Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng Việt với sức sống bền lâu

10:02, 09/02/2010

Một năm đầy sôi động với hàng Việt nhờ cuộc vận động “có một không hai” trong lịch sử tiêu dùng của người Việt: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây được xem là cơ hội trở lại của những thương hiệu Việt cũ đã ghi dấu ấn trong lòng người Việt chen chân vào thị trường vốn cạnh tranh khắc nghiệt.

Một năm đầy sôi động với hàng Việt nhờ cuộc vận động “có một không hai” trong lịch sử tiêu dùng của người Việt: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây được xem là cơ hội trở lại của những thương hiệu Việt cũ đã ghi dấu ấn trong lòng người Việt chen chân vào thị trường vốn cạnh tranh khắc nghiệt.

 

* Bao giờ cho đến ngày xưa...

 

Trong hành lang nhỏ hẹp của Hội chợ Công thương Đồng Nai diễn ra vào tháng 12-2009, một người phụ nữ trung niên hăm hở xách một túi nặng đựng toàn kem đánh răng Dạ Lan. Chị nói, chị thấy vui vui như lâu ngày gặp người bạn cũ nên mua ủng hộ rất nhiều, dù chưa biết chất lượng có còn tốt như xưa hay không.

 

Hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt.

Trong ký ức của nhiều người Việt Nam, khi nền kinh tế chuyển từ bao cấp sang thị trường vào thập niên cuối của thế kỷ XX, hàng Việt Nam được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, nhất là radio và báo in. Lúc ấy, Dạ Lan là một thương hiệu không thể thiếu trong mỗi gia đình và chiếm thị phần rất cao, chỉ sau P/S.  Khi đó, khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến vùng cao xa xôi hẻo lánh, ở đâu kem đánh răng Dạ Lan cũng được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Hình ảnh kem đánh răng Dạ Lan với ông già tóc bạc, hàm răng trắng, nụ cười tươi trở nên thân quen và gần gũi với đông đảo người tiêu dùng cả nước.

 

Thế rồi Dạ Lan đi vào bước ngoặt khi trao quyền sở hữu thương hiệu cho một tập đoàn nước ngoài với giá hàng triệu đô la Mỹ vào năm 1995. Thương hiệu Dạ Lan cũng biến mất trên thị trường từ đó. Giờ đây, trong bối cảnh cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đang diễn ra sôi nổi thì Dạ Lan quyết định “hồi sinh”.

 

Ở Đồng Nai, cùng thời của Dạ Lan, cũng có một doanh nghiệp sản xuất bột giặt đã lan tỏa khắp nơi, len lỏi tới vùng sâu vùng xa, thay thế hàng ngoại. Thế rồi DN say sưa với chiến thắng, bỏ quên thị trường đang có nhiều cạnh tranh rình rập. Và rồi theo quy luật, “đứng lại tức là thụt lùi”, DN đó đã dần đánh mất vị thế của mình, và giờ đây dù có cố gắng vẫn không thể trở lại thời hoàng kim của mình dù tên tuổi, thương hiệu vẫn còn đây.

 

 * Nỗi lòng tiểu thương

 

Một tiểu thương bán hàng nhựa và sành sứ lâu năm ở chợ Xuân Trường, huyện Xuân Lộc chia sẻ rất thật tình: “Không cần đến khi Nhà nước vận động tôi mới chú ý đến việc lấy hàng Việt Nam về bán, nhưng quả thực, đến giờ này vẫn thấy e dè. Trong ngành hàng nhựa, lúc đầu nhiều thương hiệu hàng Việt mình bán rất chạy, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn chê vì chất lượng không ổn định, lúc tốt lúc không tốt. Một số nhà sản xuất còn làm kiểu “đầu voi đuôi chuột”, ban đầu làm tốt, nhưng sau dở dần đi. Riết rồi chính tôi cũng không tự tin khi lấy hàng Việt về bán cho khách”.

