Báo Đồng Nai điện tử
En

Tai nạn và ùn tắc giao thông: Vấn đề nhức nhối của xã hội

10:08, 16/08/2014

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam không nhỏ (khoảng 12 ngàn người thiệt mạng và 10 ngàn người bị thương). Vậy có bao giờ chúng ta tự hỏi nguyên nhân nào dẫn đến những con số thương tâm này? Và có bao giờ chúng ta đã so sánh tình trạng TNGT ở Việt Nam với các nước khác?

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam không nhỏ (khoảng 12 ngàn người thiệt mạng và 10 ngàn người bị thương). Vậy có bao giờ chúng ta tự hỏi nguyên nhân nào dẫn đến những con số thương tâm này? Và có bao giờ chúng ta đã so sánh tình trạng TNGT ở Việt Nam với các nước khác?

Khi có người chết vì TNGT, người ta nói: “Tại số”; có người lại bảo: “Chạy nhanh thế chết là đúng”. Vậy còn bạn, bạn cho nguyên nhân do đâu?

* Tai nạn do đâu?

Theo tôi, việc xảy ra TNGT, bên cạnh nguyên nhân do ý thức người tham gia giao thông còn phải kể đến công tác triển khai bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại địa phương còn nhiều hạn chế. Tôi xin đơn cử vài vấn đề về giao thông ở một số nơi trong tỉnh Đồng Nai như sau:

Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết người trên quốc lộ 51.Ảnh: Danh Trường
Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết người trên quốc lộ 51.Ảnh: Danh Trường

Thứ nhất, về các làn đường thì còn lộn xộn, nhiều chỗ chưa phân chia rõ các làn đường, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Như điểm ngã ba Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa), mỗi lần công nhân tan tầm lại rối như canh hẹ. Giữa con đường, mặc dù đủ 2-3 làn xe chạy nhưng không hề có con lươn phân luồng, ai thích đi xuôi đi ngược thì đi, cũng hiếm thấy người thi hành công vụ ở đâu để xử lý.

Thứ hai, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) cũng có tuần tra kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm giao thông, nhưng hầu như họ chỉ đứng một chỗ, hoặc có đi cũng chỉ lượn vài vòng là xong. Khi có lực lượng CSGT trên đường thì hầu như mọi người điều khiển phương tiện lưu thông rất từ tốn, có vẻ rất chấp hành pháp luật giao thông, nhưng khi CSGT đi khỏi thì tình trạng vi phạm giao thông lại xảy ra...

Thứ ba, trên tuyến quốc lộ 51, đoạn từ TP.Biên Hòa đến ngã 3 Nhơn Trạch (xã Long An, huyện Long Thành), các loại xe khách, đặc biệt là xe buýt muốn ghé đột ngột vào chỗ nào rước khách thì cứ ngang nhiên tấp vào, không cần biết hậu quả sau đó. Đáng nói là, tình trạng “tấp” vào lề đường rước khách đột ngột diễn ra khá nhiều trên quốc lộ 51, nhưng ít thấy lực lượng chức năng kịp thời xử lý.

Thứ tư, các chị hàng cá, hàng rau, trái cây... thì chỉ còn thiếu ở chỗ chưa ngồi giữa lòng đường mà bán hàng. Khi có lực lượng chức năng tới thì họ “ù chạy” vào vỉa hè, lực lượng chức năng đi khỏi thì họ lại thảnh thơi bày biện hàng hóa ra bán. Người đi đường qua những chỗ này nếu không va quẹt cũng bị mất thời gian tránh né, luồn lách.

Điều cũng cần nói đến là cơ chế xử phạt của cơ quan chức năng đối với những đối tượng vi phạm giao thông hiện chưa nghiêm và chưa triệt để, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.

* Những giải pháp khắc phục

Từ những thực trạng trên, tôi xin đưa ra một vài giải pháp để giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông. Biện pháp tôi nêu ra đây không phải là mới, nhưng tôi vẫn muốn các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa để có phương hướng khắc phục những vấn về đề giao thông đang ngày càng phức tạp như hiện nay.

- Trước tiên, để triển khai được những giải pháp tối ưu về an toàn giao thông, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho ngành giao thông về kinh phí và nguồn nhân lực mới thực hiện được các biện pháp một cách có hiệu quả.

