Báo Đồng Nai điện tử
En

Tỷ “đô” trong khủng hoảng

03:02, 05/02/2013

Thu hút được 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong khi mục tiêu đề ra cho năm 2012 là 800 triệu USD trong thời buổi nhà đầu tư nào cũng phải “cân đong đo đếm” không phải là một thành quả “tự nhiên đến” của Đồng Nai. Đằng sau con số đó là cả một sự thay đổi về tư duy trong thu hút FDI.

Thu hút được 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong khi mục tiêu đề ra cho năm 2012 là 800 triệu USD trong thời buổi nhà đầu tư nào cũng phải “cân đong đo đếm” không phải là một thành quả “tự nhiên đến” của Đồng Nai. Đằng sau con số đó là cả một sự thay đổi về tư duy trong thu hút FDI.

2012 là một năm mà Đồng Nai rất “siêng năng” trong mời gọi, tìm kiếm vốn FDI bằng nguồn ngân sách hạn hẹp. Tham dự các hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước, tiếp các đoàn doanh nghiệp, hiệp hội đến tìm hiểu môi trường đầu tư, tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư tại nước ngoài… cho thấy, nếu biết nắm bắt cơ hội, vốn FDI vẫn “chảy” vào, dù kinh tế thế giới vẫn chưa thật sáng sủa.

Bôn ba… tìm vốn

Một trong những mục tiêu mà Đồng Nai xác định ngay từ đầu năm 2012 là phải chuyển hướng đón làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, vốn đang trở thành một xu hướng sau những thiệt hại do thảm họa động đất, sóng thần. Tại cuộc hội thảo “Thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản vào các khu công nghiệp” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đầu năm 2012, Đồng Nai đã nhận được nhiều tư vấn bổ ích.

Ký kết hợp đồng thuê đất ở Khu công nghiệp Giang Điền giữa Công ty Sonadezi và một doanh nghiệp Hàn Quốc.
Ký kết hợp đồng thuê đất ở Khu công nghiệp Giang Điền giữa Công ty Sonadezi và một doanh nghiệp Hàn Quốc. (Ảnh: K.Ngân)

Ông Hideo Okubo, Chủ tịch - Giám đốc điều hành Tập đoàn Forval Nhật Bản, kiêm Chủ tịch Ủy ban đặc biệt hỗ trợ toàn cầu hóa công ty vừa và nhỏ Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, cho biết, hiện có hơn 214.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang có xu hướng muốn đầu tư ra nước ngoài. Nhật Bản đang tìm kiếm những quốc gia thân thiện, ổn định để hướng doanh nghiệp của mình đến đó. Và Việt Nam là một trong số các điểm đến được đánh giá cao.

Trong tháng 4-2012, tỉnh đã tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư tại thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka với sự tham dự của gần 400 doanh nghiệp Nhật bản. Tại cuộc xúc tiến đầu tư này, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Lixil, đầu tư vào Khu công nghiệp Long Đức với tổng vốn đầu tư trên 441 triệu USD. Đây là dự án lớn nhất của Nhật Bản vào Đồng Nai từ trước đến nay. Chưa đầy 2 tuần sau đó, Tổng giám đốc Công ty Lixil Việt Nam đã chính thức ký hợp đồng thuê đất tại Khu công nghiệp Long Đức để triển khai dự án.

Chuyến đi xúc tiến đầu tư ở Hàn Quốc diễn ra vào trung tuần tháng 10-2012 cũng được đánh giá là khá thành công. Đoàn công tác tỉnh đã đi thăm và làm việc với các công ty mẹ có đầu tư ở Đồng Nai, như: Posco, Hyosung, Dong Jin, Lotte… Đặc biệt, tại hai cuộc hội thảo ở Soeul và ChangWon, có hơn 140 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đến dự, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Đồng Nai. Nhiều doanh nghiệp tham gia thảo luận với các ngành chức năng, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng về từng lĩnh vực cụ thể khi đầu tư vào Đồng Nai. Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp sau hai cuộc hội thảo, có 30% nhà đầu tư cam kết đầu tư vào Việt Nam và 70% sẽ đầu tư vào Đồng Nai.

