Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải phóng trễ là tôi "đi" luôn rồi!

11:04, 29/04/2015

Ông Tư Thái, tự Võ Hồng Thái, tức Võ Văn Xường (1927-2008), nguyên Phó văn phòng Bộ Chỉ huy mặt trận Xuân Lộc cũng là một trường hợp sống được nhờ có ngày 30-4-1975.

 

Ông Tư Thái, tự Võ Hồng Thái, tức Võ Văn Xường (1927-2008), nguyên Phó văn phòng Bộ Chỉ huy mặt trận Xuân Lộc cũng là một trường hợp sống được nhờ có ngày 30-4-1975.

Vợ chồng ông Tư Thái và bà Bảy Bê sau ngày giải phóng.
Vợ chồng ông Tư Thái và bà Bảy Bê sau ngày giải phóng.

Võ Hồng Thái là thanh niên đầu tiên ở Cái Vạn (xã Phước Thọ, nay thuộc xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) thi đậu vào trường sư phạm tỉnh Biên Hòa. Năm 1948, Tư Thái làm thư ký Văn phòng Huyện ủy Long Thành. Được giao lôi kéo một bộ phận Bình Xuyên ở Phước Thọ về với cách mạng, Tư Thái hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, còn cùng lực lượng này lấy được 5 ghe đạn, lựu đạn chở về chôn giấu an toàn. Đang hoạt động ở thế bán hợp pháp, Tư Thái bị địch bắt. Trốn thoát khỏi trại giam ở Long Thành, Tư Thái được chuyển về huyện Vĩnh Cửu, lấy bí danh mới là Tư An. Năm 1958, Huyện ủy viên Tư An cùng đồng bào các xã Bửu Long, Tân Phong, Bình Ý lao vào cuộc đấu tranh chống âm mưu mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa. Tiếp đó là kết hợp cùng Thị ủy Biên Hòa tổ chức biểu tình đòi trả xác chồng, con bị sát hại ở nhà tù Phú Lợi…

Tức tối vì trận đánh Mỹ đầu tiên vào Nhà Xanh, ngày 29-11-1959, địch lập tòa án quân sự đặc biệt tại Biên Hòa và đưa ra kết tội 7 cán binh Việt cộng nằm vùng. Chúng tuyên án  Ngô Bá Cao - Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa: tử hình; Võ Hồng Thái: 20 năm tù…

 Bị dư luận cực lực phản đối, chính quyền Sài Gòn đành hủy án, nhưng đày toàn bộ những “phần tử cộng sản nguy hiểm” này ra Côn Đảo. Năm 1973, Hiệp định Paris ký kết, Võ Hồng Thái được đưa về Lộc Ninh trao trả.

Chiến dịch Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn thần tốc, Thường vụ Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền chủ trương  mở chiến dịch Xuân Lộc để đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở phía Đông, mở đường cho đại quân tiến vào Sài Gòn. Bộ Chỉ huy mặt trận Xuân Lộc do Phó tư lệnh Quân đoàn 4 Bùi Cát Vũ làm Tư lệnh; Chính ủy là đồng chí Sáu Trung (Nguyễn Văn Trung, Thường vụ Khu ủy miền Đông, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai). Trước bước chân thần tốc của đoàn quân giải phóng mà thấy ông Phó văn phòng Tư Thái đã mê man đến mấy ngày, đang nằm thoi thóp chờ chết vì không còn thuốc chữa, Chính ủy Sáu Trung quyết định để Tư Thái ở lại trạm xá Gia Ray và cử nữ bác sĩ Nguyệt ở lại để chăm sóc bệnh nhân cho đến phút cuối cùng. Đồng chí Sáu Trung còn lệnh cho bộ phận hậu cần cử người ra thị trấn Gia Ray đặt trước một cái hòm. Mọi người đều nghĩ đồng chí Phó văn phòng Võ Hồng Thái đã mười phần chết cả mười rồi!

Ngày 21-4-1975, nghe tin Xuân Lộc được giải phóng, bác sĩ Nguyệt liền viết giấy nhờ cán bộ thị trấn chạy gấp lên Bệnh viện Long Khánh lấy mấy chai nước biển. Vừa được truyền chưa hết chai nước biển, Tư Thái đã từ từ hé mắt. Bất ngờ chưa hết: bác sĩ Nguyệt đang chăm sóc Tư Thái thì gặp tai nạn, được đưa lên xe chở thẳng về Biên Hòa. Tư Thái gần như bị bỏ rơi hoàn toàn. Toàn bộ giấy tờ, tư trang cá nhân của Tư Thái được đơn vị cất giữ khi mọi người thấy ông không còn khả năng thoát khỏi bàn tay tử thần. Tư Thái chỉ còn lại khẩu súng giấu dưới giường. Là một bệnh nhân “đặc biệt” trong trạm xá Gia Ray, Tư Thái được thân nhân của những sản phụ trong trạm xá… nuôi cơm. Và khi đã bình phục, ông còn được địa phương đón xe gửi về Biên Hòa giùm.

Một tuần sau ngày 30-4-1975, có một người đàn ông mặc bộ đồ bà ba đen nhếch nhác, hôi rình, đi chân không, trên vai là khẩu carbine,  tìm đến cơ quan Khu ủy miền Đông (đặt trong tư dinh Tư lệnh quân đoàn III cũ, nay là Nhà thiếu nhi Đồng Nai). Vừa thấy người đàn ông kỳ quái, đồng chí Sáu Trung kêu lên kinh ngạc:

- Ủa! Tư Thái đây à! Ông còn sống thiệt sao… ông?

Mọi người đang có mặt ở Văn phòng Khu ủy lúc ấy đều túa đến để xem “người chết trở về”. Sau một hồi trấn tĩnh, ông Võ Hồng Thái mới thều thào: “Giải phóng Xuân Lộc mà trễ chút nữa là tôi “đi” luôn rồi!”.

 Lê Biên Hùng

 

 

Tin xem nhiều