- Thứ hai, trên làn đường thường có nhiều người qua lại để sang đường, bao gồm cả người đi bộ, nên có ký hiệu, chỉ vạch, rào chắn, con lươn... chỉ dẫn và quy định một điểm nào đó mới được sang đường, một điểm nào đó người đi bộ mới được băng qua đường..., mới tránh được tình trạng lộn xộn về giao thông.

Những điểm có công nhân tan ca, hoặc có nhiều người qua lại (như đường Cổng 11 đi vào Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cần có đèn báo biển hiệu cho một loại phương tiện đi trước. Ví dụ như cho ô tô đi trước, hay cho người đi bộ đi qua hết mới đến lượt các xe khác, tránh tình trạng chen chúc không ai chịu nhường ai gây ùn tắc giao thông.

Đoạn ngã ba Tam Hiệp cần có đèn giao thông cho các con đường để người qua đường được an toàn hơn, vì mỗi lần điều khiển phương tiện lưu thông qua khỏi chỗ này, tôi mới thở phào nhẹ nhõm là mình đã được an toàn.

- Biện pháp thứ ba, cần trang bị thêm các công cụ hỗ trợ đồng bộ, hiện đại để phát hiện đúng, kịp thời các hành vi vi phạm về giao thông. Bên cạnh đó, phải tăng cường thêm các lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt các tuyến đường thường bị ùn tắc, các tuyến đường hay xảy ra tai nạn để người đi đường chấp hành pháp luật giao thông và kịp thời xử phạt những vụ việc vi phạm.

Ban tổ chức cuộc thi viết về chủ đề “An toàn giao thông trên mọi nẻo đường” trên Báo Đồng Nai mong tiếp tục nhận được tác phẩm dự thi của bạn đọc cả nước để có những hiến kế sâu sắc, hiệu quả đối với công tác đảm bảo giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới. Thời hạn chót nhận bài dự thi giai đoạn II là ngày 31-8-2014.

Các lực lượng chức năng cần lưu ý hơn đến những con đường thường xuyên xảy ra tai nạn và phải có biện pháp khắc phục ngay. Ví dụ, tôi thấy đoạn đường từ ngã ba Thái Lan vào Trường đại học Nguyễn Huệ (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) thường xảy ra TNGT làm chết người, nhưng đã bao năm nay con đường này vẫn chưa được cải thiện. Theo tôi, đây là con đường có đông người qua lại và gần như là con đường chính, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu mở rộng và đặt con lươn ở giữa làm đường một chiều sẽ giảm được TNGT nhiều hơn.

- Biện pháp thứ tư, lực lượng thanh tra giao thông cần theo dõi và kiểm soát được tốc độ của các loại xe, như: xe khách, xe tải, xe buýt, container… trên tuyến quốc lộ 51, bởi đây chính là “hung thần” gây ra các vụ TNGT chết người nghiêm trọng.

- Thứ năm, cần có biện pháp khắc phục tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm chỗ bán hàng, chỗ đậu xe và xử lý nghiêm những ai vi phạm. Tránh tình trạng như ở chợ An Bình (xã An Phước), hàng cá, hàng rau, trái cây... bày bán ra cả lòng đường, lực lượng chức năng đi đến chỉ nhắc nhở, quát tháo vài câu, tịch thu một vài chiếc dù, biển bán hàng rồi đi. Sau khi các lực lượng chức năng bỏ đi thì “đâu vào đấy”, nên đường tắc thì vẫn cứ tắc.

- Biện pháp thứ sáu, cần xử lý nghiêm, triệt để đối với những đối tượng vi phạm nghiêm trọng pháp luật giao thông để làm gương cho mọi người tham gia giao thông và không có trường hợp tương tự lặp lại.

Những biện pháp nêu trên không mới, nhưng tôi cũng mong Nhà nước, các cơ quan chức năng một lần nữa lưu ý hơn đến những vấn đề tôi trình bày và nhanh chóng có phương hướng giải quyết để những vấn đề về ùn tắc, hay TNGT được giảm thiểu, đó cũng là mong muốn của cá nhân tôi và của tất cả mọi người khi tham gia giao thông.

Lê Thị Hương Lan

 

 

Tin xem nhiều