Nghi thức khánh thành nhà máy mới của Công ty AkzoNobel diễn ra vào tháng 6-2012 tại Khu công nghiệp Amata.
Nghi thức khánh thành nhà máy mới của Công ty AkzoNobel diễn ra vào tháng 6-2012 tại Khu công nghiệp Amata. (Ảnh: V.Lâm)

 Đồng Nai còn có những chuyến đi tìm đối tác lớn, nhỏ khác tại Ấn Độ, Myanmar, Lào, châu Âu; đồng thời liên tục có các buổi trao đổi, gặp gỡ với các đại sứ, tham tán thương mại, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài… nhằm trao đổi thông tin và giới thiệu các lĩnh vực mà tỉnh đang thu hút vốn đến các nhà đầu tư.

Xác định lợi thế cạnh tranh

Theo JETRO (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản) thì kết quả điều tra trực tuyến của Thời báo Kinh tế Nhật Bản Nikkei cho thấy, Việt Nam được lựa chọn là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất để mở cơ sở sản xuất, trên cả Ấn Độ và Thái Lan. Với tư cách là thị trường tiêu thụ, Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn thứ ba sau Ấn Độ và Indonesia.

Lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Sojitz (xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Long Đức) ký biên bản thỏa thuận nhân chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản (tháng 4-2012).
Lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Sojitz (xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Long Đức) ký biên bản thỏa thuận nhân chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản (tháng 4-2012). (Ảnh: Thanh Duy)

Tuy nhiên, hấp dẫn là một chuyện, còn việc bắt tay vào thực tế để “lái” dòng vốn “chảy” vào lại là chuyện khác. Vấn đề đặt ra ở đây là, khi các yếu tố được cho là lợi thế trong thu hút FDI trước đây của Đồng Nai cũng như cả nước, như: nhân công rẻ, chính sách môi trường lỏng lẻo, thiếu chọn lọc dự án… đã trở thành quá khứ thì điều gì khiến nhà đầu tư chọn Việt Nam chứ không phải là một quốc gia châu Á khác? Và phạm vi hẹp hơn là chọn Đồng Nai chứ không phải là một tỉnh, thành nào khác? Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái khẳng định, chủ động tìm vốn vẫn là hướng đi sắp tới của Đồng Nai, nhưng thu hút đầu tư bằng các thế mạnh “vô hình” mới là giải pháp. “Cải cách thủ tục hành chính và lành mạnh hóa môi trường đầu tư là giải pháp hàng đầu. Quy trình “một cửa một dấu” là một ví dụ. Nếu có yêu cầu, Đồng Nai có thể cấp phép nhanh hơn cả thời hạn mà quy trình ISO quy định. Chúng tôi không để cho nhà đầu tư phải đi nhiều cửa”  - ông Thái nói.

Năm 2013, Đồng Nai dự kiến thu hút từ 800 triệu đến 1 tỷ USD vốn FDI, trong đó chú trọng thu hút có chọn lọc theo hướng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, công nghiệp sạch thân thiện với môi trường, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chi tiết máy móc thiết bị.

Việc “kề vai sát cánh” với doanh nghiệp FDI trong quá trình thực hiện dự án cũng là một trong những điều được tỉnh xác định. Đi kèm với nó là hiện đại hóa thủ tục hải quan, thuế, hoàn thiện nguồn nhân lực và các chính sách môi trường, cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển dịch vụ…

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cũng chia sẻ, việc đối đãi tốt với các nhà đầu tư đã và đang hoạt động tại Đồng Nai cũng chính là kênh thông tin để thu hút vốn hiệu quả nhất. Kinh nghiệm cho thấy, khoảng hơn 50% lượng thông tin về môi trường đầu tư ở Đồng Nai sẽ đến với các doanh nghiệp qua các bạn hàng, hiệp hội, cơ quan ngoại giao, giới doanh nghiệp cùng ngành nghề… “Chính vì vậy, ngoài việc chủ động giới thiệu thông tin và xúc tiến đầu tư, tận dụng các kênh môi giới như các hiệp hội, cơ quan ngoại giao, địa phương kết nghĩa… thì việc hỗ trợ tốt cho hoạt động của các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Đồng Nai cũng là một trong những yếu tố quan trọng để nguồn vốn  FDI đến với Đồng Nai một cách bền vững” - Chủ tịch UBND tỉnh kết luận.

KIM NGÂN

 

 

 

Tin xem nhiều