Báo Đồng Nai điện tử
En

Khổ vì suối Cầu Quan bị ô nhiễm

Phương Liễu
09:00, 23/04/2024

Người dân ở các khu phố: Tân Cang, Vườn Dừa và Hương Phước (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) phản ảnh, nhiều tháng qua, nước suối Cầu Quan bị ô nhiễm nặng nề, gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của mọi người.

Người dân khu phố Tân Cang và lực lượng dân phòng phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa) tham gia vớt rác, nạo vét lòng suối Cầu Quan để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: UBND phường Phước Tân cung cấp

Mùa nắng đến, nước suối lại hôi nồng nặc

Hơn 30 năm sống gần khu vực suối Cầu Quan, ông Trần Văn Nhương (ngụ khu phố Tân Cang) cho biết, trước đây con suối này rộng đến chục mét, lượng nước dồi dào, trong mát. Mấy năm gần đây, nước thường xuyên có màu vàng đục, mùi hôi. Mùa mưa còn đỡ hôi, nhưng vào mùa nắng thì nhiều đoạn suối, nước đã chuyển thành màu đen, đặc quánh vì rác và mùi hôi càng nồng nặc.

Theo ông Nhương, gia đình ông và nhiều hộ sống ở đây đã phải chịu đựng mùi hôi rất khổ sở, trời nóng vẫn phải đóng kín cửa để hạn chế mùi hôi. Quanh nhà ông Nhương có một khoảnh đất khá lớn trồng cây ăn trái và là nơi con cháu mỗi khi ở xa về tụ tập vui chơi, ăn uống, giờ không thể tiếp tục ra đây hóng mát bởi mùi hôi bủa vây cả ngày lẫn đêm.

Cũng sống trong nỗi khổ khi bị mùi hôi tấn công nhiều năm qua, bà Hoàng Thị Liên (ngụ khu phố Hương Phước) bức xúc bày tỏ: “Nhiều năm sống ở đây, tôi thấy dòng suối này ngày càng cạn và ô nhiễm nặng nề. Nhiều đoạn suối bị rác, lá cây làm nghẽn dòng chảy, nước tù đọng không chỉ gây mùi hôi, mà còn là nơi côn trùng trú ẩn, nguy cơ phát tán dịch bệnh truyền nhiễm”.

Theo nhiều người dân sống ven hai bên bờ suối, suối Cầu Quan, đoạn chảy qua phường Phước Tân dài khoảng 3km, rộng từng đoạn từ 6-10m. Suối Cầu Quan tiếp nhận nguồn nước từ thượng nguồn ở huyện Trảng Bom, chảy qua 3 khu phố: Hương Phước, Tân Cang và Vườn Dừa, sau đó tiếp nối vào sông Buông và đổ ra sông Đồng Nai.

Cũng theo bà Liên, trước đây nước suối Cầu Quan là nguồn nước tưới cho nhiều vườn rau, cây trái của những hộ gia đình sinh sống dọc hai bên suối. Nhưng mấy năm gần đây, nguồn nước bị ô nhiễm, người dân đã thôi không sử dụng cho nông nghiệp cũng như các sinh hoạt khác. Tình trạng ô nhiễm kéo dài không chỉ gây ức chế trong sinh hoạt, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

 “Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sớm có giải pháp nạo vét khai thông dòng suối và xử lý ô nhiễm để trả lại môi trường sống trong lành cho người dân” - bà Liên đề nghị.

Được biết, mới đây chính quyền địa phương có tổ chức dọn rác lòng suối, tình trạng ô nhiễm có giảm ít nhiều. Nhưng theo nhận định của nhiều người dân sống lâu năm ở khu vực này, nước suối Cầu Quan bị ô nhiễm khả năng do nguồn xả thải từ những cơ sở sản xuất gỗ, nhựa và sửa chữa ô tô nằm dọc hai bên suối từ hướng thượng nguồn đổ về.  Bởi khu vực này dòng nước không chỉ đen mà đôi lúc còn nổi bọt trắng, kèm theo mùi hôi của dầu nhớt.

Nạo vét suối chỉ là giải pháp tạm thời

Ông Nguyễn Hiếu Cường, cán bộ địa chính, xây dựng và môi trường UBND phường Phước Tân - người được giao kiểm tra vụ việc, cho biết người dân phản ảnh về tình trạng nước suối Cầu Quan bị ô nhiễm, gây mùi hôi là không sai.

Theo ông Cường, sau khi tiếp nhận phản ảnh từ người dân, UBND phường đã thành lập tổ liên ngành, phối hợp Phòng Tài nguyên - môi trường thành phố Biên Hòa đi dọc tuyến suối dài 3km (đoạn suối chảy qua địa bàn phường) để kiểm tra thực tế, lấy mẫu nước; đồng thời, kiểm tra một số cơ sở sản xuất đứng chân dọc hai bên bờ suối (thuộc địa bàn phường) để tìm hiểu. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định dấu vết và nguồn gốc xả thải để lập hồ sơ xử lý.

Ông Cường cho biết thêm, theo nhận định ban đầu của đoàn kiểm tra, nước đen gây mùi hôi có thể do một số đoạn suối gấp khúc, bị tắc nghẽn do rác, lá cây rụng lâu ngày, kết hợp với mùa nắng lượng nước từ thượng nguồn đổ về quá ít, không đủ lực để thông dòng, dẫn đến tình trạng nước tù đọng gây ô nhiễm. Để giải quyết vấn đề này, ngày 13-4, UBND phường huy động một số lực lượng và người dân trong khu phố Tân Cang vớt rác thải và vét bùn một vài đoạn lòng suối. Việc này cũng đã giải quyết phần nào tình trạng ô nhiễm.

“Tuy nhiên, vớt rác hay nạo vét lòng suối Cầu Quan chỉ là giải pháp tạm thời, còn giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm nguồn nước thì phải có sự phối hợp với cơ quan chức năng của thành phố Biên Hòa và huyện Trảng Bom để rà soát, kiểm tra, lần theo dấu vết nhiều vị trí các cơ sở sản xuất để tìm dấu hiệu xả thải. Bởi con suối này tiếp nhận nước chảy về từ thượng nguồn sau khi đi qua nhiều nơi, trong đó có Khu công nghiệp Hố Nai, trước khi vào suối Cầu Quan” - ông Cường cho biết.

Phương Liễ

Tin xem nhiều