 

Một tiểu thương khác, bán bánh kẹo và sữa ở chợ Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, cũng rất tâm tư: “Hàng Việt so với hàng ngoại thì ít chia sẻ thông tin hơn, đó là một điểm thua thiệt. Bình thường hàng Việt đã ít quảng cáo, mà đối với người bán, hàng Việt cũng chưa quan tâm nhiều. Tôi đâu dám mạnh miệng tư vấn cho người tiêu dùng xài sữa này hay sữa kia trong khi chính bản thân mình còn chưa tường tận nó tốt ở chỗ nào, có những chất gì có lợi cho sức khỏe? Trong khi đó, sữa ngoại hễ ra sản phẩm gì mới là mời tiểu thương đi hội nghị, truyền đạt hết các thông tin liên quan: sữa này uống ra sao, thời điểm nào có lợi, có những chất gì... tự nhiên nó ghi vào trong đầu và tự động “bật” ra khi người tiêu dùng hỏi. Vô tình, nhiều người bán trở thành cái máy quảng cáo cho hàng ngoại cũng vì lý do đó”.

 

* Để có sức sống bền lâu

 

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao, từng nói rằng, khó có thể có “chiếc đũa thần” cho hàng Việt, chỉ cần “vẩy” một cái là người tiêu dùng lập tức bỏ hàng ngoại chuyển qua xài hàng Việt. Muốn giành được sự tin yêu đó, không có cách nào tốt hơn là mỗi ngày mỗi cố gắng, làm tốt hơn để người tiêu dùng dần dần cảm mến, yêu thương và gắn bó lâu dài với hàng Việt.

 

Rượu bưởi Biên Hòa - sản phẩm đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

Và một câu lạc bộ “Đại sứ hàng Việt” cũng đã được hình thành với sự tham gia của những người nổi tiếng. Điều này nói lên ý chí ủng hộ hàng Việt rất mạnh mẽ. Vấn đề là các nhà sản xuất  mỗi ngày cần phải suy nghĩ cạnh tranh trên chính sản phẩm hôm qua của mình để thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu của “Thượng đế” về chủng loại, mẫu mã, chất lượng, giá cả và hậu mãi. Một chuyên gia kinh tế đã nói rằng, sự cạnh tranh lớn nhất là vượt qua chính bản thân DN, muốn thành công thì nhà sản xuất phải là người tiêu dùng đầu tiên sử dụng sản phẩm của mình làm ra. Như vậy sẽ cảm nhận được hết hiệu quả mà sản phẩm đem lại cùng những hạn chế cần bổ sung, điều chỉnh.

 

Đồng Nai có khá nhiều sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng nội địa. Từ quần áo đến bánh kẹo, thực phẩm chế biến tươi, đông lạnh hay những sản phẩm công nghiệp khác... Ví như dịp lễ, tết người ta có thể dùng các sản phẩm cà phê của Vinacafé Biên Hòa, hạt điều Donafoods, thịt chế biến tươi hay giò chả, patê, xúc xích, lạp xưởng của D&F, đường Biên Hòa, bưởi Tân Triều, rượu nếp Bến Gỗ, chuối sấy Gia Kiệm... làm quà biếu nhau. Hàng công nghiệp có sơn Đồng Nai, giấy Tân Mai, may Đồng Nai, Đồng Tiến, bột giặt Net, hàng mộc Hố Nai, Trảng Bom; đá granite Tín Nghĩa, chuối sấy Gia Kiệm, bánh chưng Trần Gia... Thế nhưng, để trở thành vị trí hàng đầu, có dấu ấn đặc biệt, có sức sống bền lâu trong lòng người tiêu dùng thì sự cố gắng, kiên trì, sáng tạo còn phải bền bỉ hơn, chân thành hơn và tâm huyết hơn...

Kim Loan - Kim Ngân

 

 

Tin xem nhiều