nhiều đồng nghiệp niềm nở đón nhận tôi. Sống xa quê hương nhưng tôi cảm nhận được tình cảm của bà con miền Nam thật yêu quý cán bộ tăng cường miền Bắc. Nhớ nhất là lúc đón cái tết đầu tiên năm 1976, cũng tại gian phòng này, giữa bộn bề thiếu thốn của ngày đầu giải phóng nhưng nồng ấm và háo hức, chờ đợi lắm. Chính vì thế mà dù có khó khăn, cơ sở lúc đó rải rác nhưng mọi người thầm nhủ vẫn phải đảm bảo công tác”. Các cơ sở giáo dục lần lượt ra đời và càng về sau càng phát triển rộng khắp. Thầy Phan Tuấn Hòa (hiện là giáo viên dạy Sử Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh) nhớ lại: “Năm 1974, lúc đó tôi 28 tuổi, là bộ đội và tham gia dạy học ở Thanh Hóa thì được Ủy ban thống nhất Trung ương điều động vào Nam công tác mà điểm đến là Long Khánh. Chúng tôi tiếp quản 8 cơ sở giáo dục dân lập và tiến hành sáp nhập, hình thành ngôi trường cấp 3 Long Khánh, đặt nền móng phát triển giáo dục cho cả vùng Đông Bắc của tỉnh".

"Chúng tôi bây giờ người còn người mất, người đã về hưu, người vẫn đang phục vụ sự nghiệp giáo dục nhưng đều ấm lòng khi nhìn thấy mạng lưới trường lớp ngày càng quy mô hơn, trường lớp được xây dựng khang trang, tương xứng hơn". Nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, nhà giáo Nguyễn Văn Nhì không giấu sự phấn khởi trong lần gặp mặt nên góp chuyện bằng những câu chuyện tình đẹp đẽ và trong sáng như lời ông tự nhận là "tình cờ đến như một kỷ niệm đẹp” trong suốt chặng đường từ Trường đại học sư phạm Vinh đến đất Đồng Nai.

Thu Trang

Tin xem nhiều