Báo Đồng Nai điện tử
En

Sửa đổi thuế thu nhập để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất

07:05, 29/05/2013

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, sáng 29-5, các đại biểu nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật tiếp công dân và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp...

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, sáng 29-5, các đại biểu làm việc tại Hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật tiếp công dân và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp - Dự án sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này. Buổi chiều, các đại biểu nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về dự thảo Luật giáo dục quốc phòng-an ninh

* Đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động tiếp công dân

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Luật tiếp công dân gồm 10 chương, 61 điều, quy định về việc tổ chức, hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người tiếp công dân; quản lý công tác tiếp công dân; điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân.

ĐBQH tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc phát biểu thảo luận tại hội trường
ĐBQH tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc phát biểu thảo luận tại hội trường

Đối tượng áp dụng của Luật gồm: cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân; trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân. Công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị đến trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân để khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; công dân đến trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân để tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc xây dựng dự án Luật tiếp công dân nhằm quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đổi mới một cách toàn diện về tổ chức và hoạt động tiếp công dân, thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Dự luật cũng nhằm góp phần giải quyết những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn; tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Tán thành với sự cần thiết ban hành dự án Luật tiếp công dân, tuy nhiên các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Cơ quan thẩm tra dự án Luật, còn băn khoăn về việc mặc dù dự thảo Luật đã cụ thể hóa nhiều nội dung liên quan đến hoạt động tiếp công dân, bổ sung quy định về tiếp công dân của Quốc hội, HĐND và một số cơ quan nhà nước khác, song nhìn chung các quy định chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân, khó có thể khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, góp phần làm cho công tác tiếp công dân bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức.

Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là quá rộng, dự án Luật chỉ nên giới hạn quy định về hoạt động tiếp công dân của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là những cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị; không nên quy định trách nhiệm tiếp công dân của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước. Bởi vì, các tổ chức, đơn vị này không trực tiếp tham gia quản lý nhà nước, đồng thời luật cũng không xác định đây là các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nếu có cũng chỉ mang tính nội bộ, đặc thù. Việc tiếp công dân, hội viên, thành viên của các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp, nên để các tổ chức này tự quy định trong điều lệ, quy chế hoạt động của tổ chức mình, nếu thấy cần thiết.

* Giảm thuế suất để thu hút đầu tư

Đa số các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn; khuyến khích, thu hút đầu tư; phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tiễn.

[links(left)]Đối với quy định về thuế suất, nhiều đại biểu tán thành với quy định về giảm thuế suất và lộ trình giảm thuế suất như dự thảo Luật: Giai đoạn 2014-2015 áp dụng thuế suất phổ thông là 22%; đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm, sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian, áp dụng mức thuế suất 20%. Một số trường hợp áp dụng thuế suất từ 32% đến 50% giao Chính phủ quy định chi tiết. Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% trong giai đoạn 2014-2015 chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01/01/2016. Các đại biểu cho rằng quy định như vậy là bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách thuế, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy vốn, mở rộng sản xuất nâng cao tính cạnh tranh, đẩy mạnh, khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, mức giảm thuế suất như dự án luật còn cao và đề nghị giảm mức thuế xuống còn 20% không phân biệt quy mô doanh nghiệp, thậm chí có đại biểu còn đề nghị nên giảm mức thuế suất xuống còn 18% đối với các doanh nghiệp mới thành lập...

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về định nghĩa: "doanh nghiệp vừa và nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng, sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian". Dẫn chứng từ Nghị định 56/2009/NĐ-CP về doanh nghiệp vừa và nhỏ, có đại biểu cho rằng, hai tiêu chí trên mới chỉ phù hợp với "doanh nghiệp nhỏ" chứ không thể coi là "doanh nghiệp vừa" được. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, xác định tiêu chí rõ ràng đối với quy định về doanh nghiệp vừa và nhỏ. >>>Phát biểu thảo luận của ĐBQH tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở

Về khoản chi được trừ, không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, các đại biểu đồng tình với dự thảo luật là nâng mức khống chế được trừ từ 10% lên 15% đối với chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về lộ trình tiến tới bỏ mức khống chế nêu trên để phù hợp với thông lệ quốc tế; mức khống chế được trừ tính theo tỷ lệ % trên doanh thu thay vì tính trên tổng chi phí được trừ như quy định của dự thảo Luật để bảo đảm tính minh bạch, dễ hạch toán. Thậm chí, một số đại biểu còn đề nghị nên bỏ quy định về mức khống chế chi phí được trừ đối với chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại... ngay trong dự án Luật để giao quyền chủ động cho doanh nghiệp.

Cũng có đại biểu thì cho ằng, không nên tính giảm trừ chi phí quảng cáo theo nguyên tắc cào bằng, mà cần tính chi phí tùy theo tính chất từng nhóm ngành và thời điểm, thời gian quảng cáo. Đại biểu đề nghị nên giảm trừ chi phí cho các ngành dịch vụ nhiều hơn so với các ngành sản xuất; các ngành có tính thời vụ, ngắn hạn cần được giảm trừ nhiều hơn so với các sản phẩm mang tính dài hạn; giảm trừ chi phí nhiều hơn cho các công ty mới tham gia thị trường...

Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận các nội dung về thu nhập chịu thuế; về miễn thuế đối với “Thu nhập của đơn vị Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam”; về xác định thu nhập tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản và một số khoản thu nhập mới phát sinh...

***

Buổi chiều cùng ngày,  các đại biểu đã nghe Ủy ban thường vụ Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giáo dục quốc phòng-an ninh và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Thứ năm, ngày 30-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013. Phiên thảo luận sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước cùng theo dõi.

P.V (Tổng hợp)

Tin xem nhiều